Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII: Quyết định những vấn đề hệ trọng về tổ chức bộ máy
Thứ năm: 09:06 ngày 10/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đã bước vào giai đoạn chín muồi, chính vì vậy khi cơ hội xuất hiện là phải triển khai ngay, không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh.

Hôm nay, 10-4, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương dự kiến sẽ họp để quyết định những vấn đề lớn về cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, cũng như các nội dung lớn nhằm chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.

“Hội nghị Trung ương 11 này có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định những vấn đề hệ trọng của cuộc cách mạng tổ chức bộ máy” - GS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM. Ông cho rằng Hội nghị Trung ương 11 cũng như các hoạt động trước đó của Trung ương cần đặt trong bối cảnh chung của toàn nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương khóa XIII diễn ra ngày 23 và 24-1-2025. Ảnh: CTV

Quyết liệt, mạnh mẽ, toàn diện chưa từng có

. Phóng viên: Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy mà Đảng ta đang tiến hành và Hội nghị Trung ương 11 sẽ quyết đáp chính mà để góp phần tháo gỡ điểm nghẽn đó. Dù vậy cũng có ý kiến giá là chúng ta triển khai sớm…

+ GS Phan Xuân Sơn: Tôi từng tham gia vào quá trình nghiên cứu, đi khảo sát thực tế để Trung ương đi đến quyết định thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường 15 năm trước thì thấy không đơn giản như vậy. Lúc đấy có muốn tiến hành cách mạng về tổ chức bộ máy như thế này cũng không thực hiện được.

Rõ ràng là HĐND cấp huyện, bao gồm quận nói chung, rồi cả cấp phường ở đô thị là rất hình thức. Sự phát triển và phổ biến của Internet lúc ấy đã cho thấy người dân có nhiều công cụ để thực hành dân chủ. Vậy nhưng khi triển khai thí điểm, đây đó vẫn băn khoăn là không có HĐND thì lấy ai để giám sát.

Rồi đến năm 2017, Trung ương ban hành Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy. Nghị quyết nêu rất đúng, rất trúng vấn đề nhưng đến giải pháp thì cũng chưa thể mạnh mẽ, quyết liệt được. Chỉ có thể làm thí điểm, từ dưới lên. Nội vụ hợp nhất với tổ chức, thanh tra hợp nhất với kiểm tra Đảng, Mặt trận với dân vận… ở cấp huyện trước, dẫn tới không đồng bộ với hệ thống từ Trung ương xuống nên không thành công.

Làm chính sách thì từ dưới lên là đúng nhưng cải cách về mặt tổ chức thì phải từ trên xuống, như cách mà Tổng Bí thư Tô Lâm triển khai trong mấy tháng qua. Nói thế để thấy đổi mới tổ chức bộ máy là rất khó khăn.

Có thể nói Tổng Bí thư Tô Lâm với Bộ Chính trị mà 3/4 chức danh chủ chốt là mới, tiếp theo là các bước kiện toàn quan trọng nhằm tạo sức mạnh và trí tuệ để thúc đẩy một nghị trình cải cách bộ máy có tính cách mạng như đang diễn ra.

Những người đang giữ cương vị hiện nay đều đã trải qua một quá trình sàng lọc quyết liệt. Họ có vị thế đủ mạnh với nòng cốt là Tổng Bí thư Tô Lâm, một nhà lãnh đạo hành động, quyết đoán, để triển khai cuộc cách mạng bộ máy một cách quyết liệt, mạnh mẽ, toàn diện chưa từng có.

Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy mà chúng ta đang triển khai cho thấy Tổng Bí thư Tô Lâm có tư duy hệ thống mạnh và quyết tâm cải cách.

Cơ hội xuất hiện là phải triển khai ngay

. Tổng Bí thư Tô Lâm nhận nhiệm vụ đến nay là hơn tám tháng. Cảm nhận đến lúc này của ông về người đứng đầu Đảng thế nào?

+ Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy mà chúng ta đang triển khai cho thấy Tổng Bí thư Tô Lâm có tư duy hệ thống mạnh và quyết tâm cải cách. Đó là nhìn ở vai trò cá nhân, còn trong bối cảnh chung cũng cho thấy sự chín muồi, khi chính hệ thống ấy cũng thấy sự cấp thiết phải thay đổi. Nhà lãnh đạo cảm thấy cần phải làm và có thể làm được.

Chỉ hai tuần sau khi nhận nhiệm vụ mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát đi thông điệp về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thông điệp ấy làm rung chuyển, bởi chạm đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Tôi tin là từ trải nghiệm của mình, trên cương vị công tác trọng yếu, ông đã nung nấu rất lâu về những vấn đề nội tại cũng như tầm nhìn, nhu cầu của đất nước về một giai đoạn mới phát triển vượt bậc.

Trong Đảng, ý tưởng cải cách có thể xuất phát từ một vài cá nhân nhưng khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng thuận để thúc đẩy thành nghị trình của BCH Trung ương thì sẽ trở thành chủ trương lớn của toàn Đảng. Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy đang diễn ra là kết quả của quá trình ấy.

Những gì đang diễn ra cho thấy tầm nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm và khả năng thuyết phục trong Bộ Chính trị để nhận diện thấy đất nước đã phát triển đến một ngưỡng cần phải có cải cách mạnh mẽ. Những gì đang diễn ra là rung chuyển. Cán bộ, đảng viên có thể lo lắng nhưng chắc hẳn đều thấy sự cần thiết của công cuộc này.

. Nhìn lại những bước đi của cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy này, ông có thấy gấp gáp quá không?

+ Với cán bộ, đảng viên nói chung thì sẽ cảm thấy nhanh quá, quyết liệt quá. Vì thông thường Đảng ta để hình thành đường lối thì tổng kết, họp, chuẩn bị ra nghị quyết trong khoảng một năm; quán triệt, triển khai mất một năm nữa. Giờ Trung ương quyết định làm ngay, “vừa chạy vừa xếp hàng” thì nhiều người sẽ thấy ngợp.

Nhưng với các nhà khoa học thì không quá bất ngờ. Vì về mặt khoa học chúng ta đã nhận diện ra tình hình từ rất sớm. Đảng cũng vậy, nhận diện tình hình, hạn chế, khuyết điểm của hệ thống đã rất rõ. Cũng thấy được bài học từ những thử nghiệm thất bại rồi.

Giờ phải cách mạng thôi. Đã cách mạng thì không thể chuẩn bị xong xuôi hết tất cả mới tiến hành. Cơ hội xuất hiện là triển khai ngay, không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh.

GS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

Muốn cất cánh phải sẵn sàng đường băng

. Nhưng còn yêu cầu về sự ổn định, ổn định để phát triển?

+ Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã nói là phải phát triển để ổn định. Có nghĩa phát triển là mục tiêu, là thước đo.

Chúng ta đã thấy rõ mô hình tổng thể hệ thống chính trị cũng như tổ chức và hoạt động của các bộ máy rất ổn định nhưng đã có dấu hiệu về sự trì trệ. Đó là tốc độ tăng trưởng chậm dần theo thời gian. Còn cán bộ, công chức đồng lương rất thấp nhưng vẫn chấp nhận với không ít hy vọng bổng lộc. Tự chúng ta, những bạn bè quanh ta cũng thấy ngại thay đổi.

Giờ muốn ổn định lâu dài thì phải cải cách bộ máy. Bối cảnh như vậy thì phải cách mạng, mà như thế khó tránh khỏi chỗ này chỗ kia mất ổn định cục bộ. Chúng ta phải vượt qua để mà sớm ổn định mô hình tổ chức, hoạt động, sẵn sàng cho giai đoạn mới. Chúng ta phải sẵn sàng đường băng thì mới cất cánh được, mới vươn mình được.

. Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy lần này, các cơ quan chức năng đã công khai rất sớm về kế hoạch, lộ trình, bước đi. Qua đó cho thấy khối lượng công việc mà Hội nghị Trung ương 11 sẽ phải thảo luận, quyết định là rất lớn. Theo ông, quyết đáp những vấn đề hệ trọng như vậy thì cần chú ý những vấn đề gì?

+ Đầu tiên là tập trung dân chủ. Cách mạng về tổ chức bộ máy đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung cao độ nhưng càng như vậy thì càng phải dân chủ. BCH Trung ương phải thảo luận thật kỹ, không chỉ khi họp mà cả quá trình chuẩn bị từng ủy viên Trung ương đã phải chủ động nghiên cứu tài liệu, tham gia góp ý rất trách nhiệm. Có vậy thì mới thống nhất cao, nhận thức được đầy đủ cơ hội, thách thức và triển khai mới khoa học, mới thuyết phục.

Cách mạng về tổ chức bộ máy ít nhiều sẽ đụng chạm đến lợi ích địa phương, bộ, ngành. Tất cả phải vượt qua được điều cục bộ ấy, vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà tiến lên. Tất nhiên, cùng với đó cũng phải có chính sách phù hợp cho quá trình tinh giản biên chế, mà khả năng số lượng lần này sẽ rất lớn.

Về mặt mô hình chính quyền hai cấp, đối với nông thôn thì không vướng gì nhưng còn một số ý kiến băn khoăn về tổ chức cấp cơ sở ở đô thị khi các TP, thị xã thuộc tỉnh là một chỉnh thể hoàn chỉnh. Vậy nên chia nhỏ thành phường hay xem nó như cấp cơ sở trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Nên chăng bàn kỹ, bởi đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp 70%-80% GDP cả nước...

Để phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, quá trình phân cấp, phân quyền của cấp tỉnh với xã tới đây phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tính toán kỹ phân cấp, phân quyền của cấp tỉnh với xã

. Còn về công tác cán bộ?

+ Tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, chuyển giao nhiệm vụ, thẩm quyền của cấp huyện cho cấp xã là thay đổi rất lớn. Tôi cho rằng cần có bước đi, lộ trình phù hợp với thực tế chung cũng như điều kiện của từng địa phương.

Một thời gian dài, lực lượng cán bộ xã của ta rất chắp vá, phần lớn là bán chuyên trách. Chính quyền xã là nền tảng của hành chính nhưng ở cấp này một thời gian dài là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, hưu trí điều hành”.

Phải đến Luật Cán bộ, công chức năm 2008 chúng ta mới bắt đầu chuyên nghiệp hóa đội ngũ công chức xã, tuyển dụng các chức danh chuyên môn làm việc tại UBND xã, trong biên chế và hưởng lương ngân sách.

Nói thế để thấy đội ngũ cán bộ, công chức xã của ta rất non trẻ. Chưa kể, nguồn đầu vào đến nay đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn chủ yếu từ người địa phương mà do nhiều yếu tố không thoát ly lên TP đi học, đi làm. Họ theo các lớp tại chức, đào tạo từ xa để chuẩn hóa theo yêu cầu chung chứ không phải là được đào tạo bài bản ngay từ đầu.

Cán bộ, công chức huyện thường sẽ được đào tạo bài bản hơn nhưng sẽ khó mà đủ để về tăng cường hết cho khoảng 5.000 xã, theo quy mô khoảng hai xã nhập làm một. Vì vậy, quá trình phân cấp, phân quyền của cấp tỉnh với xã tới đây phải cân nhắc kỹ thực tiễn này.

. Xin cảm ơn ông.

Đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều lực cản

Hội nghị Trung ương 11 là hội nghị lần thứ 22 của toàn nhiệm kỳ và là hội nghị lần thứ 6 kể từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm nhận nhiệm vụ - bao gồm các hội nghị bất thường của khóa XIII.

Nhiệm kỳ khóa XIII, nằm ở những năm đầu tiên của thập niên thứ ba của thế kỷ 21. 20 năm đầu tiên của thế kỷ là sự bùng nổ của cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Trật tự thế giới hậu chiến tranh lạnh dường như đang kết thúc với sự cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.

Cũng không ai có thể nghĩ rằng những thập niên toàn cầu hóa, thương mại tự do do Mỹ là kiến trúc sư thì giờ họ quyết định cấu trúc lại với công cụ thuế quan với cả thế giới, bất kể đối tác, đồng minh hay đối thủ. Đấy là chưa kể nhân loại vừa trải qua một đại dịch COVID-19 đầy mất mát…

Nhưng chính trong bối cảnh ấy, với kết quả của 30 năm đổi mới, Đại hội XIII đã mạnh dạn tuyên ngôn về việc chúng ta sẽ xây dựng mô hình CNXH Việt Nam. Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy đang được triển khai với sự tự tin ấy.

Mấy chục năm đổi mới, chúng ta đã đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, quá trình phát triển ấy cũng tích lũy những yếu tố trì trệ, mà nếu bị chìm trong tâm lý thỏa mãn sẽ không giải quyết được.

Đáng chú ý là công cuộc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tổ chức và vận hành theo nguyên tắc pháp quyền thì nói rất lâu, đã nhận thức được rồi nhưng làm thì chưa tới. Pháp quyền là trạng thái xã hội mà trong đó người chấp hành, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật phải được lợi nhưng thực tế xã hội ta thì nhiều khi ngược lại.

Các tổ chức chính trị - xã hội thì ngày càng bị hành chính hóa, xơ cứng. Hàng chục tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhân đạo… với nhìn nhận được Nhà nước giao nhiệm vụ, thay vì tự xây dựng chỗ đứng của mình trong thành viên thì lại phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Mô hình tổ chức nhà nước, nhất là chính quyền địa phương còn nhiều tầng nấc, trung gian. Tổ chức bộ máy theo kiểu bình quân, trên có bộ, ban ngành nào thì dưới cũng tổ chức tương đương. Các cấp chính quyền thiếu tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vận hành cứng nhắc.

Chúng ta hình thành một hệ thống công vụ mà cán bộ, công chức, viên chức lương thấp nhưng vẫn tiếp tục dựa vào Nhà nước để có thể hy vọng vào bổng lộc. Tự chúng ta ngại thay đổi, sợ thay đổi.

Nói một cách thẳng thắn, thành tựu đổi mới kinh tế là rất lớn nhưng tổ chức bộ máy còn quan liêu và ngày càng trì trệ. Đổi mới chính trị chậm hơn đổi mới kinh tế, chưa tương thích với nhiệm vụ phát triển. Và hiện thực này đang cản trở phát triển. Tăng trưởng kinh tế của chúng ta từ rất cao đã chậm dần, chậm dần.

Các nghị quyết Đại hội Đảng gần đây đều đã ít nhiều thừa nhận vấn đề này, khi yêu cầu đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế. Còn chỗ này chỗ kia nhận xét là lỗi hệ thống. Và mới nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

GS PHAN XUÂN SƠN

*****

Nghị trình của Hội nghị Trung ương 11

Tính đến Hội nghị Trung ương 10 diễn ra hồi tháng 9-2024, BCH Trung ương đã cho ý kiến dự thảo văn kiện, gồm các báo cáo chính trị, báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới, báo cáo về xây dựng Đảng và thi hành điều lệ, các báo cáo đánh giá năm năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, báo cáo phương hướng nhiệm vụ 2026-2030, báo cáo thực hiện quy chế bầu cử, phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV.

Về công tác nhân sự, các Hội nghị Trung ương thực hiện công tác quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV… Tuy nhiên, các diễn biến sau đó, bao gồm từ việc xác định lại mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến thúc đẩy cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì dự kiến, rất nhiều nội dung Trung ương đã cho ý kiến sẽ được tiếp tục đưa ra xem xét lại.

Theo dự kiến, Hội nghị Trung ương 11 sẽ cho ý kiến lại với dự thảo mới văn kiện theo yêu cầu rất khác so với trước đó. Trung ương cũng sẽ cho chủ trương về sửa Điều lệ, sửa Hiến pháp. Phương hướng công tác nhân sự cũng phải điều chỉnh, bao gồm số lượng, cơ cấu ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV.

Ngoài ra, theo thẩm quyền, Trung ương cũng sẽ quyết định việc nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, tổ chức lại hệ thống chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục