Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 26.11, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị Công bố Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23.11.2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Quang cảnh hội nghị
Hội nghị thu hút hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo 6 tỉnh – thành phố vùng Đông Nam bộ và 2 tỉnh Long An, Tiền Giang; các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư… tham gia.
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bàn giải pháp đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị
Với chủ đề "Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới", hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam bộ, mở thêm cơ hội mới cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước.
Hội nghị được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ.
Hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn vùng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ-TW có thể được hiện thực hoá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng sản phẩm đặc trưng của Tây Ninh được trưng bày trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh Hữu Thiện
Trước đó, ngày 7.10.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 23.11.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát triển vùng Đông Nam bộ đến năm 2030.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm thăm gian hàng sản phẩm đặc trưng của Tây Ninh được trưng bày trong khuôn khổ hội nghị
“Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hoá Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam bộ xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong vùng Đông Nam bộ; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng; Đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao; Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng; Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế; Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt trong vùng và kết nối với các vùng khác; Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; Có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thăm gian hàng sản phẩm đặc trưng của Tây Ninh được trưng bày trong khuôn khổ hội nghị
Về mục tiêu, Chương trình hành động xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 380 triệu đồng/năm; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%); tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 30-35%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%.
An Khang