Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023: Tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng
Thứ năm: 09:35 ngày 23/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 22.3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Tây Ninh phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”.

Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Du lịch, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân; đại diện một số doanh nghiệp; Giám đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Việc tổ chức hội nghị kết nội Ngân hàng - Doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên của ngành ngân hàng nhằm thông tin cơ chế, chính sách chủ trương của ngành; nghe ý kiến phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi tiếp cận vốn ngân hàng.

Tại hội nghị, lãnh đạo NHNN chi nhánh Tây Ninh báo cáo khái quát hoạt động tín dụng ngân hàng Tây Ninh quý I.2023. Đến cuối tháng 3.2023, vốn huy động ước đạt 61.900 tỷ đồng, tăng 0,6% so đầu năm và tăng 8,9% so cùng kỳ; trong đó, vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 6.040 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng nguồn vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay đạt 88.900 tỷ đồng, tăng 3,5% so đầu năm và tăng 10,7% so cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,7% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,32% của đầu năm.

Ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Tình hình dư nợ các chương trình tín dụng, cụ thể: Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn, trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 11.120 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 1.971 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 8.276 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng chính sách ước đạt 3.495 tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ước đạt 52.900 tỷ đồng, tăng 1,8% so đầu năm, tăng 6,6% so cùng kỳ và chiếm 59,5% tổng dư nợ.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp có ý kiến về vấn đề phê duyệt tín dụng; chuyển nhóm nợ; phí dịch vụ ngân hàng; lãi suất cho vay; việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ... Lãnh đạo NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, đại diện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã trả lời, giải đáp các vấn đề, kiến nghị của doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp. Những nội dung vượt thẩm quyền của địa phương, tham mưu UBND tỉnh có kiến nghị, đề xuất với NHNN Việt Nam xem xét, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội về cơ chế điều hành trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả nhất. 

Đại diện Công ty TNHH sản xuất Cao su Liên Anh phát biểu tại hội nghị.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp để thông tin các cơ chế, chính sách, chủ trương, định hướng của ngành về công tác tín dụng; nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, cũng như phối hợp với các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh xử lý những kiến nghị có liên quan đến những vấn đề thuộc về khó khăn, vướng mắc của địa phương.

Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung, trong việc cấp tín dụng nói riêng để kịp thời xử lý các đơn vị không tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động cho vay, cũng như làm khó doanh nghiệp khi cho vay, khi thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng theo các chính sách chung của nhà nước, ép mua bảo hiểm khi cho vay... để tạo môi trường hoạt động tín dụng trên địa bàn công khai, thông suốt. Các tổ chức tín dụng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá các quy trình thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian thẩm định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp; chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. 

Ngành ngân hàng tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị điều hành trong việc lập phương án vay; hoàn chỉnh các thủ tục, điều kiện còn thiếu theo quy định để tiếp cận vốn vay tốt hơn.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục