Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hơn 1 tỷ đồng từ Dự án 1 chưa được giải ngân
Thứ năm: 18:51 ngày 19/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 16.9, Uỷ ban MTTQVN tỉnh tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên (gọi tắt là Dự án 1).

Đoàn giám sát kiểm tra hệ thống nước sinh hoạt của bà Trần Thị Tại.

Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Cựu chiến binh…  

Dự án 1 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14.10.2021. 

Theo bà Đoàn Thị Minh Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện các nội dung của Dự án 1. Theo đó, nội dung về hỗ trợ đất ở, nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất đều không có đối tượng thụ hưởng.

“Hiện nay trên địa bàn Hoà Hiệp, người dân đều đã có đất ở. Về đất sản xuất, có một trường hợp người DTTS không có nhưng theo quy định không thể nhận, do cả hai vợ chồng đã 70 tuổi, ngoài tuổi lao động”- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết. 

Về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân, theo lãnh đạo huyện Tân Biên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Nhưng qua khảo sát, người dân không đăng ký đào tạo, chuyển đổi nghề. 

Về nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt, theo bà Đoàn Thị Minh Thanh, qua khảo sát, từ năm 2023 đến tháng 8.2024, có 40 trường hợp đúng đối tượng, có nhu cầu mua bồn chứa nước. Do đó, địa phương đã hỗ trợ 40 hộ này mỗi hộ 3 triệu đồng.

Hộ bà Trần Thị Tại (67 tuổi, ngụ ấp Hoà Bình) là một trong 40 hộ được hỗ trợ mua bồn nước theo chương trình của Dự án 1. Gia đình bà Tại hiện là hộ nghèo của tỉnh. Trước đây, nhà bà sử dụng ống cống bê tông chứa nước sử dụng. Cách đây 2 tháng, gia đình bà được địa phương hỗ trợ 3 triệu đồng mua bồn chứa nước. “Có bồn chứa nước nên việc sử dụng nguồn nước sạch sẽ hơn”- bà Tại nói.

Tuy nhiên, do kinh phí thấp, chỉ đủ mua được một bồn inox chứa nước, phần chân bồn chưa có, bà phải đặt bồn trên các ống cống. Cách này không vững chắc, khả năng mưa to gió lớn có thể làm ngã, đổ bồn nước.

Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh chủ trì buổi giám sát.

“Do chương trình chỉ hỗ trợ được 3 triệu đồng và xét theo mong muốn của người dân, chúng tôi chỉ có thể mua bồn nước cho người dân sử dụng. Cũng mong, nếu có thể nâng thêm nguồn hỗ trợ từ 3 triệu đồng lên 5 triệu đồng để có thể làm thêm chân bồn nước, bảo đảm an toàn trong sử dụng cho người dân”- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết.

Cũng theo lãnh đạo huyện Tân Biên, nguồn vốn địa phương nhận được để thực hiện Dự án 1 trong năm 2023 là 1.348 triệu đồng, năm 2024 là 200 triệu đồng. Nhưng, đến nay, nguồn vốn chi hỗ trợ cho người dân chỉ mới 120 triệu đồng (40 bồn nước). Số tiền còn lại hơn 1 tỷ đồng, địa phương đang xin ý kiến lãnh đạo tỉnh và Uỷ ban Dân tộc để có hướng xử lý.

Ông Đặng Xuân Lãnh- Trưởng Ban Dân chủ, Pháp luật và Dân tộc, Tôn giáo (Uỷ ban MTTQVN tỉnh) góp ý việc triển khai Dự án 1.

Là địa phương trực tiếp hưởng lợi từ Dự án 1, theo ông Nguyễn Minh Sơn- Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Hiệp cho biết, xã đang triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Đảng uỷ định kỳ hằng tháng có yêu cầu các bộ phận báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện các chương trình. Đối với Dự án 1, vốn rót về nhiều nhưng nhu cầu địa phương không có.

“Khó hiện nay là vốn giữa trung ương đưa về và nhu cầu của địa phương không khớp nhau. Cái cần vốn thì lại không được giao nhiều, ngược lại cái nhu cầu địa phương không có nhưng giao nhiều vốn nên không giải ngân được. Địa phương chúng tôi kiến nghị trung ương xem xét cho điều chỉnh vốn từ Dự án 1 sang các dự án khác đang cần vốn, đặc biệt là cho cơ sở hạ tầng, hệ thống đèn chiếu sáng… xã còn khó khăn”- ông Nguyễn Minh Sơn ý kiến.

Từ những ý kiến của địa phương, ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh ghi nhận và sẽ kiến nghị lên trên. Ông Hồ Đức Hải cũng đề nghị địa phương cần tăng cường tuyên truyền, rà soát đúng đối tượng, tránh thiếu sót, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ngoài các nội dung về đất ở, đất sản xuất, địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, chuyển đổi nghề.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục