Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ 13)
Thứ tư: 18:55 ngày 21/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Công dân từ đủ 18 tuổi tính đến Ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021, tức là có ngày sinh từ ngày 23 tháng 5 năm 2003 trở về trước thì được xác định là đủ tuổi để được ghi vào danh sách cử tri.

Câu 87. Những người nào được gọi là cử tri?

Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – là người có quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày bầu cử (Ngày 23 tháng 5 năm 2021), đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.

Câu 88. Việc xác định một người có quốc tịch Việt Nam được quy định như thế nào?

Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, người được xác định có quốc tịch Việt Nam (là công dân Việt Nam) nếu có một trong những căn cứ sau đây:

1. Cha, mẹ đều là công dân Việt Nam, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài.

2. Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài.

3. Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, nếu cha mẹ có sự thỏa thuận bằng văn bản về việc chọn quốc tịch Việt Nam vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.

4. Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài mà được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam và cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con.

5. Được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam.

6. Được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai.

7. Người được nhập quốc tịch Việt Nam.

8. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam.

9. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai.

10. Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

11. Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi.

12. Người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ (nếu người con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người con).

Người đã có quốc tịch Việt Nam mà bị mất quốc tịch Việt Nam, được Chủ tịch nước quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, huỷ bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam thì không còn là công dân Việt Nam.

Người có quốc tịch Việt Nam có thể được chứng minh bằng một trong các loại giấy tờ sau đây:

1. Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ.

2. Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương.

3. Hộ chiếu Việt Nam.

4. Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

Câu 89. Cách tính tuổi công dân để ghi tên vào danh sách cử tri được quy định như thế nào?

Công dân từ đủ 18 tuổi tính đến Ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021, tức là có ngày sinh từ ngày 23 tháng 5 năm 2003 trở về trước thì được xác định là đủ tuổi để được ghi vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cách tính tuổi công dân được thực hiện như sau:

- Tuổi của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ấn định (ngày 23 tháng 5 năm 2021). Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào thông tin ghi trong Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử.

- Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng sinh dương lịch của năm sau.

- Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.

Câu 90. Những người nào không được ghi tên vào danh sách cử tri?

Những người thuộc các trường hợp sau đây không được ghi tên vào danh sách cử tri:

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án.

- Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.

- Người mất năng lực hành vi dân sự.

Câu 91. Người bị Toà án kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo thì có được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử không?

Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri”. Như vậy, công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, bị Toà án kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi hình phạt bị tước quyền bầu cử) vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Câu 92. Người bị kết án phạt tù nhưng được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì có được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử không?

Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri”. Như vậy, những người bị kết án phạt tù nhưng được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì không được tính là đang trong thời hạn chấp hành hình phạt tù và vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử.

Câu 93. Thế nào là người mất năng lực hành vi dân sự? Người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần nhưng không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?

Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không được thực hiện quyền ứng cử và bầu cử.

Trên thực tế, bệnh nhân tâm thần thường không cư trú cố định ở một nơi. Mạng lưới y tế chuyên khoa hiện tại cũng chưa phát triển rộng khắp nên chưa khám và xác định được họ. Do đó, ở địa phương, nếu có trường hợp có biểu hiện bệnh lý tâm thần rõ rệt, thường xuyên không làm chủ được nhận thức và hành vi thì tuy chưa có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, chưa được Toà án tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự nhưng gia đình, người giám hộ có cam kết và chính quyền địa phương xác nhận thì họ cũng bị coi là người mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Câu 94. Người vừa câm, vừa điếc có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?

Người vừa câm, vừa điếc nếu không thuộc các trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri quy định tại Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Câu 95. Việc lập danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?

Danh sách cử tri do Uỷ ban nhân dân cấp xã lập theo khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 33/HĐBC); đối với những nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Việc lập danh sách cử tri phải được hoàn thành chậm nhất là ngày 04 tháng 4 năm 2021 (50 ngày trước ngày bầu cử).

Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát Thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (theo Mẫu số 11/HĐBC), trừ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự.

Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo cho cử tri trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã về việc lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Các cử tri đang đăng ký thường trú tại địa bàn được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi mình thường trú; trường hợp cử tri có nguyện vọng bỏ phiếu ở nơi khác thì cần thông báo lại để Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mình đã đăng ký thường trú biết và không ghi tên vào danh sách cử tri ở địa phương. Trong quá trình lập danh sách cử tri, Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ ghi vào danh sách những cử tri thuộc diện đăng ký tạm trú ở địa phương mình nếu cử tri đó thể hiện rõ nguyện vọng được tham gia bỏ phiếu tại nơi mình đang tạm trú (có thể bằng văn bản hoặc trực tiếp bằng lời nói với người có trách nhiệm, ví dụ như trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc cán bộ phụ trách công tác lập danh sách cử tri của Uỷ ban nhân dân cấp xã…).

Sau khi danh sách cử tri đã được lập và công bố, việc thay đổi, bổ sung danh sách được thực hiện theo quy định của Luật và văn bản quy định về các mẫu văn bản sử dụng trong bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Câu 96. Việc lập danh sách cử tri và cấp Thẻ cử tri đối với các đơn vị vũ trang nhân dân được thực hiện như thế nào?

Trong trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung khu vực bỏ phiếu thì chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân lập danh sách cử tri trong đơn vị và chuyển cho Uỷ ban nhân dân cấp xã để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu. Trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 33/HĐBC), đối với cử tri là quân nhân, cột “nghề nghiệp” ghi chung là “lực lượng vũ trang”; cột “nơi cư trú” ghi tên đơn vị hành chính cấp xã nơi đơn vị vũ trang nhân dân đóng quân, không ghi tên hoặc phiên hiệu đơn vị vũ trang nhân dân; cử tri là quân nhân tham gia bầu cử tại nơi đóng quân chỉ thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký, đóng dấu vào danh sách cử tri và Thẻ cử tri và chuyển lại cho đơn vị vũ trang nhân dân để thực hiện việc niêm yết tại đơn vị và phát Thẻ cử tri cho quân nhân.

Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng thì chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức việc lập danh sách cử tri, ghi Thẻ cử tri đối với các cử tri là quân nhân trong đơn vị và chuyển cho Uỷ ban nhân dân cấp xã để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký, đóng dấu vào danh sách cử tri và Thẻ cử tri. Danh sách cử tri chỉ được niêm yết trong phạm vi đơn vị vũ trang nhân dân. Quân nhân đã đăng ký thường trú, tạm trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi cư trú (theo Mẫu số 13/HĐBC). Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.

Trường hợp 01 đơn vị vũ trang nhân dân có doanh trại đóng quân tập trung trên địa bàn của 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì chỉ huy đơn vị trao đổi với Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đơn vị đóng quân, đề nghị chỉ định Uỷ ban nhân dân của 01 trong các đơn vị hành chính cấp xã liên quan phối hợp thực hiện việc lập danh sách cử tri và phát Thẻ cử tri cho cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân.

Câu 97. Việc niêm yết danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?

Chậm nhất là ngày 14 tháng 4 năm 2021 (40 ngày trước ngày bầu cử), Uỷ ban nhân dân cấp xã đã lập danh sách cử tri phải niêm yết danh sách đó tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

Câu 98. Quyền bầu cử của các cử tri có giống nhau hay không?

Tùy thuộc thời gian cư trú hoặc quan hệ gắn bó với địa phương nơi đăng ký tham gia bầu cử mà Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định từng nhóm đối tượng cử tri có phạm vi tham gia bầu cử không hoàn toàn giống nhau. Cụ thể là:

- Cử tri là người đăng ký thường trú tại khu vực bỏ phiếu và cử tri là người đăng ký tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đơn vị bỏ phiếu từ đủ 12 tháng trở lên thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (trừ nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc nơi thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường).

- Cử tri là người đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng thì chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở nơi mình tạm trú nếu có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại nơi tạm trú.

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Câu 99. Những trường hợp nào cử tri chỉ được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh?

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Cử tri vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì làm thủ tục để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.

- Cử tri thuộc danh sách cử tri ở các khu vực bỏ phiếu được tổ chức trên địa bàn các quận của thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng (nơi tổ chức mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường).

Câu 100. Những trường hợp nào cử tri chỉ được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện?

- Cử tri là người tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã và có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi mình đang tạm trú.

- Cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì làm thủ tục để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú và tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xoá tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Cử tri thuộc danh sách cử tri ở các khu vực bỏ phiếu được tổ chức trên địa bàn thành phố Thủ Đức, địa bàn các quận, thị xã của thành phố Hà Nội (nơi thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân phường).

Câu 101. Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp?

Cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã khi thuộc các trường hợp sau đây:

- Cử tri là người thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu.

- Cử tri là người tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ đã làm thủ tục để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú.

- Người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc và đã làm thủ tục để được xoá tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú.

Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục