Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Hơn 40 năm gắn bó với nghề sửa giày dép
Thứ sáu: 11:44 ngày 25/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Có một tiệm sửa giày dép không biển quảng cáo nép mình trong một góc nhỏ vỉa hè trên đường Gia Long cũ, thuộc khu phố 2, phường 2, thành phố Tây Ninh (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám).

Ông Hùng đang hành nghề.

Hơn 40 năm nay, ông Nguyễn Quốc Hùng (59 tuổi), ngụ khu phố 6, phường 3, thành phố Tây Ninh vẫn lặng lẽ cần mẫn với mũi kim, đường chỉ để biến những đôi giày dép tưởng chừng như bỏ đi trở nên lành lặn, bền chắc, giúp cho những người lao động nghèo bớt vất vả và giúp cho nhiều người lưu giữ được món đồ kỷ niệm khó quên.

Vừa cặm cụi sửa giày cho khách, ông Hùng tâm sự: “Vào những năm 80, kinh tế khó khăn, kiếm công ăn việc làm không phải dễ. Và rồi như một cơ duyên, năm 1982, được một người bà con mách bảo, tôi đã theo nghề của một tiệm sửa giày dép có tiếng một thời tại khu vực đầu đường Gia Long cũ (gần cầu Quan), nay là Đường Cách Mạng Tháng Tám. Năm 1983 ra nghề, tôi cũng chọn khu vực này để hành nghề kiếm sống và mưu sinh từ đó đến nay”.

Đều đặn từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày, bất kể ngày nắng hay mưa, ông Hùng vẫn miệt mài sửa đủ các loại giày dép. Công việc lâu năm làm cho đôi bàn tay ông trở nên thô ráp, sần sùi vì mỗi ngày đều tiếp xúc với keo, kìm, đục. Khi thì khâu, vá; lúc lại dán keo, quét xi đánh bóng; dù hỏng cỡ nào, đôi giày, dép đang từ vô dụng, qua bàn tay lão luyện trong nghề của ông đã trở nên hữu dụng.

Phần lớn khách của ông là khách quen. Biết ông làm tỉ mỉ, cẩn thận, giá cả phải chăng nên họ lại giới thiệu bạn bè, người thân tới sửa. Do đó, dù không có biển quảng cáo nhưng tiệm của ông Hùng vẫn đắt khách. Có nhiều người kinh tế khá giả vẫn mang đôi giày cũ đến sửa vì thấy đi êm chân, hơn nữa đôi giày còn gắn với một kỷ niệm của bạn bè hoặc người thân tặng.

Anh Nguyễn Thái Mỹ, giáo viên trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành) thường đến sửa giày cho biết: “Ông Hùng tính tình hiền lành, điềm đạm. Quan trọng là ông làm nghề cẩn thận, giá cả phải chăng. Sau khi thẩm định “bệnh” của đôi giày, dép, nếu giá sửa cao hơn giá trị thực, ông khuyên khách hàng không nên sửa tốn tiền, hoặc tư vấn sửa để vừa thẩm mỹ, vừa bảo đảm độ bền khi sử dụng”.

Sửa giày, dép không có giá cố định, tuỳ theo tình trạng của từng món đồ, giá thấp nhất cũng khoảng 50.000 đồng. Nhưng theo ông Hùng, làm nghề gì cũng phải cần cù, chịu khó, quan trọng nhất là phải yêu nghề và giữ chữ tín để khách tới sửa một lần là tin tưởng có thể đến tiếp lần sau và giới thiệu thêm những khách mới.

“Vào nghề rồi mới biết, không kể ngày lễ, thứ 7, chủ nhật, từ sáng đến chiều, người thợ đều tập trung vào việc sửa giày dép, chỉ rời ghế khi ăn trưa, có hôm mới tranh thủ chợp mắt một tý thì khách đến. Chưa kể tay chân lúc nào cũng lấm lem, làm bạn với bụi giày, bụi đường. Bù lại, nghề này tuy không dư giả nhưng ổn định, bình quân mỗi tháng mang lại thu nhập từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng, giúp tôi lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn"- ông Hùng nói.

Được biết, hai người con của ông Hùng đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Hiện ông đã gần 60 tuổi, sức khoẻ yếu dần, mắt cũng mờ hơn thời trai trẻ nhưng ông vẫn chưa muốn bỏ nghề.

"Ngày xưa mình làm vì cái nghèo, dần dần càng thấy biết ơn và yêu nghề bởi công việc này không chỉ mang lại thu nhập mà còn gặp gỡ những người bạn tri kỷ là khách hàng. Làm xong, giao đồ cho khách, họ cầm lên thấy ưng và cám ơn mình, mình thấy vui”- ông Hùng cười hiền lành chia sẻ.

Hà Quang

Tin cùng chuyên mục