Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỏi về điều trị đau khớp vai?
Thứ hai: 14:36 ngày 02/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Nam, 34 tuổi, hay chơi bóng bàn. Gần 1 năm qua, tôi thường bị đau khớp vai bên phải với triệu chứng đau mỏi, không sưng, không có dấu hiệu gì khác. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị đau quanh khớp vai, cho đơn thuốc uống nhưng đến nay vẫn không khỏi bệnh. Mong được tư vấn điều trị thêm, tôi xin cảm ơn!

Nguyễn Hồng Ch. (khu phố 2, phường 3, TP. Tây Ninh)

Đáp: Khớp vai rất quan trọng, là khớp nối chi trên với thân người, giúp toàn bộ chi trên thực hiện các động tác tại các vị trí mong muốn. Do đó, khớp vai vừa cần sự mềm dẻo, linh hoạt, vừa cần sự vững chắc và sức mạnh để bảo đảm vai trò “khởi xướng” các động tác chi trên của mình.

Thuật ngữ đau quanh khớp vai chỉ tổn thương phần mềm quanh khớp gồm cơ, gân, bao gân, dây chằng, thần kinh, mạch máu, hay gặp hơn và không bao gồm các tổn thương của xương và diện khớp vai (ổ chảo và đầu trên xương cánh tay).

Bệnh nhân thường cảm thấy đau âm ỉ quanh khớp, đau tăng về đêm. Đau gây hạn chế vận động khớp vai, thậm chí không nhấc tay lên được, lâu ngày không vận động dẫn đến teo cơ quanh khớp vai. Ấn tại chỗ có thể thấy đau nhiều nơi quanh khớp vai hoặc có điểm đau rõ rệt như điểm bám gân nhị đầu, gân trên gai, mỏm cùng vai. 

Chụp X-quang khớp vai không thấy tổn thương tại xương và diện khớp vai, có thể thấy vôi hoá dây chằng, bao khớp. Xét nghiệm máu không có gì đặc biệt. Siêu âm khớp vai hoặc chụp cộng hưởng có thể thấy một số hình ảnh như có dịch quanh gân, vôi hoá, xơ hoá bao gân, teo cơ quanh khớp... 

Về điều trị, viêm quanh khớp vai không có điều trị đặc hiệu, thường phối hợp nhiều biện pháp như điều trị nguyên nhân (nếu tìm thấy); tránh các vận động mạnh tại vùng khớp vai; phục hồi chức năng khớp bằng các bài tập vận động, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn. 

Có thể tiêm thuốc corticoid tại chỗ trong một số trường hợp nhất định như viêm điểm bám gân cơ nhị đầu, gân trên gai, mỏm cùng vai... nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp và trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn. Các thuốc uống có thể dùng như giảm đau đơn thuần Paracetamol và/hoặc giảm đau chống viêm không steroid (Aspirin, Diclofenac, Meloxicam); thuốc giãn cơ; thuốc bổ thần kinh, an thần... 

Viêm quanh khớp vai rất hay tái phát. Nếu vẫn đau không khỏi còn có thể dùng hormon thay thế trong một thời gian ngắn để làm giảm cơn đau. Ngoài ra, người bệnh cần kiên trì luyện tập khớp vai, thường vẫn có tác dụng hơn dùng thuốc. Trường hợp của bạn cần tái khám để nhận được tư vấn từ bác sĩ sau quá trình thăm khám trực tiếp.

BS LÊ TRUNG NGÂN

Tin cùng chuyên mục