Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hồi đó, làm lồng đèn...!
Chủ nhật: 18:57 ngày 15/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trăng còn ẩn mình sau hàng cây, màn đêm phủ trùm cảnh vật làm nổi bật lồng đèn với ánh sáng lung linh, đứa nào cũng khoái. Đường làng quê ban đêm êm ả, không nhiều xe cộ qua lại như bây giờ.

Gần tới Trung thu, biết các cháu ở thành phố sẽ tập trung về nhà nội chơi, tôi nhờ ba vô rẫy đốn vài cây trúc về để làm lồng đèn. Chúng chưa một lần thấy tận mắt việc làm lồng đèn. Giờ thấy tôi bày giấy màu, kéo, nan trúc, keo dán… ra nền nhà, chúng tò mò hỏi đủ thứ. Nào là cô Hai làm gì vậy? Sao cô Hai biết làm giỏi vậy? Tôi nói: “Hồi đó ông bà nội nghèo, không có tiền mua lồng đèn nên cô Hai phải tự làm lồng đèn chơi”.

Hồi đó ông bà nội nghèo, cô Hai nghèo, bác Tư, bác Năm, ba con có nghèo hôn cô Hai? Bật đèn chỗ nào cô Hai? Làm sao nó sáng? Hai chú nhóc Điền và Đạt ríu rít như hai con chim sẻ hỏi liên tục làm tôi trả lời mệt luôn. Nhóc Điền quay sang hỏi ba: “Ba biết làm lồng đèn hôn ba? “. “Biết”. “Biết, mà ba hổng có dụng cụ để làm lồng đèn, phải hôn ba? “Ừa”.

Tôi nhớ cái thời tuổi thơ nghèo khó của mình, cứ gần đến ngày rằm trung thu, con nít trong xóm náo nức làm lồng đèn để chơi. Đi học về, chị em tôi xách dao ra ngoài hàng trúc, quan sát khắp lượt để chọn cây nào dao lóng thì chặt. Lấy cái liềm cưa trúc ra từng lóng rồi chẻ ra từng que lớn hơn chiếc đũa để làm khung lồng đèn hình ngôi sao. Khuấy bột mì làm hồ dán lồng đèn.

Thằng em trai kế tôi còn sáng tạo ra cái lồng đèn hình chiếc tàu. Nó rất thích thú và hãnh diện với mấy đứa hàng xóm về sản phẩm mới của mình. Nhà của chị em con Gái nghèo nhất xóm, mót lúa, mót mì, chạy ăn từng bữa thì đâu có tiền mua giấy làm lồng đèn.

Chị em Gái dùng lon sữa bò, lấy đinh đục lỗ quanh lon để khi đốt đèn ánh sáng chui qua những lỗ nhỏ phát ra những tia sáng dài như đèn hoa nhìn cũng thú vị. Lồng đèn của chúng tôi thắp sáng bằng đèn cầy. Chị em con Gái lượm mảnh vụn vỏ xe đạp, ruột xe đạp ở tiệm sửa xe người ta bỏ đem về để trong lồng đèn lon đốt thay cho đèn cầy.

Trời chập choạng tối. Mấy đứa con nít trong xóm tụ tập trước sân nhà tôi so sánh lồng đèn ai đẹp hơn, bự hơn, sáng hơn. Rồi cùng rồng rắn ra đường thành một hàng, cười hí ha hí hửng với cái lồng đèn trên tay.

Trăng còn ẩn mình sau hàng cây, màn đêm phủ trùm cảnh vật làm nổi bật lồng đèn với ánh sáng lung linh, đứa nào cũng khoái. Đường làng quê ban đêm êm ả, không nhiều xe cộ qua lại như bây giờ. Chúng tôi vừa đi vừa hát: “Tết trung thu em rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm…”. Đi lòng vòng trong xóm một lúc rồi quay trở về chơi lẩn quẩn trong sân nhà tôi cho đến khi người lớn gọi đi ngủ mới chịu rã đám ra về. Vậy mà vui!

Tôi có sáu đứa cháu tuổi thiếu nhi. Tôi ưu tiên làm lồng đèn cho mấy chú nhóc ở xa trước. Nhìn chúng thích thú vác lồng đèn trên vai ra xe đi về, tôi cảm thấy hạnh phúc.

Còn lại đứa cháu gái ở cạnh nhà nên tôi làm lồng đèn cho nó sau cùng. Nó sốt ruột cứ theo hỏi: “Chừng nào mẹ Hai làm lồng đèn cho con?”. Các em họ của nó đã có lồng đèn, tôi hiểu tâm trạng của đứa trẻ chờ quà mà đợi mãi chưa đến lượt mình. Tội nghiệp, vì nhà nó nghèo nên chưa bao giờ có lồng đèn để chơi. Cứ mỗi dịp Trung thu, thấy bạn có lồng đèn, trong lòng nó thèm thuồng ao ước.

Tôi làm cho cháu gái lồng đèn ngôi sao màu đỏ, nó vui lắm, cảm ơn rối rít. Tôi tra cán để cầm, đốt đèn cầy, nó khoái chí cầm lồng đèn đi chơi lòng vòng trong vuông sân nhỏ trước nhà. Chơi được một lúc nó nói với tôi: “Con chơi có một mình hổng vui!”. Nghe cháu nói mà thương đứt ruột. Những nhà xung quanh không có đứa trẻ nào cùng trang lứa để chơi với nó. Ai cũng kế hoạch hoá nên ở xóm rất hiếm trẻ con. Không như thời tuổi thơ của tôi nhà nào cũng “con đàn cháu đống” nên tôi có nhiều bạn trạc tuổi để chơi cùng.

Lúc mới cầm lồng đèn gương mặt nó sáng như đèn cầy mới đốt, giờ gương mặt nó xìu như đèn cầy cháy sắp cạn. Tôi ôm nó vào lòng vỗ về: “Thôi, con cất lồng đèn đi. Mai mốt đến Trung thu cầm xuống trường chơi với các bạn”. Nghe tôi nói thế, mắt nó vụt sáng, vui trở lại. Đúng là… con nít! 

Làm lồng đèn cho các cháu, tôi thấy tuổi thơ mình sống lại.

PHÙNG THỊ TUYẾT ANH

Tin cùng chuyên mục