Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 4.10, tại hội trường HĐND tỉnh, ông Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị góp ý Luật Lao động (sửa đổi).
Tham gia hội nghị có lãnh đạo các cơ quan, ban ngành liên quan đến người lao động, lãnh đạo các Ban thuộc HĐND tỉnh.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đại biểu Huỳnh Thanh Phương thông tin dự kiến chương trình kỳ họp quốc hội lần thứ 8, Quốc hội khóa XIV và yêu cầu các đại biểu phản ánh khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật tại cơ quan và góp ý Luật Lao động (sửa đổi).
Ông Nguyễn Văn Huấn- Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh phản ánh, những năm qua, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích, dẫn đến tình trạng nợ tiền BHXH. Trong khi đó, ngành BHXH lúng túng trong việc cưỡng chế các doanh nghiệp vì chưa có những quy định pháp luật rõ ràng đối với việc giải quyết vấn đề nợ tiền BHXH.
Người nước ngoài tham gia BHYT tại Việt Nam khó khám bệnh ở tuyến huyện, vì bất đồng ngôn ngữ. Đối với BHYT nhiều trường hợp thiếu thuốc cho người khám chữa bệnh, bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc, sau đó, bệnh nhân lấy hóa đơn và phải quay lại BHXH thanh toán tiền. Ông Huấn kiến nghị Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phản ánh những vấn đề này lên Quốc hội và có văn bản hướng dẫn dẫn khắc phục những vấn đề nêu trên.
Đại diện Ban Quản lý các khu kinh tế Tây Ninh góp ý một số nội dung trong Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi), như: quy định về quyền đơn phương chấm dứt lao động là không ổn cả về lý luận lẫn thực tế đối với người lao động. Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) phải quy định rõ bỏ việc và tự ý bỏ việc là gì? Quy định nơi làm việc là gì? Phải nêu rõ nơi làm việc không phải là nơi “cứng” trong cơ quan, xí nghiệp. Ví dụ, những nhân viên làm việc đưa thư, giao hàng, suốt ngày chạy xe ngoài đường, không có nơi làm việc cố định thì sao?
Ông Nguyễn Văn Huấn- Giám đốc BHXH Tây Ninh phản ánh những khó khăn vướng mắc đối với hoạt động BHXH.
Dự thảo quy định thời gian học nghề không quá 12 tháng. Trong khoảng thời gian đó phát sinh rất nhiều vấn đề như học viên có thể bị tai nạn, bệnh, hoặc phụ nữ sinh con… thì ai chịu trách nhiệm BHXH? Luật Lao động hiện hành không cấm người nước ngoài lao động ở nước ta, nhưng nhiều trường hợp thời hạn hợp đồng lao động của người nước ngoài không khớp với thời gian tạm trú ở nước ta, gây phiền phức cho đơn vị quản lý doanh nghiệp có người nước ngoài lao động.
Luật sư Phan Văn Vĩnh- đại diện Đoàn Luật sư Tây Ninh góp ý nên đưa vào Luật Lao động (sửa đổi) vấn đề người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. “Nếu người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài bị tai nạn thì lấy gì bảo vệ?”, Luật sư đặt vấn đề. Luật sư Vĩnh đồng ý với việc Dự thảo tăng tuổi lao động. Ông cho rằng đối với những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cần kéo dài độ tuổi lao động để tận dụng chất xám của họ.
Luật sư Vĩnh chia sẻ, hiện nay tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp gần như chỉ là hình thức, Luật Lao động (sửa đổi) nên quy định thành lập tổ chức bảo vệ người lao động tại doanh nghiệp. Hiện tại, mỗi tuần, người lao động làm việc 40 giờ đã hợp lý, Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) dự kiến quy định mỗi tuần làm việc thêm 4 giờ của ngày thứ 7 là không cần thiết. Vấn đề dự kiến Luật Lao động (sửa đổi) quy định mỗi năm có thêm ngày nghỉ, Luật sư Vĩnh tán thành ý này, nhưng theo Luật sư, nên chia đều những ngày nghỉ lễ, tết ra trong năm, chứ không nên dồn những ngày nghỉ vào một lượt.
Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công thương đóng góp ý kiến đối với việc dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu. Ông Tuấn cho rằng, tuổi nghỉ hưu của người Việt Nam không thể so sánh với các nước châu Âu, vì thể trạng của người Việt Nam yếu hơn. Vấn đề nợ tài chính đối với đất đai, theo ông Tuấn, những người đủ điều kiện mua đất thì không được nợ, vì gây thất thoát tiền thuế Nhà nước. Luật chỉ nên cho nợ tài chánh khi sang nhượng đất đai đối với những người khó khăn.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương ghi nhận những ý kiến đóng góp trên và cho biết sẽ chuyển đến Quốc hội và các bộ, ngành trung ương xem xét.
Đại Dương