Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sau khi thử hút thuốc lá, có tới gần 90% trở thành con nghiện, cao hơn cả heroin và gần gấp đôi cần sa.
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, hầu hết người nghiện thuốc lá tại Việt Nam chỉ coi đây là thói quen, trong khi quốc tế đã xếp nghiện nicotine thành mã bệnh F17 trong nhóm các bệnh lý rối loạn tâm thần và hành vi cùng với nghiện rượu, nghiện ma tuý.
Chất nicotine trong thuốc lá dần khiến người hút bị lệ thuộc. Chỉ 7 giây sau khi hút thuốc lá, nicotine đã có tác dụng hưng phấn lên vỏ não và được não bộ ghi nhớ. Khi ngừng hút thuốc, nicotine giảm dần, trạng thái hưng phấn qua đi, não bộ sẽ kích thích trở lại gây cảm giác thèm thuốc lá.
Thuốc lá dễ gây nghiện hơn heroin và cần sa.
PGS Giáp cho biết, đặc tính chung của nghiện thuốc lá là xảy ra nhanh, cai nghiện khó và ít bỏ sót “nạn nhân”.
“Các nghiên cứu cho thấy, có tới 87% những người thử hút thuốc là đều trở thành nghiện. Đó là bài học cho thấy, không nên thử hút thuốc. Ban đầu là nghiện nhẹ, sau đó càng ngày càng nặng với nhiều mức độ khác nhau và khi đã nghiện thì việc cai hết sức khó khăn”, PGS Giáp cảnh báo.
Trong khi đó, chỉ có 86% người thử hút cocain trở thành con nghiện, con số này với người thử hút heroin là 82% và với cần sa là 51%.
'Chìa khoá' cai nghiện thuốc lá thành công
Mỗi điếu thuốc chứa 1-3g nicotine. Trong khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hoá học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Giới chuyên môn cũng xác định, hút thuốc lá trực tiếp gây ra 25 bệnh, phổ biến hàng đầu là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, ung thư đường hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Dù biết rõ tác hại của thuốc lá nhưng rất ít người cai thành công, ngay cả khi đã thử 7-8 lần. Do khi dừng hút, người nghiện thuốc lá luôn thấy miệng rất nhạt, thèm đủ thứ, có người tăng huyết áp, chóng mặt, mất ngủ, dễ nổi nóng và liên tục bị thôi thúc hút thuốc trở lại. Thực tế, nghiện nicotine khó bỏ không kém nghiện heroin.
Theo PGS Giáp, nghiện thuốc lá bao gồm nghiện thực thể và nghiện hành vi. Nghiện thực thể là nghiện chất nicotine trong thuốc lá, nghiện hành vi là nghiện động tác cầm điếu thuốc theo thói quen. Tuy nhiên cả 2 thường đi chung với nhau, khó tách bạch.
Để xác định mức độ nghiện thuốc lá, chỉ cần dựa vào 2 câu hỏi đơn giản:
- Anh bắt đầu hút thuốc lá sau khi thức dậy vào buổi sáng bao lâu? ≤ 5 phút: 3 điểm; 6 – 30 phút: 2 điểm; 31-60 phút: 1 điểm; >60: 0 điểm.
- Anh hút bao nhiêu điếu thuốc lá mỗi ngày? ≤ 10 điếu: 0 điểm; 11-20 điếu: 1 điểm; 21-30 điếu: 3 điểm; >30 điếu: 3 điểm.
Nếu điểm trung bình cả 2 câu hỏi từ 0-2 là nhẹ, 3-4 điểm là trung bình, 5-6 là nghiện nặng.
“Nghiện thuốc lá không phải là thói quen nên cần sự hỗ trợ của thuốc, bên cạnh quyết tâm và hiểu biết mới thành công được”, PGS Giáp thông tin.
Hiện nay, trên thị trường có các loại thuốc hỗ trợ khiến người hút cảm giác như hút rơm. Việc dùng thuốc giúp tăng gấp đôi khả năng cai nghiện thành công.
Các chế độ điều trị phối hợp thường là nicotine nhai + nicotine dán; nicotine thay thế + bupropion; nicotine thay thế + varenicline; varenicline + bupropion.
Một người chỉ được xác định cai thuốc lá thành công khi đoạn tuyệt hoàn toàn với thuốc lá trong 12 tháng. Việc giảm số điếu/ngày không thực sự có ý nghĩa nếu người hút rít sâu.
Nguồn vietnamnet