Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hôm nay, 25/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP, dự án Luật Công chứng (sửa đổi); bàn thảo về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Quang cảnh phiên họp Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)
Tiếp tục đợt 2 Kỳ họp thứ 7, hôm nay (25/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Theo chương trình, buổi sáng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Về nội dung này, tại phiên họp ngày 8/6/2024, trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập hiệp định trên, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết ở góc độ song phương, Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quan hệ FTA song phương. Vì thế, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Vương quốc Anh tại khu vực này; nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Vương quốc Anh.
Việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
“Về kinh tế, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài,” Phó Chủ tịch nước nói.
Đặc biệt, trong bối cảnh Vương quốc Anh luôn là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, những kết quả đàm phán mà Việt Nam đã đạt được sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại - đầu tư của Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn.
Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết cơ quan này nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn văn kiện. Việc Quốc hội phê chuẩn văn kiện thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Sau phần biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn văn kiện trên, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Cuối phần thảo luận ở hội trường, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền.
Trong ngày mai, 26/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Cùng với đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Cũng trong ngày làm việc thứ 9 của đợt 2, Quốc hội sẽ bàn thảo về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Nguồn vietnamplus