Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ 14)
Thứ bảy: 10:12 ngày 24/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đối với cử tri là người tự nguyện xin vào cai nghiện, chữa trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì việc bảo đảm thực hiện quyền bầu cử được xác định như đối với cử tri là người tạm trú quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Câu 102. Quyền bầu cử của người tự nguyện xin vào cai nghiện, chữa trị tại cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện được thực hiện như thế nào?

Khoản 5 Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Như vậy, quy định này chỉ áp dụng đối với cử tri là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đối với cử tri là người tự nguyện xin vào cai nghiện, chữa trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì việc bảo đảm thực hiện quyền bầu cử được xác định như đối với cử tri là người tạm trú quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo đó, nếu đến trước ngày bầu cử những cử tri này trở về nơi thường trú thì được bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã.

Trường hợp đến ngày bầu cử họ vẫn đang thực hiện việc cai nghiện, chữa trị ở cơ sở cai nghiện, nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử chưa đủ 12 tháng thì những cử tri này được tham gia bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử là từ đủ 12 tháng trở lên thì họ được tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cai nghiện.

Câu 103. Cử tri là người di cư tự do, chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại địa phương thì có quyền tham gia bầu cử đại biểu ở cấp nào?

Về nguyên tắc, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát Thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Trên

thực tế, ở một số địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang có một số lượng khá lớn người di cư tự do sinh sống thực tế trên địa bàn nhưng chưa thể hoàn thành thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương do nhiều lý do khác nhau (ví dụ như chưa có chỗ ở hợp pháp, chưa hoàn thành thủ tục hành chính hoặc không thực hiện việc đăng ký do không hiểu luật…).

Do đó, để bảo đảm quyền bầu cử của cử tri là người di cư tự do, tránh gây phiền hà cho cử tri trong việc thực hiện quyền cơ bản của công dân, thì theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia từ cuộc bầu cử năm 2016, Uỷ ban nhân dân cấp xã cần thông tin cho cử tri trên địa bàn biết về cách thức thực hiện quyền bầu cử và việc lập danh sách cử tri để cử tri quyết định nơi mình đăng ký thực hiện quyền bầu cử (có thể là trở về nơi họ đang đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

Trường hợp cử tri vẫn có nguyện vọng được thực hiện việc bầu cử tại địa phương nơi họ đang thực tế sinh sống thì địa phương tạo điều kiện để ghi tên những cử tri này vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng nơi họ đang thực tế sinh sống và thực hiện quyền bầu cử như đối với cử tri là người tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng (do không có cơ sở để xác định thời gian bắt đầu cư trú tại địa phương).

Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức để cử tri là người di cư tự do chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu của địa phương được xác định trên cơ sở các thôn, bản, cụm dân cư hiện có trên địa bàn.

Câu 104. Cử tri đăng ký thường trú ở địa phương nhưng đi lao động, học tập ở địa phương khác nên thường xuyên không có mặt ở nơi thường trú dài ngày thì việc bảo đảm quyền bầu cử cho họ được thực hiện như thế nào?

Trường hợp cử tri đã đăng ký thường trú ở địa phương, nếu đã làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì được coi là không thường trú tại địa phương. Uỷ ban nhân dân cấp xã tại nơi công dân đăng ký thường trú không ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri. Trong trường hợp này, công dân có quyền đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đang tạm trú và thực hiện quyền bầu cử tại nơi tạm trú.

Trường hợp cử tri trở về nơi thường trú trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú để đề nghị được bổ sung tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Trường hợp công dân đã đăng ký thường trú ở địa phương nhưng chưa làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì dù trên thực tế đã vắng mặt dài ngày ở nơi thường trú, Uỷ ban nhân dân cấp xã vẫn phải ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri để họ thực hiện quyền bầu cử ở địa phương, trừ trường hợp bản thân cử tri hoặc người thân của cử tri đó đã

thông báo nguyện vọng của cử tri về việc không tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Đồng thời cần có có biện pháp thông tin phù hợp để cử tri biết về việc danh sách cử tri và thực hiện quyền bầu cử của mình.

Câu 105. Cử tri là sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học hoặc là công nhân khu công nghiệp có thể được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở giáo dục hoặc nơi có khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp để tiện cho việc tham gia bỏ phiếu có được không?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định: “Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú”. Như vậy, về nguyên tắc, cử tri là sinh viên, công nhân cần đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Trường hợp trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng thì cử tri là cán bộ, giáo viên, sinh viên, công nhân không thường trú hoặc tạm trú trong khu ký túc xá hoặc khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp mà có nguyện vọng tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp (để thuận lợi hơn cho công việc và sinh hoạt của bản thân) có quyền xin cấp giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo khu vực bỏ phiếu mới.

Câu 106. Những người tạm vắng khỏi nơi cư trú kể từ ngày danh sách cử tri được niêm yết cho đến ngày bỏ phiếu vì các lý do khác nhau thì thực hiện quyền bầu cử ở đâu?

Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri (ví dụ như đi công tác, đi học, du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thăm thân…) thì có thể xin giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Trường hợp người đã được ghi tên vào danh sách cử tri ở 01 khu vực bỏ phiếu nhưng gần đến ngày bầu cử được chuyển đi cách ly y tế tập trung ở địa phương khác cho đến hết ngày bầu cử theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và không thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận để đi bỏ phiếu ở nơi khác như đã nêu ở trên thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã lập danh sách cử tri có trách

nhiệm nắm thông tin, chủ động cấp giấy chứng nhận và gửi đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để đề nghị bổ sung người này vào danh sách cử tri và cấp Thẻ cử tri mới nhằm giúp họ thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật. Uỷ ban nhân dân nơi đã lập danh sách cử tri ban đầu có trách nhiệm cập nhật vào danh sách cử tri cùng dòng với họ và tên của người bị đưa đi cách ly tập trung nội dung ghi chú “bỏ phiếu ở nơi khác do cách ly y tế”.

Câu 107. Việc điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri sau khi danh sách cử tri đã được lập và niêm yết được thực hiện như thế nào?

Từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, việc điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xoá tên trong danh sách cử tri ở nơi thường trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xoá tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Khi xoá tên cử tri trong danh sách cử tri và cấp Giấy chứng nhận để cử tri đi bỏ phiếu ở nơi khác, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

- Người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì tùy theo nguyện vọng của bản thân mà được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về trong khoảng thời gian nói trên, nếu chưa được ghi tên vào danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu nào thì đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mình đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú tùy theo nguyện vọng của bản thân, xuất trình hộ chiếu để được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện,

cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

- Cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

- Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Uỷ ban nhân dân cấp xã xoá tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi Thẻ cử tri.

Khác với trước đây, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 không quy định về việc bổ sung cử tri vãng lai vào danh sách cử tri ngay tại phòng bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Do đó, về nguyên tắc, những thay đổi liên quan đến cử tri (như từ nước ngoài trở về Việt Nam, thay đổi nơi thường trú, được trả tự do,…) sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết phải được thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, trừ trường hợp bị xoá tên trong danh sách cử tri thì tính đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu.

Đối với cử tri đã được cấp giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu (theo Mẫu số 12/HĐBC hoặc Mẫu số 13/HĐBC) thì việc bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi mới cũng được tính đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu.

Sau thời điểm bắt đầu bỏ phiếu thì Uỷ ban nhân dân cấp xã không thực hiện việc bổ sung danh sách cử tri nữa. Trong các biên bản kết quả kiểm phiếu của Tổ bầu cử (theo Mẫu số 20/HĐBC-QH và Mẫu số 25/HĐBC-HĐND), thì tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu được xác định là số cử tri trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu được cập nhật đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu.

Câu 108. Còn có những lưu ý gì nữa trong quá trình lập, điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri?

Trong quá trình nắm thông tin địa bàn, tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị của cử tri để lập, điều chỉnh, bổ sung danh sách cử, cán bộ thực hiện việc lập danh sách cần ghi chú rõ một số nội dung sau đây:

- Đối với cử tri là người đăng ký tham gia bỏ phiếu ở nơi tạm trú, cần ghi

chú cụ thể thời điểm bắt đầu tạm trú tại địa bàn. Nếu đã tạm trú từ năm 2019 trở về trước thì chỉ cần ghi năm bắt đầu tạm trú; nếu tạm trú từ năm 2020 trở về đây thì ghi rõ tháng, năm bắt đầu đăng ký tạm trú để làm cơ sở xác định số cấp đại biểu Hội đồng nhân dân mà cử tri được tham gia bỏ phiếu bầu cử.

- Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì ghi chú rõ là “người đang bị tạm giam”, “người đang bị tạm giữ” hoặc “người đang chấp hành biện pháp … (ghi tên biện pháp xử lý hành chính)”.

- Đối với cử tri là người ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể trực tiếp đi bỏ phiếu; người đang bị cách ly y tế tập trung tại các cơ sở điều trị Covid-19 hoặc các địa điểm cách ly y tế tập trung khác và người đang bị cách ly y tế tại nhà để thực hiện phòng, chống dịch bệnh thì cần ghi chú rõ để dự trù, có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến để những cử tri này được thực hiện quyền bầu cử.

- Đối với cử tri có tên trong danh sách nhưng đã được cấp giấy chứng nhận để tham gia bỏ phiếu ở nơi khác thì phải ghi chú rõ “Bỏ phiếu ở nơi khác”; cử tri là quân nhân trong danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân đã xin cấp giấy chứng nhận để tham gia bỏ phiếu ở nơi cư trú thì ghi chú rõ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú” để không tính vào tổng số cử tri ở đơn vị bầu cử nữa.

Câu 109. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri được thực hiện như thế nào?

Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có cơ quan lập danh sách cử tri.

Thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính như sau: Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán thụ lý ngay vụ án. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án và trả lại đơn kiện. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra

quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên toà xét xử. Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri có hiệu lực thi hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân không có quyền kháng nghị. Tòa án phải gửi ngay bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án cho đương sự và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Câu 110. Cách thức ghi số Thẻ cử tri theo danh sách cử tri?

Căn cứ vào Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (tại Mẫu số 11/HĐBC và Mẫu số 33/HĐBC), thì trong danh sách cử tri lập theo từng khu vực bỏ phiếu, họ và tên cử tri xếp theo hộ gia đình hoặc theo tổ chức, đơn vị nơi cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu (ví dụ bệnh viện, nhà an dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, đơn vị vũ trang nhân dân,…).

Trường hợp danh sách lập theo hộ gia đình thì tên chủ hộ xếp lên đầu; các hộ xếp theo thứ tự từ đầu xóm đến cuối xóm (ở nông thôn), từ đầu phố đến cuối phố (ở thành thị) hoặc theo một thứ tự thích hợp với đặc điểm của địa phương. Số Thẻ cử tri được ghi theo số thứ tự của cử tri trong danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng.

Câu 111. Việc ghi họ và tên cử tri trên Thẻ cử tri và Danh sách cử tri bằng chữ in hoa hay chữ thường?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia không quy định cụ thể việc ghi họ và tên cử tri trên Thẻ cử tri và danh sách cử tri bằng chữ in hoa hay in thường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tùy tình hình thực tế địa phương có thể hướng dẫn ghi họ và tên cử tri trong Thẻ cử tri và Danh sách cử tri bằng chữ in hoa hoặc chữ in thường, nhưng phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia tại Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18 tháng 01 năm 2021.

Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục