Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hơn lúc nào hết, các tỉnh phải hành động chia lửa với TP.HCM
Thứ sáu: 21:26 ngày 20/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hơn lúc nào hết, lãnh đạo các tỉnh phải chia lửa với tâm dịch miền Nam bằng hành động thiết thực: Tổ chức bài bản đưa bà con hồi hương hoặc hỗ trợ tại chỗ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam vật vã với cuộc chiến khốc liệt mang tên đại dịch COVID-19, hầu hết người dân ở các tỉnh, thành đang sinh sống tại tâm dịch này mong mỏi được hồi hương. Và việc các địa phương đón bà con về quê sẽ phần nào giúp TP.HCM và các tỉnh vơi bớt gánh nặng.

Ngoài một số tỉnh đang tích cực thực hiện kế hoạch đưa bà con hồi hương bài bản, an toàn, hoặc trợ giúp tại chỗ, nhiều tỉnh có đông người đang làm ăn tại TP.HCM, Bình Dương… vẫn im hơi lặng tiếng, không có động thái chia lửa.

Cứ 10 người thì 9 người muốn về quê, vì sao?

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) cho biết, theo kết quả khảo sát của Social Life ở thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào tháng 4/2021, có khá nhiều người chần chừ, muốn nán lại TP.HCM, Bình Dương vì họ tin rằng có thể cầm cự được đến khi hết dịch. Mặt khác, họ sợ về quê sẽ bị kỳ thị, mất công việc hiện tại, ảnh hưởng gia đình và địa phương.

Thế nhưng, tình thế hiện giờ đã khác. Cứ 10 người được hỏi thì có đến 9 người mong muốn được về quê.

Ông Lộc cho rằng đã đến lúc các tỉnh thành trong cả nước cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này và sớm có biện pháp đưa công dân hồi hương. Đó cũng là một trong những điều tiên quyết để giúp TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam có thể chặn đứng dịch bệnh.

Người dân Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... trên đường hồi hương bằng xe máy.

Đầu tiên, việc đưa công dân về quê sẽ giảm bớt áp lực cho lực lượng chống dịch đang ngày đêm ngăn cản lượng người đổ về. Thứ hai là giảm tải áp lực cho TP.HCM và các tỉnh vì phải chăm sóc quá nhiều đối tượng.

Thứ ba, sau hơn 2 tháng bị đại dịch COVID-19 "điểm huyệt", hàng loạt công ty, xí nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương... buộc đóng cửa. Điều này đồng nghĩa với hàng trăm nghìn công nhân mất việc. Thêm vào đó, nhiều tỉnh thành đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16 cũng khiến một bộ phận không nhỏ người lao động tự do lao đao, không thể xoay xở, buộc phải ra đường kiếm ăn.

Thứ tư, người lao động không may nhiễm bệnh thì ở tại các tỉnh thành vẫn còn có khả năng sớm được cứu chữa so với TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh thành đang trong tình trạng quá tải.

 

 Việc hỗ trợ cho người dân của các địa phương, cũng như việc tổ chức kế hoạch đưa họ về quê nên là việc của các tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc

Trên thực tế, TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam cũng đã có hàng chục biện pháp để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, thế nhưng theo ông Lộc thì hiện tại các địa phương này cũng đang kiệt sức.

“Hiện nay TP.HCM và các tỉnh đang tập trung chủ lực chống dịch, và họ nên tập trung chính vào việc đó. Còn việc hỗ trợ cho người dân của các địa phương, cũng như việc tổ chức kế hoạch đưa họ về quê nên là việc của các tỉnh”, PGS.TS Lộc nói.

Việc người dân về quê sẽ gián tiếp giảm áp lực cho hệ thống chống dịch và hệ thống y tế của hai địa phương đang bị quá tải là TP.HCM, Bình Dương. Đồng thời, giảm tải nguy cơ lây nhiễm ở các xóm trọ không đảm bảo an toàn chống dịch. Tuy nhiên, hành trình về quê của người dân phải có kịch bản cụ thể, kỹ lưỡng, nếu không sẽ phản tác dụng.

"Một tín hiệu đáng mừng là một số tỉnh thành đã giải quyết cho người dân hồi hương an toàn. Điều này cho thấy chính sách nhân đạo, chăm lo cho người dân của những địa phương này rất tốt. Dù vậy, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận là con số này rất nhỏ, còn rất nhiều người muốn trở về nhưng không thể.

Vì không thể cầm cự thêm, những người còn lại buộc gọi nhau, tập trung về bằng xe máy. Điều này đang rất không ổn, có thể phá vỡ nỗ lực chống dịch của TP.HCM và các tỉnh thành khác. Bởi khi di chuyển tự phát, đi qua nhiều tỉnh thành thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, khó truy vết”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng, một kịch bản không tốt đang được lặp lại. Trước đây, thời điểm Việt Nam đang kiểm soát dịch COVID-19 rất tốt, chính phủ đã không ngần ngại tổ chức các chuyến bay nhân đạo đón bà con ở nước ngoài về quê. Song, cũng có những người chưa tiếp cận được.

Bởi vậy, họ phát sinh tâm lý “xé rào” để về quê bằng mọi cách. Họ băng theo các đường mòn, lối tắt, thậm chí sẵn sàng vượt biên để trở về. Và bây giờ, điều tương tự đang diễn ra, nhưng phạm vi thu nhỏ lại.

Việc thiếu đói ở dưới ngưỡng sinh tồn sẽ khiến nhiều người không còn đủ lý trí tuân thủ giãn cách. Họ buộc đi kiếm cơm gạo, quay trở về, khiến chính sách truy vết chống dịch phải “chạy đuổi theo”, hoặc có thể “bần cùng sinh đạo tặc” như dân gian đúc kết.

Đặc biệt, lượng lao động phi chính thức, lao động di cư chiếm tỉ lệ rất lớn trong các đô thị sẽ cần có hình thức hỗ trợ riêng vì đây là nhóm dễ tổn thương nhất, hầu như không có “lưới an sinh” bao phủ từ trước đại dịch.

“Ngay lúc này, các tỉnh cần hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các công dân của mình. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của chính quyền, của người dân tỉnh nhà đối với con em mình”, ông Lộc đề nghị.

Các tỉnh phải chuẩn bị khu cách ly, chia lửa với TP.HCM

Ông Phan Đình Tuệ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM cho biết, hội đã phối hợp với tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức thành công 6 chuyến bay đưa 1.700 người dân về quê. Trong đó, hội lo tiền vé máy bay, tỉnh lo chi phí cách ly.

Do một số lý do khách quan, còn rất nhiều người vẫn chưa thể về quê. Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh đang tiếp tục tìm phương án tốt nhất để hỗ trợ bà con. Trước mắt, phương án hỗ trợ tiền mặt cho những người ở lại đang được triển khai.

Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM phối hợp với tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức thành công 6 chuyến bay đưa 1.700 người dân về quê.

"Nghệ An và Hà Tĩnh đã duyệt phương án mỗi tỉnh chi 2 tỷ đồng để hỗ trợ những người ở lại, tuy nhiên do nhiều thủ tục nên tiền vẫn chưa thể chi. Do đó, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh chúng tôi ở trong này, nắm được tình hình kỹ hơn nên đã rốt ráo vận động các doanh nghiệp hỗ trợ.

Ngoài hơn 2 tỷ đồng chúng tôi đã vận động cho 6 chuyến bay vừa rồi, chúng tôi hiện đã vận động được thêm 3,7 tỷ đồng. Số tiền này chúng tôi dùng để hỗ trợ những người ở lại. Bằng cách rà trên danh sách người dân đã đăng ký, trung bình mỗi người sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng, hoàn cảnh nào quá đặc biệt thì 2 triệu đồng. Chương trình đã và đang được triển khai", ông Tuệ nói.

