Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo dữ liệu mà nhóm truyền thông Đức Funke thu thập được từ Bộ Nội vụ nước này, tính đến giữa tháng 9.2017, tổng cộng 250 nhà ngoại giao và 380 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã xin cấp quy chế tị nạn tại Đức, kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái ở nước này.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ canh gác gần xe chở những quân nhân bị cáo buộc tham gia đảo chính đến phiên toà xét xử tại Mugla. Ảnh: Reuters |
Mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ bị thụt lùi kể từ sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Ankara tin rằng Berlin cấp quy chế tị nạn cho những kẻ âm mưu đảo chính; trong khi Berlin chỉ trích việc các nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền Đức bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc đảo chính quân sự thất bại xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7.2016 đã khiến hơn 240 người thiệt mạng và gần 2.200 người bị thương, trong đó có 103 tướng lĩnh quân đội. Ankara cáo buộc phong trào của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người sống lưu vong tại Mỹ kể từ năm 1999, là chủ mưu cuộc đảo chính. Tuy nhiên, giáo sĩ Gulen liên tục bác bỏ tất cả cáo buộc liên quan, đồng thời chỉ trích âm mưu đảo chính.
Kể từ khi phá vỡ âm mưu đảo chính đến nay, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 50.000 người tình nghi liên quan tới phong trào của giáo sĩ Gulen, sa thải hoặc đình chỉ công tác khoảng 150.000 người, trong đó có nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, nhà báo, học giả, giáo viên...
Hãng truyền thông nhà nước Anadolu mới đây cho biết, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh tạm giam đối với 115 người ở 15 tỉnh, trong một chiến dịch được cho là nhằm phá vỡ “cấu trúc tài chính” của mạng lưới Fethullah Gulen của ông Gulen.
Trinh Dương
Theo Spuniknews