Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
TAND tối cao:
Hội nghị trực tuyến chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Thứ năm: 20:01 ngày 15/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 14.7, TAND tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có bà Nguyễn Thị Tuyết Vân- Chánh án TAND tỉnh, ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các phòng tòa, TAND hai cấp.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Thời gian qua, hệ thống Tòa án không ngừng cải tiến, nâng cao các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin. 

Cụ thể, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu trong hệ thống TAND đã tạo môi trường làm việc, tương tác giữa các Tòa án mà không bị cản trở bởi khoảng cách địa lý; giúp cán bộ, công chức các TAND cấp huyện dễ dàng tham dự các cuộc họp, hội nghị, tập huấn do TAND tối cao tổ chức. 

Việc đưa 2 trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Toà án và án lệ trên Cổng thông tin điện tử TAND tối cao vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, bản án, quyết định của Tòa án; tăng tính công khai, minh bạch; củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của Tòa án; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; tăng cường sự giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của Tòa án.

Đến thời điểm này, trang thông tin công bố bản án đã có hơn 680.000 bản án, quyết định; phục vụ hơn 100 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác thông tin; trang tin án lệ đã công bố 43 án lệ và phục vụ hơn một triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác thông tin.

Áp dụng phần mềm quản lý việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tối cao đã giúp cho TAND tối cao xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu thống nhất về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thông qua phần mềm này, việc phân công thẩm phán giải quyết đơn được thực hiên theo phương thức ngẫu nhiên. 

Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị, thẩm phán và lãnh đạo TAND tối cao dễ dàng theo dõi được khối lượng công việc và toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết đơn. Hiện phần mềm đã được triển khai mở rộng tại TAND cấp cao TP. HCM; dự kiến trong quý IV triển khai áp dụng thống nhất tại các TAND cấp cao còn lại.

Dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án giúp các cơ quan, tổ chức, người dân không cần phải đến trụ sở của Tòa án, mà có thể đăng ký xin cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án ở bất kỳ thời gian, địa điểm nào.

Qua hệ thống này, các Tòa án đã tiếp nhận, giải quyết hơn 6.400 yêu cầu đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án. Cổng Thông tin điện tử TAND tối cao và 67 Trang thông tin điện tử TAND các cấp bước đầu tạo dựng kênh giao tiếp điện tử giúp người dân dễ dàng theo dõi tình hình hoạt động của Tòa án…

Lễ ký kết chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

TAND tối cao phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan tích hợp 5 dịch vụ công của TAND lên Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: Gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tuyến; nộp tạm ứng án phí trực tuyến; đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; công bố bản án, quyết định của Toà án; án lệ và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Ngoài ra, còn triển khai xây dựng phần mềm quản lý án tổng hợp do Tòa án tối cao Hàn Quốc tài trợ làm nền tảng cho việc phát triển hệ thống tố tụng điện tử. Dự án xây dựng phần mềm quản lý án tổng hợp bắt đầu thực hiện từ năm 2019, đến nay đã hoàn thành giai đoạn lập trình, đang trong quá trình kiểm thử và hoàn thiện. Dự kiến đầu tháng 9.2021 đưa vào triển khai thí điểm tại TAND tối cao, TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND hai cấp TP. Hà Nội, Hải Phòng; đến năm 2022 triển khai áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống Tòa án.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu phần mềm Trợ lý ảo hỗ trợ cho các chức danh tư pháp của Tòa án, nền tảng Tòa án điện tử, phần mềm quản lý án tổng hợp.

Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình Cho rằng, để triển khai Toà án điện tử cần có sự vào cuộc đồng bộ, không chỉ lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mà còn có sự quyết tâm từ TAND các cấp.

Toà án điện tử là công cụ để người dân kiểm tra lại hoạt động của Toà án, các vụ án đã được đưa ra xét xử trước đó, giúp người dân nhìn nhận để đưa ra quyết định khởi kiện... Khi hạ tầng này được đưa vào sử dụng tại hệ thống Toà án sẽ đảm bảo được quyền, lợi ích của người dân; do vậy cần tiếp tục chuẩn bị các bước để hoàn thiện pháp lý cho hạ tầng này...

Dịp này, TAND tối cao và Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục