Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 13.1, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Giám đốc Sở LĐTB&XH Võ Thanh Thủy. Trong năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đều được ngành LĐTB&XH hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra từ đầu năm. Cụ thể, Cả nước giải quyết việc làm cho trên 1,6 triệu người, đạt 102,5% kế hoạch, trong đó tạo việc làm trong nước trên 1,5 triệu người, xuất khẩu lao động trên 126.000 người; tuyển mới dạy nghề ước trên 1,9 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 53%; thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp ưu đãi người có công; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,3-1,5%% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,58-8,38%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%/năm... Ngành LĐTB&XH cũng đã hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là 15,14%, trong đó hộ nghèo chiếm 9,88%, cận nghèo 5,22%. So với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3 - 1,5%. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công; trong đó, trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho 1.392.862 đối tượng với kinh phí khoảng 27,4 ngàn tỷ đồng. Các chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện với mức trợ cấp bằng hoặc cao hơn mức quy định cho trên 2,7 triệu đối tượng, với kinh phí gần 15 ngàn tỷ đồng. Năm 2016, Luật trẻ em được Quốc hội thông qua, các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016-2020 được triển khai, đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2016, khoảng 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống còn 5,5% trên tổng số trẻ em.
|