Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư: Kỳ vọng mới cho công tác kiều bào
Thứ sáu: 08:59 ngày 23/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư trở lại Hà Nội với diện mạo và nhiều kỳ vọng mới. Trước đó, Hội nghị đã trải qua ba kỳ được tổ chức thành công và nhận được sự quan tâm đặc biệt cùng đánh giá cao của Lãnh đạo cấp cao, các bộ, ban, ngành, địa phương và kiều bào ta ở nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đến dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4. (Ảnh: Tuấn Anh)

Được tổ chức thành công vào các năm 2009, 2012 và 2016, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) toàn thế giới luôn thu hút sự tham dự của kiều bào tiêu biểu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước.

Hội nghị là diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và phát triển đất nước và các nội dung quan trọng về cộng đồng NVNONN.

Thời điểm và mục tiêu quan trọng

Có thể thấy, việc tổ chức Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng.

Bởi năm 2024 là năm bản lề trong việc thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm đánh dấu tròn 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN, cũng như trong bối cảnh kiều bào mong muốn góp phần cùng nhân dân cả nước hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nhiều mục đích được gửi gắm trong sự kiện lần này như: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các văn bản Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN; đánh giá kết quả triển khai 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 phục vụ việc tổng kết Nghị quyết cũng như xây dựng đường lối của Đảng về NVNONN cho Đại hội Đảng lần thứ XIV; tăng cường thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NVNONN.

Đáng chú ý, Hội nghị là cơ hội để các cơ quan trong nước nắm được tình hình, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của NVNONN, từ đó đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào; tạo diễn đàn để kiều bào, nhất là đội ngũ trí thức và doanh nhân kiều bào, đóng góp ý kiến, hiến kế cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng tại lễ ký kết Biên bản ghi nhớ và Thỏa thuận hợp tác ngày 21/8. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, ở Hội nghị và Diễn đàn năm nay, số lượng kiều bào đăng ký vượt dự kiến ban đầu với hơn 500 đại biểu kiều bào từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ủy ban đã mời nhiều chuyên gia kiều bào hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ cao (bán dẫn, AI…), doanh nhân kiều bào, lãnh đạo các hội đoàn, các văn nghệ sĩ tham dự và phát biểu tham luận, trao đổi với các bộ, ngành, viện, trường, doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, lần đầu tiên, một số hội đoàn NVNONN tham gia với các cơ quan trong nước trong chủ trì, điều hành một số phiên chuyên đề về lĩnh vực công nghệ cao. Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực của kiều bào, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn là chủ thể triển khai công tác NVNONN.

Ngoài ra, dự kiến có 10 biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, hội đoàn, tổ chức truyền thông của kiều bào ký kết với các đối tác trong nước tại sự kiện. Dịp này, Ủy ban Nhà nước về NVNONN kiến nghị khen thưởng một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có những thành tích xuất sắc trong công tác NVNONN.

"Tôi mong bà con tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tuân thủ pháp luật và hội nhập tích cực, đóng góp cho sự phát triển của sở tại, đoàn kết cộng đồng cùng nhau phát triển, đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếng Việt, hướng về đất nước, tiếp tục đóng góp tâm huyết, trí, lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục chung vai sát cánh với cộng đồng 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài, xứng đáng là mái nhà chung thắm tình nghĩa đồng bào".

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 21/8 tại Tiệc chào mừng Hội nghị

Tập trung trí tuệ tập thể của người Việt

Từ năm 2009, Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần đầu diễn ra Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội lấy chủ đề “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước”. Sau 15 năm, công tác NVNONN đã có sự phát triển vượt bậc và nhận được những thành quả đúng như mong đợi của chủ đề ấy.

Cùng với những thành tựu của 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng tin tưởng rằng Hội nghị lần này giống như một “Hội nghị Diên Hồng” tập trung trí tuệ tập thể, tăng cường đại đoàn kết dân tộc với tinh thần “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi với bà con kiều bào bên lề sự kiện ngày 21/8 . (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo Thứ trưởng, điểm nhấn quan trọng của Hội nghị năm nay chính là Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài – nơi kỳ vọng nhận được nhiều ý kiến của đội ngũ trí thức và doanh nhân nhằm hiến kế cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, cũng như tăng cường kết nối doanh nhân, chuyên gia, trí thức NVNONN với trong nước.

Thứ trưởng cho biết, trong chuyến thăm Australia tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ các chuyên gia, trí thức Việt Nam đang học tập, nghiên cứu và làm việc tại đây. Từ rất nhiều ý kiến trong lần gặp gỡ đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức Diễn đàn nhằm quy tụ, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, trí thức về đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, về xu thế phát triển mới trên thế giới.

Gửi gắm nhiều kỳ vọng về Hội nghị và Diễn đàn năm nay, GS.TS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, chia sẻ với TG&VN: “Hội nghị Diên Hồng là biểu tượng cho sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết, quyết tâm cao và tinh thần yêu nước, sẵn sàng dâng hiến, chiến đấu vì dân tộc của con người Việt Nam. Coi sự kiện lần này như một “Hội nghị Diên Hồng” vừa thể hiện sự trân trọng, lắng nghe của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng NVNONN, vừa khơi dậy tinh thần hướng về nguồn cội, mang tinh hoa và tri thức của thế giới về hỗ trợ đất nước phát triển”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng đoàn kiều bào hành hương về Đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2024 . (Ảnh: Tuấn Việt)

Cho rằng chủ đề của Hội nghị có tính tập hợp cao, ông Nguyễn Đức Khương bày tỏ: “Tôi mong muốn chúng ta sẽ có một không gian đủ tầm để các đại biểu cùng trao đổi, bàn luận về những câu hỏi lớn mà đất nước đang cần giải đáp, đồng thời cùng thống nhất những hành động giúp Việt Nam ngày một phát triển hơn, bền vững hơn”.

Ông nhấn mạnh thêm: “Chắc chắn sẽ có rất nhiều những câu chuyện được kể, nhiều sáng kiến và kinh nghiệm được chia sẻ tại đây. Vào thời khắc Việt Nam cần làm chủ con đường phát triển của mình, nắm bắt những cơ hội, và ứng phó với môi trường không ngừng biến động, phát huy sức mạnh của trí tuệ tập thể có vai trò quyết định”.

Tin tưởng vào thành công của Hội nghị, anh Lê Đức Anh, Bí thư Chi bộ Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết: “Hội nghị năm nay gửi đến thông điệp rõ ràng là cần sự chung tay của người Việt. Với tinh thần đoàn kết của mọi người, Hội nghị ắt sẽ thành công. Mong rằng sẽ có nhiều ý kiến hay, mô hình sáng tạo, những nguyện vọng và đề xuất được ghi nhận, lan tỏa và xây dựng cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng vững mạnh”.

Diễn ra từ ngày 21-24/8, Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 dự kiến có hơn 600 đại biểu tham dự, gồm Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đại biểu kiều bào và các chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp trong nước.

Các hoạt động chính: Phiên khai mạc Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước”.

Bốn phiên chuyên đề diễn ra song song: Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam; Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước; Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào; Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt. Cùng với đó là Phiên bế mạc và Gala Dinner.

Trong khuôn khổ sự kiện, Đoàn kiều bào tiêu biểu sẽ đến chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Đoàn đại biểu cũng sẽ thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tham quan Nhà Quốc hội, phố cổ Hà Nội...

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục