Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bộ Y tế:
Hội nghị trực tuyến về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc
Thứ năm: 17:54 ngày 29/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 29.7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì. Tham dự tại đầu cầu tỉnh Tây Ninh có Bác sĩ Nguyễn Văn Cường – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế cùng đại diện bệnh viện, CDC Tây Ninh và cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Theo số liệu của Cục Y tế Dự phòng, tính đến ngày 29.7, Việt Nam đã triển khai được 5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên. Việt Nam sử dụng 4 loại vaccine để tiêm chủng: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm.

Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ phân bổ 130 triệu liều vaccine trong 13 đợt cho người từ 18 tuổi trở lên với mục tiêu đạt 90% tỷ lệ tiêm chủng. Riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ được phân bổ vaccine với tỷ lệ cao nhất là 99%.

Hiện nhiều địa phương vẫn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng theo kế hoạch phân bổ. Trong đó nguyên nhân chính là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức buổi tiêm chủng và thời gian chờ tiêm mũi 2 dài. Trong đó, các tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm chủng dưới 35%: tỉnh Long An, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình, Bình Dương, Đồng Nai,…

Từ tháng 8.2021, Việt Nam sẽ triển khai tiêm tiếp 125 triệu liều vaccine. Việc phân bổ được triển khai bằng cách sử dụng hệ thống các quân khu về các cơ sở tiêm chủng.

Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, để công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc được triển khai tốt, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp các cơ quan xây dựng các hướng dẫn tiêm chủng như: khám sàng lọc, cách xử lý các sự cố sau tiêm chủng (sự cố giảm tiểu cầu kết khối, viêm cơ tiêm sau tiêm,..).

Kế hoạch hướng dẫn được xây dựng với mục tiêu đảm bảo an toàn sau tiêm cho người được tiêm: 100% nhân viên y tế tham gia tiêm chủng được đào tạo, tập huấn về an toàn tiêm chủng; Tỷ lệ người được tiêm chủng gặp sự cố bất lợi sau tiêm thấp hơn hoặc bằng ngưỡng an toàn được công bố của vaccine phòng Covid-19; 100% trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm phòng Covid-19 trong thời gian theo dõi tại cơ sở tiêm chủng (30 phút sau) được phát hiện và cấp cứu kịp thời và 100% người được tiêm chủng được hướng dẫn và biết cách tự theo dõi tại nhà.

Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các địa phương tổ chức tiêm chủng cần phải đảm bảo các yếu tố: đảm bảo về cơ sở hạ tầng; phương tiện, dụng cụ, thiết bị phục vụ tiêm chủng; ghi chép thông tin người được tiêm chủng; đào tạo tập huấn người thực hiện; tập huấn kiến thức và cho nhân viên y tế thực hành khám sàng lọc tiêm chủng; thực hiện khám sàng lọc tiêm chủng và phân loại đúng đối tượng; trang bị phương tiện cấp cứu cơ bản để sẵn sàng cấp cưu người bệnh và theo dõi sau tiêm chủng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, để triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc, Trưởng Ban chỉ đạo tiêm chủng đã ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn, đồng thời chủ động đôn đốc các cơ quan vận chuyển vaccine đến các địa phương phục vụ công tác tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế, tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ở các địa phương trong thời gian qua chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc chỉ đạt 49%. Trong đó chỉ có 5 đến 8 tỉnh đạt tỷ lệ trên 70%, có 8 tỉnh đạt tỷ lệ dưới 35%. Chia theo khu vực, khu vực Tây Nguyện đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất là 71%, khu vực miền Nam đạt tỷ lệ thấp nhất với 49%.

Theo Thứ trưởng, có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 không thể tổ chức tiêm.

Nguyên nhân chủ quan bao gồm, do quá trình vận chuyển vaccine đến các điểm tiêm chủng vẫn còn chậm; một số loại vaccine được yêu cầu tiêm mũi 1 và 2 cùng 1 loại khiến nguồn vaccine bị động, thời gian tiêm mũi 2 bị kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ tiêm. Đặc biêt, công tác phòng, chống dịch trong buổi tiêm chủng chưa đảm bảo cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ tiêm.

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Bộ Y tế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương căn cứ quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8.7.2021 về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và Công văn số 5946/BYT-DP ngày 24.7.2021 về việc dự kiến phân bổ vaccine phòng COVID-19 năm 2021 để tập trung xây dựng kế hoạch tiêm chủng dựa theo số liệu dự kiến phân bổ vaccine của Bộ Y tế tại địa phương; đẩy mạnh tiến độ triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc với mục tiêu đến Quý I/2021 đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương huy động tối đa các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn, cả nhà nước và tư nhân, trong và ngoài ngành y tế, tổ chức nhiều điểm tiêm chủng lưu động.

Đồng thời huy động các lực lượng tình nguyện hỗ trợ điểm tiêm chủng: đoàn thanh niên, sinh viên tình nguyện… Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp các quân khu nhanh chóng hoàn thiện hệ thống kho bảo quản vaccine để chuẩn bị tiếp nhận vaccine phân bổ cho các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các khu vực, các điểm bảo quản vaccine căn cứ vào khả năng bảo quản vaccine để  xây dựng kế hoạch chuẩn bị tập kết vaccine và đẩy mạnh phân bổ, vận chuyển vaccine về các địa phương.

Các tỉnh, thành báo cáo tình hình vận chuyển vaccine và kế hoạch triển khai tổ chức tiêm để Bộ Y tế theo dõi tiến độ triển khai tiêm chủng của từng địa phương và có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Các buổi tiêm phải được tổ chức đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, nhất là các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngọc Bích

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục