Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm hiện nay, ở tỉnh ta mới có một gia đình làm du lịch homestay. Bước đầu cho thấy loại hình du lịch này được nhiều người yêu thích.
Homestay là một loại hình “du lịch xanh” đang được nhiều người ưa thích. Khi đi du lịch homestay, thay vì ở khách sạn hoặc nhà nghỉ, du khách sẽ đến ở ngay trong nhà của người dân địa phương, để họ có một góc nhìn gần gũi, thực tế hơn về cách sống và nền văn hóa của vùng đất mới.
Cổng vào homestay của nữ chủ nhân Nguyễn Thị Thu Thoa. (nguồn Internet). |
Người đi tiên phong trong hoạt động du lịch homestay ở Tây Ninh là bà Nguyễn Thị Thu Thoa, nguyên cán bộ Tỉnh đoàn. Hơn một tháng nay, bà Thoa lấy một phần căn nhà của mình làm nơi cho du khách ở.
Đến thăm gia đình bà Thoa ở ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành vào một ngày đầu tháng 8.2017, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy căn nhà diện tích trung bình như bao căn nhà khác ở vùng nông thôn này, nhưng sang trọng, tinh tế và tràn ngập cây xanh, hoa kiểng.
Căn nhà dùng làm homestay của bà Thoa. |
Ngay từ trước cổng đã tạo ấn tượng đẹp cho du khách. Cánh cổng sơn màu đen được làm bằng những song sắt thưa, đan chéo nhau, tạo sự đơn giản, thông thoáng.
Trên cổng có dàn hoa giấy đua nhau trổ bông tim tím và những bóng đèn, chụp đèn tròn treo lủng lẳng. Bên ngoài tường rào trồng một số loại hoa kiểng như hoa lài, hoa ban và nhiều loài cây kiểng tầm thấp. Tường rào được xây bằng gạch cổ. Tất cả những chi tiết ấy tạo hòa quyện với nhau, tạo nên vẻ cổ kính, sang trọng ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Bước vào bên trong cánh cổng, một không gian hấp dẫn khác hiện ra. Lối vào nhà rộng thoáng, được lát bằng loại gạch thẻ. Trải dài hai bên lối đi là một vườn hoa kiểng đủ sắc màu lung linh trong nắng. Sân nhà rộng rãi, thoải mái để xe ô tô. Trong sân có hai ghế xích đu và nhiều chậu sen, sứ, lan nở hoa thơm ngát.
Căn nhà được xây cất theo hình chữ L. Phần nhà ngang dùng làm phòng khách. Trong phòng, ngoài bàn thờ gia tiên còn có thêm bộ bàn dài, bộ ghế salon, kệ sách và một cây đàn Piano. Nền nhà lát gạch tổ ong với những kiểu trang trí màu sắc lạ mắt.
Phần nhà dài, gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt là nơi sinh hoạt của gia đình. Riêng nhà bếp được thiết kế theo kiểu “mở”, vừa là nơi nấu nướng, ăn uống của gia đình, vừa nơi du khách có thể sử dụng chung.
Homestay quyến rũ du khách ngay từ ánh nhìn đầu tiên với giàn hoa sắc màu phủ ngoài bờ rào. (nguồn Internet). |
Trên lầu có hai phòng dành cho du khách đến ở. Trong mỗi phòng đều có hai chiếc giường ngủ, phòng trang bị tivi màn hình phẳng, wifi, bàn ghế cũng như phòng tắm riêng biệt. Các phòng còn có ban công, bàn ghế ngoài hiên ngồi để thư giãn hoặc ăn, uống.
Trong nhà còn có một số loại xe gắn máy, xe đạp để dành cho du khách sử dụng đi tham quan, ngắm cảnh.
Bà Thoa chia sẻ, gần một năm trước, bà chưa hiểu homestay là gì và hoàn toàn không có ý định dùng nhà mình làm homestay.
Bà chỉ định cất lại căn nhà mới thay cho căn nhà cũ đã xuống cấp để thờ chồng và làm nơi nghỉ ngơi cho các con mỗi khi cuối tuần hoặc nghỉ hè.
“Lúc đó, tôi cũng còn suy nghĩ theo kiểu nông dân lắm. Nhà mình để người lạ vô ra, ăn uống, tắm giặt chung thấy bất tiện”, bà Thoa nói.
Thế nhưng, hai người con gái của bà- người con lớn đang công tác ở TP.Hồ Chí Minh, người con út lại đang du học ở nước Úc- bàn bạc với mẹ nhân tiện cất nhà mới hãy thử làm homestay, vì đây là xu hướng làm du lịch mới đang được nhiều nước áp dụng và nhiều du khách đam mê khám phá, trải nghiệm rất thích.
Để hiểu về homestay, cô con gái đưa bà đi một chuyến du lịch sang Úc. Qua bên đó, hai mẹ con bà không vào khách sạn mà tìm đến nhà dân để ở. Thời gian cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, chuyện trò với người dân Úc, bà hiểu được rất nhiều về văn hóa, tập quán, cuộc sống lao động của họ. Thế là bà gật đầu với ý tưởng làm homestay của hai cô con gái.
(ảnh do chủ nhân căn nhà cung cấp). |
Trở về Tây Ninh, mẹ con bà hăm hở bắt tay vào công việc. Các cô con gái chọn kiến trúc sư vẽ mẫu thiết kế căn nhà, trồng hoa kiểng. Bà Thoa thì quản lý, trông coi việc thi công căn nhà. Sau một thời gian thi công, căn nhà hoàn thành. Cô con gái mở trang web quảng bá, giao dịch với khách. Bản thân bà Thoa cũng bắt đầu tập tành nói tiếng Anh để làm nhiệm vụ tiếp đón khách.
Bà Thoa kể: “Ngay sau khi đưa hình ảnh homestay của gia đình lên mạng, có một số khách đăng ký đến ở, nhưng con gái tôi tuyển chọn khách rất kỹ, chỉ những du khách có lý lịch rõ ràng, nó mới đồng ý cho đặt phòng”.
Chẳng bao lâu sau khi mở cửa làm du lịch, lần lượt có một số du khách trong tỉnh, trong nước và một số khách từ Úc, Nhật Bản, Anh tìm đến ở. Có khách ở một vài ngày rồi đi, có người ở đăng ký ở cả tháng vẫn còn quyến luyến ở lại.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, mẹ con bà Thoa còn mua một vài chiếc xe đạp cho du khách làm chân đi lại trên những địa bàn gần, như đi dạo trong thôn xóm, đi ăn, uống, mua sắm, ngắm cảnh.
Đồng thời, bà “trưng dụng” một số xe gắn máy cũ của người thân để du khách làm phương tiện chu du những điểm du lịch trong tỉnh, như núi Bà Đen, Tòa thánh, hồ Dầu Tiếng v.v… “Đối với xe đạp, tôi cho du khách dùng miễn phí, còn xe gắn máy, tôi cho thuê với giá rẻ 200.000 đồng/ngày”, bà Thoa chia sẻ thêm.
Phòng nghỉ ấm cúng, đầy đủ tiện nghi. (nguồn Internet). |
Chỉ sau một thời gian ngắn làm homestay, bà Thoa có nhiều kỷ niệm vui đáng nhớ. Nữ chủ nhà này nhớ lại: “Hầu hết du khách đến đây ở đều tự đi chợ mua thức ăn rồi xuống bếp nấu nướng, xong họ mời tôi cùng ăn. Chúng tôi vừa ăn uống vừa chuyện trò với nhau. Đối với du khách nước ngoài, tôi không rành tiếng Anh, họ cũng chẳng biết tiếng Việt. Thế là chúng tôi giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ... tay chân. Vậy mà chúng tôi người cười vui suốt ngày. Du khách nào cũng vậy, khi họ ra về, tôi đều cảm thấy bùi ngùi như chia tay người thân”.
Qua quá trình làm homestay, bà Thoa cũng tự rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Bà kể, vừa qua có hai du khách người Anh đến ở, họ cho biết là sẽ đi phượt lên đỉnh núi Bà Đen và sẽ trả phòng trước 12 giờ.
Thế nhưng đến quá trưa vẫn chưa thấy họ trở lại. Nhìn trời nắng chang chang, bà biết, hai du khách này về đến nhà sẽ rất mệt nên bà pha sẵn ly đá chanh và ly cà phê đá.
Khi hai du khách này trở về đến nhà, mồ hôi ướt đẫm và mặc dù họ trả phòng trễ mấy giờ đồng hồ nhưng bà không tính thêm tiền phòng mà còn mời uống nước giải khát. Họ cảm động trước việc làm này, ôm chầm lấy bà, và hẹn nếu có dịp trở lại Việt Nam, họ sẽ tìm đến ở nhà bà.
Trong khi đó, bà Thoa chỉ đơn giản nghĩ: “Mình là nông dân, chân chất thật thà nên đối xử với du khách thân tình như với người thân trong gia đình, chứ không suy nghĩ sâu xa gì. Nhưng qua đó cho thấy, mình đối xử tốt với du khách thì họ cũng có cảm tình với mình”.
Nói về dự kiến trong thời gian tới, bà Thoa cho biết thêm, hai cô con gái vừa trao đổi với bà, rằng bên cạnh những du khách sang trọng, hiện nay còn có nhiều người nước ngoài thích đi du lịch “bụi”, thích khám phá thiên nhiên, đời sống văn hóa địa phương.
Những du khách này đi dài ngày nên rất tiết kiệm chi phí. Họ thường đi lại bằng phương tiện xe buýt, xe đạp hay đi bộ và thường tìm đến những homestay giá rẻ. Chính vì vậy, bà dự định, sắp tới sẽ xây thêm một số phòng tập thể, trong mỗi phòng có nhiều giường tầng và cho thuê với giá rẻ, để đáp ứng nhu cầu của những du khách “bụi”. Đại Dương
Xem nhiều
09 tháng 01 2025
Biểu diễn diều khí động học: Có thể trở thành sản phẩm du lịch mới
06 tháng 01 2025
Diều khổng lồ bay trên bầu trời Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
|