PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Ðông Nam bộ
Thứ bảy: 14:00 ngày 05/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 4.5, tại Tây Ninh, Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị Thường trực HÐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Ðông Nam bộ lần thứ 3, nhiệm kỳ 2016-2021, với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”.

Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm trao cờ đăng cai Hội nghị lần 4 cho Thường trực HÐND tỉnh Lâm Ðồng.

Dự hội nghị có Ðại tướng Ðỗ Bá Tỵ- Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Văn Tuý- Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; bà Nguyễn Thuý Anh- Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Về phía lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có ông Trần Lưu Quang- Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh; ông Nguyễn Thành Tâm- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh. Dự hội nghị còn có Thường trực HÐND, lãnh đạo các ban của HÐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Ðông Nam bộ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho biết, với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HÐND cấp tỉnh”, mỗi tỉnh, thành trong khu vực sẽ lựa chọn một hoạt động trong chức năng giám sát mà địa phương triển khai thực hiện hiệu quả hoặc còn những khó khăn, vướng mắc để tham luận, thảo luận nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay và đề xuất, kiến nghị với Quốc hội các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp cho hoạt động của HÐND các tỉnh, thành phố tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại hội nghị, đại diện Thường trực HÐND các tỉnh, thành khu vực miền Ðông Nam bộ trình bày tham luận xoay quanh các vấn đề: hoạt động giám sát chuyên đề của HÐND; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; giải pháp nâng cao hoạt động chất vấn; giải pháp nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; vấn đề giám sát của tổ đại biểu HÐND tỉnh…

Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ cho rằng, giám sát là một trong những chức năng chính của Quốc hội và HÐND các cấp. Với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, giám sát được coi là cách thức hữu hiệu nhất thể hiện quyền lực nhân dân để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Giám sát không chỉ nêu rõ các tồn tại, hạn chế mà còn là phương thức để cơ quan quyền lực, cơ quan dân cử chung vai, sát cánh, chia sẻ trách nhiệm, thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động của cơ quan điều hành vì lợi ích của nhân dân.

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát cũng chính là nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, cơ quan đại diện. Ðây là vấn đề luôn được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và HÐND các địa phương quan tâm.

Ðể thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HÐND cấp tỉnh, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri đối với HÐND các cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ cho rằng, cần coi trọng và nâng cao vai trò của hoạt động giám sát trong các mặt hoạt động của HÐND.

Giám sát không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của HÐND và các đại biểu HÐND, thay mặt nhân dân và cử tri trong việc theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo và chịu trách nhiệm trước Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Cần có sự đầu tư, nghiên cứu để chuẩn bị thật tốt chương trình, kế hoạch giám sát.

Cần tiếp tục đổi mới và chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc chỉ đạo, điều hoà, phối hợp giữa các ban, tổ đại biểu HÐND trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, bảo đảm không chồng chéo về thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng giám sát, tạo sự chủ động, sáng tạo của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ðồng thời tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Dựa trên ý kiến của cử tri, nhân dân, qua tổng hợp các thông tin báo chí, hoặc căn cứ vào sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên, HÐND, các cơ quan của HÐND có thể tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề.

Nội dung giám sát phải thiết thực, cụ thể, trong giám sát phải có sự thảo luận, chất vấn để làm rõ nguyên nhân tồn tại, yếu kém, có biện pháp đề giải quyết, khắc phục hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết.

Tiếp tục đổi mới, tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Ðây là phương thức giám sát trực tiếp, quan trọng để thực hiện quyền giám sát. Làm tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ cũng lưu ý, Thường trực HÐND, các Ban HÐND cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, hậu giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát của các đối tượng giám sát, cần thiết phải tổ chức tái giám sát và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kết luận giám sát. 

Hội nghị là dịp để các đại biểu nhận thức sâu sắc hơn về hoạt động giám sát, phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm, phát hiện những khó khăn, bất cập, hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong khu vực.

Ðồng thời, kiến nghị đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có giải pháp để thực thi hiệu quả hơn Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cũng tại hội nghị, Thường trực HÐND tỉnh Tây Ninh trao cờ đăng cai Hội nghị lần thứ 4 cho Thường trực HÐND tỉnh Lâm Ðồng.

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục