Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 10.12, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác khuyến công năm 2021 và trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV - năm 2021.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công thương địa phương cùng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Tây Ninh tham dự có ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Thành Đời - Phó Giám đốc Sở Công thương, đại diện ban, ngành liên quan.
Năm 2021, tổng kinh phí khuyến công của cả nước theo kế hoạch là 338 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 150 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 188 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, chương trình khuyến công quốc gia chỉ được giao 75,641 tỷ đồng cho 46 địa phương, 5 tổ chức dịch vụ khuyến công và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, đạt 50% tổng dự toán năm 2021.
Trong năm, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ 739 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ xây dựng 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, thí điểm xây dựng mô hình trình diễn áp dụng giải pháp sạch hơn; hỗ trợ 5 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Thành Đời - Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại hội nghị.
Năm 2021, do tác động của dịch bệnh nên chương trình khuyến công hạn chế triển khai các nội dung hỗ trợ tổ chức hội chợ, triển lãm; hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm; hỗ trợ các phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp…
Riêng đối với nội dung bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, Bộ Công thương đã quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để tổ chức thực hiện bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV. Kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 có số lượng sản phẩm tham gia nhiều nhất (310 sản phẩm của 58/63 tỉnh, thành phố).
Đối với nội dung hỗ trợ liên doanh, liên kết; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, trong năm 2021 thực hiện Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20.11.2020 của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí khuyến công quốc gia không có nội dung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Do vậy, kinh phí khuyến công hỗ trợ để thực hiện nội dung này giảm nhiều so với các năm trước, ước đạt 1,46 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng kinh phí khuyến công.
Tại hội nghị, các địa phương tham gia đóng góp, đề xuất, kiến nghị một số nội dung về triển khai hoạt động khuyến công trong thời gian tới như Chính phủ cần quan tâm, bố trí tăng ngân sách cho chương trình khuyến công quốc gia theo hướng tăng trung bình mỗi năm từ 20%; Bộ Công thương nên ban hành tiêu chuẩn phân hạng đơn vị sự nghiệp ngành Công thương, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khuyến công; quan tâm đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công…
Tham gia đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Thành Đời - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tây Ninh kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung triển khai thực hiện đối với chương trình công nghiệp hỗ trợ phù hợp hơn với thực tế doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Tây Ninh; bổ sung thêm nội dung hoạt động khuyến công phong phú hơn để hỗ trợ thêm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Công thương tổ chức hệ thống khuyến công từ Trung ương đến địa phương tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh các nội dung hoạt động khuyến công, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Triển khai hiệu quả Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9.9.2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, áp dụng các giải pháp sản xuất kinh doanh phù hợp trong điều kiện thích ứng an toàn với diễn biến của dịch Covid-19. Nắm bắt cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, chú trọng công tác chuyển đổi số và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu tiếp tục rà soát chính sách pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21.5.2012 của Chính phủ về khuyến công để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương.
Tiếp tục phát huy công tác thông tin truyền thông giới thiệu chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đến doanh nghiệp, các cơ sở CNNT để gia tăng số lượng cơ sở CNNT tham gia và được cấp giấy chứng nhận, đặc biệt tiếp tục đồng hành với cơ sở CNNT đã đạt giải qua từng kỳ bình chọn, để doanh nghiệp có định hướng chủ động trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước cũng như hướng tới việc xuất khẩu ra nước ngoài…
Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công giai đoạn 2014 - 2020.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Công thương tặng bằng khen cho 75 tập thể, 112 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công giai đoạn 2014 - 2020; công nhận và cấp Giấy chứng nhận 200 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 (trong đó, Tây Ninh có 1 tập thể, 2 cá nhân được nhận bằng khen; 2 đơn vị· được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021).
2 sản phẩm của Tây Ninh được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021: Ống COMPOSITE FRP của Công ty TNHH MTV Hoàng Anh Composite (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) và yến sào sơ chế Yến Loan của Công ty TNHH Loan Phát Huy (phường 3, TP.Tây Ninh).
Thiên Di