Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hơn 25 năm theo nghề bánh ú lá tre
Thứ hai: 15:34 ngày 21/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nói đến bánh ú lá tre, dân Tây Ninh thường nghĩ đến huyện Trảng Bàng- nơi có nhiều người làm bánh ú, bánh tráng, bánh canh… Nhưng ở huyện Bến Cầu cũng có người đã hàng chục năm trời gắn bó với cái bánh ú lá tre.

Công việc bà Ba Hương thường làm trong hơn 25 năm qua.

Người ấy là bà Trần Thị Hương (người dân địa phương quen gọi là bà Ba Hương), năm nay 59 tuổi, ngụ ở ấp Thuận Ðông, xã Lợi Thuận. Bà Hương kiếm sống bằng nghề làm bánh ú lá tre đã hơn 25 năm qua. Bà quê ở ấp An Bình, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng; thuở nhỏ, do gia cảnh khó khăn nên khi vừa học hết bậc THCS bà phải nghỉ ở nhà, phụ mẹ gói bánh ú lá tre để bán kiếm tiền. Lớn lên, bà lập gia đình rồi theo chồng về xã Lợi Thuận.

Nhà nghèo, không ruộng đất sản xuất, vợ chồng bà Ba Hương phải vất vả lo cuộc mưu sinh bằng nghề mua gánh bán bưng. Bắt đầu từ năm 1990, bà chuyển qua nghề gói bánh ú lá tre để bán.

Bước đầu chưa quen, mỗi ngày bà chỉ làm vài chục cái. Trời vừa tờ mờ sáng, bà đạp xe ra chợ bán bánh, thường là bán ở chợ thị trấn Bến Cầu và chợ chiều Lợi Thuận. Những chiếc bánh ú gói bằng lá tre khéo léo, đẹp mắt, mùi vị lại thơm ngon của bà được nhiều người ưa chuộng, vì thế số lượng bánh bán ra ngày càng nhiều, thu nhập ngày càng tăng. Mỗi ngày, bà Ba Hương chỉ bán đến khoảng 8 giờ 30 là hết bánh.

Bà Ba Hương cho biết, muốn có được chiếc bánh ú lá tre ngon, thơm, phải trải qua nhiều công đoạn. Nếp phải ngâm từ 5 tiếng đồng hồ trở lên, sau đó đãi nhiều lần cho sạch, cho vào ít muối rồi tiếp tục ngâm thêm vài tiếng đồng hồ nữa, đến khi nào bóp hạt nếp thấy mịn, vỡ là đem xả nước, đãi sạch, để cho ráo nước.

Ðậu xanh đãi vỏ, đem ngâm nước khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ rồi đem nấu. Khi đậu còn nóng, cho đường vào, số lượng tuỳ theo ý muốn ngọt nhiều hay ít. Khi nấu đậu, phải khuấy thường xuyên để hạt đậu mịn thì nhân mới ngon.

Ðậu chín, để nguội đem vò viên tròn nhỏ làm nhân bánh. Lá tre gói bánh phải lau thật sạch, thật kỹ. Chiếc bánh ú lá tre được gói thành hình tam giác, dùng dây ni-lông hoặc dây chuối cột chặt lại. Gói xong, xếp bánh vào trã hay cái nồi lớn, đổ nhiều nước, để lên bếp đun cho đến khi bánh chín.

Chiếc bánh ú lá tre không lớn lắm cũng không nhỏ lắm. Thường thì bà Ba Hương phải nấu từ khoảng 14 giờ đến 21 giờ bánh mới chín, rồi vớt ra cột thành chùm, thế là sẵn sàng để sáng sớm mai đem ra chợ bán.

Bà Ba còn phải rong ruổi trong xóm ấp để tìm mua lá tre, sau đó về nhà tiếp tục những công việc: gút nếp, nấu đậu làm nhân, lau lá tre, chẻ củi… để chuẩn bị cho nồi bánh của ngày hôm sau.

Công việc như vậy lặp đi lặp lại trong hơn 25 năm qua. Cũng nhờ nó mà bà Ba Hương đã nuôi các con khôn lớn, sắm được các thứ tiện nghi trong nhà. Hiện nay, mỗi ngày bà gói từ 250 chiếc bánh trở lên mới đủ bán. Với giá bán ra 20.000 đồng/chục bánh (12 cái), trừ các khoản chi phí nguyên liệu, mỗi ngày bà kiếm được từ 200.000 đồng trở lên.

Bánh ú lá tre của bà Ba Hương có tiếng là thơm ngon, giá cả lại hợp lý nên những năm gần đây, khách hàng của bà không chỉ có người dân tại địa phương mà còn có cả những người ở các xã Long Vĩnh, Ninh Ðiền của huyện Châu Thành. Họ tìm tới đặt hàng cả trăm bánh để phục vụ đám tiệc của gia đình.

Mỗi lúc như vậy, dĩ nhiên bà Ba Hương phải chịu cực nhiều hơn nhưng bù lại số tiền kiếm được cũng nhiều hơn so với những ngày bình thường. Mặt khác, bà lấy làm vui vì thấy tay nghề làm bánh của mình đã được khách hàng tin tưởng để “chọn mặt gửi vàng”.                                                                                

THUỲ DUNG

Tin cùng chuyên mục