 

Ngoài 6 chuyến bay vừa rồi, chúng tôi đã vận động được thêm 3,7 tỷ đồng để hỗ trợ người ở lại.

Ông Phan Đình Tuệ          

Tương tự, các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng đã lên phương án để hỗ trợ người dân của tỉnh đang bị kẹt lại vùng dịch. Các tỉnh này đều đã có những chuyến bay, tàu xe đưa người dân về quê trước đó. Song, tình hình dịch bệnh phức tạp, địa phương buộc phải thực hiện phương án hỗ trợ tại chỗ.

Có thể thấy, hầu hết các tỉnh miền Trung đã và đang làm khá tốt công tác hỗ trợ bà con quê nhà, đồng thời san sẻ khó khăn với TP.HCM lúc này. Tuy nhiên, còn các tỉnh miền Bắc, hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về việc chủ động hỗ trợ bà con.

"Miền nào như thế nào không phải là vấn đề, vấn đề cũng không phải ở khoảng cách. Chung quy lại là mối quan tâm của từng tỉnh lớn chừng nào thôi. Chính lúc này đây thì các tỉnh nên chủ động giúp đỡ nhau, bởi “người dân tỉnh nào cũng là người Việt Nam”. Hơn bất cứ lúc nào, lúc này các tỉnh phải đoàn kết thì mới có thể nắm bắt nhu cầu thực của người dân để lên phương án", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhìn nhận.

PGS.TS Trịnh Hoà Bình - Nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội cho rằng, hiện TP.HCM, Bình Dương đang là “rốn dịch”. Hai địa phương này đang có quá nhiều việc phải xử lý, mỗi ngày đều phải họp bàn để tìm cách, lên phương án đối phó với dịch bệnh. Do đó, việc đưa người dân về quê, các địa phương nên chủ động lên phương án.

Những hình ảnh người dân lũ lượt kéo nhau về bằng xe máy được đăng tải đầy rẫy trên mạng xã hội. Họ chấp nhận vượt hàng nghìn cây số, vượt nắng, vượt gió. Có trường hợp em bé 9 ngày tuổi cũng được mẹ ẵm về bằng xe máy… Điều này nghĩa là họ chấp nhận rủi ro, chấp nhận thách thức để có chỗ tồn tại, rất cám cảnh. 

"Các lao động nhập cư không thể ở lại nữa thì phải có phương án đưa họ về quê, hoặc phải có phương án hỗ trợ tại chỗ cho họ. Lúc này các tỉnh đừng nên ngồi chờ TP.HCM, phải rốt ráo lên. Tình hình bây giờ rất căng, TP.HCM đang quá căng, họ có quá nhiều việc để giải quyết. Hội đồng hương các tỉnh nên phát huy vai trò của mình lúc này.

Tôi thấy một số tỉnh họ đã làm rất tốt, họ tập hợp người dân quê họ lại để lên danh sách và khảo sát nhu cầu. Các tỉnh phải chủ động xem làm được gì thì phải làm ngay. Chưa đưa người về quê được thì hỗ trợ nơi ở, lương thực, tiền bạc, để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người dân. Tất cả phải thực hiện trên tinh thần đoàn kết, san sẻ nhau. Có vậy mới hiệu quả được”, PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho hay.

Cũng theo TS Trịnh Hòa Bình, ngay bây giờ các tỉnh phải có sự chuẩn bị, thành lập thêm các khu cách ly mới, chủ động hỗ trợ, lên kế hoạch đón người dân về.

“Tỉnh nào không muốn cũng phải làm, làm bằng lương tâm và trách nhiệm. Đã đến lúc lãnh đạo các tỉnh phải xắn tay áo vào lo cùng TP.HCM, chia lửa cùng TP.HCM và các tỉnh phía Nam”, ông Bình đề nghị.  

Nguồn VTC

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục