Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hơn 235.000 học sinh Tây Ninh bước vào năm học mới
Thứ hai: 12:05 ngày 04/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cùng với hàng chục triệu học sinh, sinh viên trong cả nước, ngày 5.9, hơn 235.000 học sinh mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên ở Tây Ninh chính thức bước vào năm học 2023-2024.

Ngày khai giảng. Ảnh minh hoạ: Huỳnh Đông

Toàn tỉnh có 134 trường mầm non, mẫu giáo (108 trường công lập, 26 trường tư thục), tăng 1 trường mầm non tư thục so với cùng kỳ, có 107 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tăng 7 cơ sở so với cùng kỳ. Tổng số trẻ mầm non đã đăng ký ra lớp (bao gồm công lập và tư thục) là 33.050 trẻ, trong đó có 2.248 trẻ nhà trẻ và 30.802 trẻ mẫu giáo.

Cấp tiểu học có 184 trường, giảm 4 trường so với năm học 2023-2024. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 96.346 học sinh tiểu học. Cấp THCS có 71.190 học sinh theo học tại 104 trường. Cấp THPT có 28 trường, tổng cộng 31.636 học sinh và hệ GDTX có 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, tổng cộng 4.100 học sinh.

Trường CĐSP Tây Ninh có 710 sinh viên, 23 lớp chính quy, liên kết đào tạo đại học 450 học viên, 13 lớp.

2023-2024 là năm học thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học này, học sinh lớp 4, 8 và 11 học sách giáo khoa và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, còn có học viên thuộc hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề (thuộc sự quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Tây Ninh trong năm học mới

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, để triển khai hiệu quả mục tiêu năm học 2023-2024, ngành sẽ tham mưu soạn thảo, trình HĐND tỉnh Nghị quyết chính sách đặc thù thu hút, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên tại địa bàn, lĩnh vực thiếu giáo viên.

Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định.

Phát triển các phương thức giáo dục hoà nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT; tăng cường các điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông.

Tiếp tục xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học.

Đa dạng hoá nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên người nước ngoài đáp ứng tiêu chuẩn quy định tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên trong tỉnh; tạo môi trường thuận lợi cho giáo viên và học sinh nâng cao khả năng phản xạ khi giao tiếp với người nước ngoài, điều chỉnh cách phát âm, luyện giọng, tăng cường sự tự tin trong giao tiếp.

Tiếp tục phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Chương trình học bổng tiếng Anh Access cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh. Phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp nhận giáo viên người nước ngoài về dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; liên kết trong và ngoài nước bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ; bồi dưỡng, tập huấn cán bộ làm công tác hành chính, quản lý đề án.

Tích cực tham gia các phong trào thi đua trong toàn ngành

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị. Tích cực tham gia và thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Tây Ninh phát động, như: phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Tây Ninh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở” trong ngành Giáo dục giai đoạn 2019-2025.

Việt Đông

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Tiếp tục hướng dẫn cho các đơn vị, trường học thực hiện tốt công tác kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là thực hiện chế độ công khai, minh bạch các mặt hoạt động của đơn vị theo đúng quy định hiện hành.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; kịp thời xử lý các sai phạm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các hoạt động giáo dục và đào tạo, trong đó trọng tâm là việc thực hiện đạo đức nhà giáo, phòng, chống bạo lực học đường và việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị 10.

Tin cùng chuyên mục