Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 6.6, cùng với các tỉnh, thành trong nước, tỉnh Tây Ninh đã tham gia Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều do UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức.
Ngoài trực tuyến tới các địa phương trong cả nước, hội nghị còn được kết nối đến 2 điểm cầu ở Trung Quốc.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, vải thiều là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Năm 2020, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, trong đó vải thiều chín sớm là 6.000 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chín vụ diện tích 22.100 ha, sản lượng đạt 115.000 tấn.
Hằng năm, giá trị sản xuất vải thiều ước đạt khoảng 4.000–4.500 tỷ đồng, chiếm 25- 28% giá trị trồng trọt. Năm nay, do tác động của dịch Covid-19, các quốc gia đều đóng cửa biên giới nên việc giao dịch, kết nối, khảo sát, giao thương, thu mua vải thiều của các doanh nghiệp, thương nhân rất hạn chế, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng cả thị trường nội địa và xuất khẩu, đồng thời luôn khai thông thị trường mới, tiềm năng, có hiệu quả kinh tế cao. Đối với thị trường nội địa, thời gian qua tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Cục, Vụ của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm kết nối với các Tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản tại Aeon, Central Group, Mega Market, Lotte, Big C, Vinmart…
Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua, do đó Bắc Giang thường xuyên trao đổi với các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… để cung cấp thông tin về diễn biến thị trường nông sản giữa Việt Nam–Trung Quốc.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm khơi thông xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua, gồm có Mỹ, EU, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; đồng thời tỉnh đã sẵn sàng đủ các điều kiện vào thị trường khác như Nhật Bản, Singapore, Trung Đông, Thái Lan…
Vải thiều được bán tại siêu thị Co.opmart TP.Tây Ninh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa tốt sản phẩm vải thiều, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động phối hợp với ngành chức năng các tỉnh, thành phố trên cả nước để bàn các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ vải; bảo đảm các quy cách đóng gói theo yêu cầu của thị trường để tiêu thụ sản phẩm; tập trung tu sửa kịp thời các tuyến quốc lộ nhằm hạn chế ách tắc giao thông, bảo đảm thuận lợi cho các phương tiện giao thông đi lại thuận tiện trong vụ thu hoạch vải.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang đề nghị các bộ, ngành, cơ quan truyền thông Trung ương, các địa phương tiếp tục có các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang trong công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều; đàm phán với các cơ quan chức năng Trung Quốc về tạo điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu vải thiều theo hướng chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác…
Tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ quảng bá sản phẩm vải thiều và thông tin về cơ chế chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn (bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc...) để xuất khẩu quả vải sang thị trường các nước tiềm năng.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ vải thiều. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Tây Ninh, đến thời điểm hiện tại, hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn Tây Ninh đã tiêu thụ 300-500 kg vải thiều mỗi ngày, với giá bình ổn 45.000 đồng/kg; siêu thị Vinmart và 8 cửa hàng Vinmart+ tiêu thụ khoảng 5kg/ngày; 54 cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn tỉnh tiêu thụ 20kg/ngày/cửa hàng.
Nhi Trần