Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội thảo trực tuyến tham vấn về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
Thứ bảy: 13:18 ngày 10/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 9.7, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn các địa phương khu vực phía Nam về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì buổi hội thảo. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Tây Ninh.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022, với 16 chương, 171 điều (giảm 4 chương, tăng 1 điều so với Luật Bảo vệ môi trường 2014), trong đó có 65 nội dung giao Chính phủ quy định. Để sớm đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, đồng thời bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật một cách hiệu quả, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường là cần thiết.

Dự thảo Nghị định gồm có 13 chương, 197 điều và các phụ lục, quy định chi tiết về các nội dung: Bảo vệ các thành phần môi trường; phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; quản lý chất thải; trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quan trắc môi trường; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường…

Đại diện các địa phương khu vực miền Nam cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị định bảo đảm bố cục chặt chẽ, có tính khả thi cao. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến giải thích thuật ngữ (vùng bảo vệ nghiêm ngặt, chất thải hữu cơ, chất thải thực phẩm…); quy định rõ ràng, cụ thể về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư (Điều 62), thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải (Điều 38); bổ sung thêm quy trình xử lý loại pin tiểu, pin năng lượng mặt trời… Về trình tự, thủ tục đăng ký nhu cầu sản xuất, sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, đa số các địa phương đồng ý theo phương án 2.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh Trần Minh Sơn đóng góp ý kiến tại hội thảo

Tại khoản 1, Điều 26, cân nhắc, điều chỉnh thời hạn tối đa xuống 12 tháng, kể từ ngày có thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đối với mục thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường: thời hạn thanh tra chưa phù hợp, cần xem xét lại; quy định rõ trách nhiệm đơn vị giám định mẫu môi trường, thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường…

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh Trần Minh Sơn có ý kiến đóng góp, đề nghị cần chỉnh sửa tại Điều 25 bổ sung quy định khoảng cách tối thiểu là bao nhiêu phải thực hiện tham vấn (khoản 1); nêu rõ tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức nào (khoản 2).

Kiến nghị làm rõ các cơ sở thiết kế, xây dựng hệ thông xử lý nước thải có công suất lớn hơn 500m3/ngày, nhưng thực tế quay vòng tái sử dụng nước thải sau xử lý một phần, lưu lượng tối đa xả thải dưới 500m3/ngày thì có thuộc trường hợp phải lắp đặt quan trắc nước thải tự động, liên tục không. Một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như khoản 4, Điều 14; khoản 8, Điều 92; khoản 5 Điều 137; khoản 11, Điều 139 cần được bổ sung thêm vào dự thảo Nghị định…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các địa phương, đồng thời nhấn mạnh, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và Luật Bảo vệ môi trường 2020, kế thừa và phát triển những quy định còn phù hợp của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành; bổ sung những quy định mới để khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành.

Thông qua hội thảo, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung dự thảo, đáp ứng tính khả thi cao nhất khi ban hành.

THIÊN DI

Tin liên quan