Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội đồng lựa chọn SGK mới ở các trường sẽ gồm những ai?
Thứ năm: 09:15 ngày 28/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ GD-ĐT cho biết năm học 2020-2021, các trường có quyền tự chọn sách, từ những năm sau việc lựa chọn SGK sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD- ĐT) cho biết, về việc lựa chọn sách giáo khoa, Nghị quyết số 88/2014/QH13 quy định: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”.

Trong khi đó, Luật Giáo dục 2019 quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT".

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học.

Ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực thi hành, trong khi sách giáo khoa phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước tháng 3/2020 cho kịp năm học mới 2020 - 2021.

Như vậy, nếu chờ đến thời điểm 1/7/2020 sẽ không đủ thời gian để các nhà xuất bản in ấn, phát hành, tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên. Do đó, việc lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 1 sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Hiện nay, cùng với việc xây dựng Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020, Bộ GD-ĐT cũng đang chủ động xây dựng Thông tư lựa chọn sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88, chỉ áp dụng đối với lớp 1 và có hiệu lực thi hành đến 30/6/2020.

Theo đó, cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Thông tư này sẽ sớm được Bộ GD-ĐT đăng tải công khai để xin ý kiến góp ý rộng rãi.

Phụ huynh học sinh cũng tham gia chọn sách

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong dự thảo thông tư, thành phần hội đồng lựa chọn SGK sẽ gồm: Chủ tịch là người đứng đầu cơ sở giáo dục, Phó Chủ tịch là cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục và thư kí phải là tổ trưởng chuyên môn; thành viên hội đồng là giáo viên, phụ huynh học sinh.

“Bộ GD-ĐT cũng sẽ quy định cả trách nhiệm của phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT trong việc tiếp nhận báo cáo của trường về lựa chọn SGK. Sở/phòng GD-ĐT sẽ căn cứ vào báo cáo của cơ sở giáo dục, tổng hợp số lượng SGK để có thông tin chung công bố rộng rãi”, PGS.TS  Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Học sinh có “sốc” khi thay đổi về quy định chọn sách?

Trước băn khoăn học sinh lớp 1 của cùng 1 trường, sau năm 2021 có thể học SGK khác nhau do sự thay đổi về quy định lựa chọn SGK, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định thông tư lựa chọn SGK theo tinh thần Luật Giáo dục 2019 sẽ có sự chuyển tiếp để tiếp nối, kế thừa với Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK theo tinh thần Nghị quyết 88, làm sao đảm bảo sự ổn định, không gây xáo trộn.

Một số mẫu SGK lớp 1 mới được Bộ GD-ĐT giới thiệu.

“Dù có nhiều SGK, nhưng các sách này đều chung “lõi kiến thức” đã được quy định trong chương trình là nội dung và yêu cầu cần đạt trong từng chủ đề của chương trình. Tác giả dù viết sách thế nào, có thể diễn đạt bằng kênh chữ hay kênh hình, thì cũng phải đáp ứng nội dung kiến thức trong chương trình và đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình.

Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định cấu trúc bài học trong sách giáo khoa mới bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Các SGK đều phải đảm bảo yêu cầu này. Bởi vậy, học sinh khi học SGK này, chuyển sang học SGK khác cũng không bị gặp khó khăn”, ông Thành  nhấn mạnh.

Nội dung kiểm tra sẽ thoát ly ngữ liệu

Nói về lo lắng của học sinh và phụ huynh trong công tác kiểm tra, đánh giá khi học nhiều SGK khác nhau, đại diện Vụ Giáo dục Trung học cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT sẽ phải sửa quy chế đánh giá học sinh, để làm sao giáo viên khi ra đề kiểm tra sẽ thoát ly ngữ liệu cụ thể trong SGK.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục đã được hướng dẫn từ nhiều năm qua. Các trường cũng đã quen với việc xây dựng kế hoạch nhà trường, tổ chức dạy học theo chương trình (trường được tự chủ trong việc cập nhật, bổ sung những thông tin mới thay cho các thông tin cũ, lạc hậu trong SGK).

Năm 2017, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành công văn 4612/BGDĐT-GDTH, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Theo đó, giao giáo viên chủ động xây dựng xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học.

Công văn 4612 cũng đưa ra các yêu cầu về đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, nên việc kiểm tra, đánh giá của giáo viên không phụ thuộc vào SGK. “Ngoài ra, việc thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 4612 về đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học cũng là kinh nghiệm tốt để các trường có kinh nghiệm lựa chọn SGK phù hợp”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ thêm.

Nguồn VOV

Tin cùng chuyên mục