Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hôn vào miệng, cổ, vai người dưới 16 tuổi là phạm tội Dâm ô trẻ em?
Thứ ba: 16:10 ngày 15/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán - TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều từ 141-147 của BLHS 2015 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi mới được ban hành ngày 1/10/2019 nêu rõ, hành vi hôn người dưới 16 tuổi sẽ bị kết tội Dâm ô trẻ em.

Cụ thể hóa hành vi dâm ô trẻ em

Cũng theo Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP, dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của BLHS 2015 sửa đổi là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau:

Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).

Từ 5/11/2019, hành vi hôn vào miệng, cổ, vai người dưới 16 tuổi là phạm tội Dâm ô trẻ em.

Như vậy, hành vi hôn vào miệng, cổ, vai người dưới 16 tuổi cũng sẽ bị quy vào tội Dâm ô. Đây là một trong 5 dấu hiệu cấu thành hành vi dâm ô đối với trẻ em được nêu trong Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP.

Thế nào là hành vi quan hệ tình dục khác?

Bên cạnh đó, một trong những điểm đáng chú ý là Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP đã đưa ra cách giải thích như thế nào là hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại Khoản 1 Điều 141, Khoản 1 Điều 142, Khoản 1 Điều 143, Khoản 1 Điều 144 và Khoản 1 Điều 145 BLHS.

Theo đó, hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi,…) dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi: Đưa bộ phận sinh dục nam vào miệng, hậu môn của người khác; Dùng bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP còn quy định, nhiều người hiếp một người (khoản 2 Điều 141 và điểm b khoản 3 Điều 142 của BLHS 2015) là trường hợp 2 người trở lên hiếp dâm 1 người. Cũng được coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 2 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau hiếp dâm 1 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 1 người thực hiện được hành vi hiếp dâm.

Không coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 2 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 1 người hiếp dâm (trường hợp này là đồng phạm).

Về việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi, thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;

 Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác. Trong quá trình xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại.

Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành từ 5/11/2019.

Nguồn anninhthudo

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh