Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồng treo gió
Thứ bảy: 23:35 ngày 25/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Teng! Teng! Lại có tin nhắn. Vân ghé mắt vào màn hình điện thoại rồi để đó. Hai tháng nay bao nhiêu tin nhắn Zalo gửi đến Vân cũng lơ đi.

Bên này trời mới vào đông chưa quá lạnh để có tuyết rơi.

Vân lẩm nhẩm trong đầu. Mùa đông này nữa là hai năm trên đất khách. Một hành trình dài như đoàn tàu lao hun hút mà mỗi cột mốc thời gian như một ga dừng chân. Tàu mới rời ga đầy ắp niềm hy vọng, những viễn cảnh tươi đẹp, những khung trời mộng mơ. Qua mỗi ga xép những mơ tưởng đó bốc hơi dần… Vân đang đi đến những ga cuối cùng của cuộc hành trình. Những niềm hy vọng dần tan như những bông tuyết trắng ngần khi mùa đông qua trong khi gánh nặng ngày càng trĩu. Trĩu không chỉ trên đôi tay, đôi vai mà trong cả những lúc ăn, trĩu vào cả những giấc mơ…

*

Gió rít từng đợt. Cây liễu bên bờ sông run rẩy những lọn tóc dài. Mùa đông năm trước nơi này xảy ra một câu chuyện thương cảm. Vân sực nhớ đã lâu mình không đến thăm Linh.

- Linh đã làm những gì từ khi đến đây? Vân nhớ mình hỏi Linh khi cả hai qua triền sông xôn xao những cây liễu.

- Tôi đã theo tàu cá xa khơi đánh bắt cá ngừ đại dương, những chuyến lênh đênh trên biển cả tháng trời. Tôi đã xuống tận vùng phía Nam trồng dâu, ngược lên mạn Bắc làm trong nhà máy hoá chất sản xuất chất tẩy rửa. Tôi đi khắp chốn vì đã xác định qua đây là để làm việc kiếm tiền. Mà những người từ xa đến như Vân và tôi đâu có quyền lựa chọn. Chúng ta phải làm những công việc mặc định là dành sẵn cho người lao động tha hương... Nhiều lúc quá nản muốn buông mà nghĩ tới số tiền gia đình vay nộp tiền ký quỹ nếu về trước thời hạn là mất trắng.

Vân nhìn chàng trai đứng trước mặt gầy gò, nhỏ thó, má hóp, mặt đầy mụn… Tin nổi không chàng thanh niên cường tráng hôm nào giờ gầy rạc ốm yếu phải làm một nghề nặng nhọc và bất trắc như vậy.

*

Mình đi nhé! Linh chìa tay để bắt tay Vân.

Đợi đã! Vân chạy vào nhà đem ra chiếc hộp: Cầm theo nhé Linh. Linh đi mạnh giỏi.

Đưa Linh ra đến bờ sông. Linh chìa tay bắt tay Vân lần nữa. Vân đưa tay hờ hững.

- Linh đi nhé! Có gì nhớ liên lạc.

Vân quay gót không ngoái lại không nhìn thấy ánh mắt Linh nhìn theo tha thiết, giữa hai người có thân nhau nhiều chưa. Khoảnh khắc đó Linh muốn ôm Vân thay lời từ biệt mà không ngại ngần sợ Vân cho là quá suồng sã. Khi ấy Linh cần lắm một một bờ vai.

- Thanh niên trai tráng phải mạnh mẽ lên! Linh nhớ ba hay bảo vậy.

 Nhưng lẽ nào người con trai không được quyền có những phút yếu đuối đến gục ngã. Lúc ấy lời an ủi, sẻ chia của người mình yêu thương, tin tưởng sẽ thổi ngọn lửa yêu đời nhen nhóm rồi bừng cháy.

Linh sẽ nói với Vân những điều Linh nghĩ nhưng không phải lần này.

Những bông tuyết bay bay lơ lửng, gió tạt qua bông tuyết bay xiên xiên không còn theo quỹ đạo ban đầu. Tạm biệt Vân rồi giờ Linh sẽ đi đâu.

*

Đừng gửi hồng treo gió về nữa con ạ!

Chắc là mẹ nhờ người gửi tin. Vân không buồn mẹ, mẹ đã một đời vì chồng vì con. Vân thấy buồn cho mình, buồn cho Linh, buồn cho phận người tha hương. Nỗi buồn lửng lơ như bông tuyết bay bay, chạm vào da lạnh buốt. Vân giữ trong lòng nỗi buồn riêng không chia sẻ cùng ai. Vân không phải là người quá khép kín nhưng nếu nói ra khi người bên cạnh cũng đang trĩu nặng nỗi buồn tương tự liệu rằng có quá ích kỷ.

Vân ngọ nguậy chân cho đỡ tù, tay lia dao bào trên những quả hồng, nhanh nhưng hết sức cẩn thận, nếu sơ sẩy chiếc cuống rơi ra, quả hồng còn rất đẹp đó phải bỏ đi… Vân nghĩ về hộp hồng khô gửi tặng Linh mùa trước, những quả hồng phủ lớp phấn trắng như tuyết, dẻo, ngọt thơm.

*

“Tôi muốn nói với Vân thật nhiều mà Vân đâu có gì vui hơn. Hai người từ hai vùng quê khác cùng gặp nhau nơi đất khách. Chúng tôi ra đi bỏ lại sau lưng quê hương, người thân và…”- mắt Vân nhoè đi, cô lấy khăn lau nước mắt loang trên dòng chữ.

Vân thấy nhớ mẹ, nhớ làng quê da diết. Làng quê ấy bình dị như mọi làng quê trên toàn cõi Việt Nam nhưng có lẽ với Vân- một người xa quê- tình yêu đậm sâu hơn. Làng quê ấy nắng chang chang là đặc sản mà thiên nhiên dành cho. Cái nắng gay gắt nhuộm màu da con gái đen giòn mà Linh có lần bảo yêu màu da bánh ít của Vân. Bao thế hệ trong làng dựa vào cái nắng ấy mà nuôi nghề, làm nghề. Vân thấy nhớ nắng vàng trải trên những vỉ tre phơi bánh tráng, những thau muối ớt đỏ au im lìm hong nắng. Bên này đông về rồi, mặt trời nấp sau những đụn mây bàng bạc, cả bầu trời u ám, người con gái quê nhớ nắng, nhớ khi ngồi hong tóc thơm thoang thoảng mùi chân quê: hương nhu, bồ kết trong ánh nắng chiều xuyên vào cửa sổ. Nhớ mênh mông. Nhớ bềnh bồng.

Đã vào những ngày cuối cùng của năm dương lịch, rồi sẽ khép lại năm âm lịch. Giở này mẹ ngồi bên chiếc lò đắp từ đất sét khum khum tròn, lò dùng trấu. Mỗi lần nhóm lò, khói xông dày đặc xộc lên mắt nước mắt mẹ lại giàn giụa như khi xem những lớp cải lương quá buồn. Nếu còn ở nhà, khi mẹ lát bánh đầy vỉ, Vân sẽ mang ra phơi. Với những ngày cuối năm, chừng hai nắng bánh sẽ khô có thể ngồi gỡ xếp thành từng ràng gồm một trăm bánh. Những chiếc bánh hằn những vân hằn dấu những nan tre… Những chiếc bánh tránh từ tay mẹ, tay Vân sẽ đi xa có khi tận một chân trời nào đó vượt qua  biên giới Việt. Chiếc bánh quê đi đến nơi nào trên thế giới có những người con xứ Việt...

*

“Quê hương nếu ai không nhớ?”

Ừ! Ai mà không nhớ cho được.

Dòng chữ Linh nghiêng nghiêng, nét chữ đàn ông mạnh mẽ dứt khoát. Linh nhớ về một vùng quê Bắc Trung bộ. Con sông ấy có màu xanh không nhỉ mà người ta hay gọi sông Lam. Con sông lờ lững chảy qua vùng quê đất không bao giờ được nghỉ, quanh năm người dân miệt mài cày cấy mà không thể làm giàu trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Phải đi thôi. Tìm một công việc để mưu sinh và khát khao sẽ ăn nên làm ra. Khao khát ấy, nguyện vọng ấy là chính đáng. Bao người trong làng lang bạt khắp xứ người. Giờ đến lượt Linh.

*

- Lâu rồi Vân không đến thăm Linh- giọng Nghệ trầm trầm của Linh nhẹ nhàng quá mà Vân thấy hàm chứa cả trách móc.

Vân giật mình thức giấc, trăng ngoài kia sáng quá. Ở đây thời gian đi trước bên nhà đúng hai giờ đồng hồ. Mười một giờ khuya bên này, bên nhà đã sang ngày mới và trăng phía bên nhà có vằng vặc soi?

Vân nhẩm cũng gần một năm rồi chưa đến thăm Linh. Đã là gì của nhau đâu mà sao cứ hoài nhớ… Có lần Linh nói như lời hẹn mà Vân không dám gật đầu cũng không biết nói sao đành giữ im lặng.

- Linh sẽ đưa Vân về thăm quê, đi dọc đất học Thanh Chương, có dòng sông Lam nằm khuất nẻo, một bên là triền đê, thăm đảo chè Thanh An, thăm cả những gì gắn với tuổi thơ để Vân hiểu hơn về Linh, cùng ăn nhút và tương bần dân dã. Ngắm những dãy núi trùng trùng điệp điệp kéo dài tận biên giới Việt - Lào, biết thế nào là gió Lào bỏng rát…

*

Vân có chút cảm tình nào với Linh không? Vân tự hỏi trong những đêm mất ngủ. Giữa hai người có chút tình cảm riêng tư hay chỉ đơn thuần là tình đồng hương.

Có hay không? Không thể trẻ con như hồi bé bẻ đoá hoa trang rừng rồi ngắt từng bông hoa rồi bói: yêu hay không yêu? Không yêu hay yêu?

Vân cũng chưa tự tìm ra câu trả lời. Chỉ biết những ngày Linh theo đoàn tàu đánh cá ra khơi vào ngày mùa đông mưa triền miên, giấc ngủ Vân chập chờn không yên. Nỗi lo như chiếc bánh đa phập phồng trên  than đỏ… Linh đã trốn ra ngoài làm việc sau nhiều tháng đơn vị đối tác đưa đi không giới thiệu việc làm như cam kết hồi trước khi sang đây. Nhưng việc tự ý bỏ ra ngoài làm việc đã là bất hợp pháp.

*

- Mời cô theo chúng tôi về đồn để hợp tác điều tra một việc có liên quan.

Vân nhìn viên cảnh sát hơi bối rối.

- Tôi có thể biết chuyện gì không? - Linh hỏi lại...

Khi Linh và hai cảnh sát đi qua những dãy phòng trong khu trọ công nhân. Có tiếng xì xầm của người bản xứ và cả những người đến ở trọ.

- Chắc lại làm việc phi pháp gì đó.

- Phi pháp gì?

- Ăn cắp, ăn trộm vặt.

- Hay trốn ra ngoài làm việc không được cấp phép?

Linh bình thản đi qua, những lời bình phẩm kỳ thị kiểu như vậy cô nghe quen nên không thể gây sốc. Người ta nhìn vào thân phận người nhập cư làm việc kiếm tiền không hề có chút thiện cảm hay dành cho những suy nghĩ đánh giá tích cực. Những con người như Vân hay Linh lầm lụi miệt mài ngày đêm làm việc chỉ nghĩ đến kiếm thật nhiều tiền gửi về cho gia đình.

*

“Mình qua đây mơ hồ sẽ được làm việc trên những dây chuyền hiện đại học những công nghệ tiên tiến. Nhưng rồi vỡ mộng... những việc người bản xứ không làm sẽ được phân công cho chúng tôi”. Vân lại đọc những dòng chữ Linh viết... ở đất khách quê người, những người tha hương như Linh hay Vân đều có quyển nhật ký. Viết là tự tâm sự với chính mình vì ít có ai để mà nghe. Ai cũng có nỗi niềm riêng của họ. Những ngày thức dậy từ  sáng sớm đi làm đến khuya muộn về đến nhà chỉ muốn ăn vội chút gì rồi gục xuống giường mà thiếp đi...

Vân từng như Linh nghĩ nhiều về viễn cảnh tương lai, cố gắng đi làm xa, mong dành dụm ít tiền lo về sửa lại ngôi nhà từ đường gần bảy mươi năm đã bắt đầu rệu rã... Không ai buộc Vân phải có trách nhiệm nhưng nhìn quanh mẹ quanh năm ngồi bên lò bánh, đau lưng nhức mỏi chỉ đủ tiền mua thức ăn. Còn ba Vân ngày ngày làm ruộng, làm vườn vẫn quanh năm thiếu hụt vì tiền phân thuốc có khi xấp xỉ tiền bán nông sản. Theo tháng năm chồng chất, ba mẹ đã già yếu rồi. Phận làm con, Vân phải nghĩ...

*

Đừng đi con! Ở nhà với ba mẹ. Có gì đâu! Ở nhà rau cháo mà được gần nhau. Đi xa làm gì con…

Lời mẹ da diết quá nhưng Vân đã quyết rồi. Vân mơ một công việc làm ổn định, thu nhập cao ở một xứ sở phát triển... Vân mơ những khung cảnh đẹp như trong tranh, hoa tuyết bay, sân thượng cao cao giăng giăng những dây hồng treo tựa những chiếc đèn lồng màu cam nhỏ xíu....

Vân vẽ bằng suy tưởng của cô gái mười tám tuổi non nớt chưa từng va chạm, hồn nhiên trong trẻo... chưa từng đổ vỡ hay thất vọng điều gì.

*

Vân xoa xoa nắn nắn những quả hồng đã treo mấy hôm để cho hồng được dẻo đều, xa xa những cây phong rực rỡ màu lá đỏ... là phút hồi dương trước khi tàn lụi... Vân da diết nhớ quê mình đã vào mùa sắp tết, cánh rừng cao su mùa cuối năm, những chiếc lá cao su mùa này cũng rực rỡ đỏ cả cánh rừng chuẩn bị cho mùa lộc mới... Khi đó, Vân sẽ không phải thức đêm, dậy sớm để đi cạo mủ vì đó là mùa nhựa cây dồn nuôi những chồi non...

Cuối tuần này sẽ đến thăm Linh. Chẳng có gì đem theo ngoài hồng treo gió...

*

Chuông chùa đổ từng hồi.

Linh tần ngần đứng trước chánh điện ngôi chùa của người Việt Nam trên đất khách.

- Con khoẻ không? Sư thầy hỏi. Lâu rồi con không tới, từ ngày Linh về đây.

- Dạ con ổn thầy ạ. Con muốn vào thăm Linh.

Mắt Vân cay cay. Tôi có đem hồng treo gió đến đây! Vân nói thầm.

*

- Cô là gì của Linh?

- Ý anh là sao tôi không hiểu? - Vân hỏi lại.

- Chúng tôi muốn biết mối quan hệ của cô và Linh.

- Tôi là bạn thân của Linh - Vân ngập ngừng...

- Linh đã xảy ra chuyện gì sao?

- Anh ấy đã treo cổ ở gốc liễu bên bờ sông.

- Vì anh ấy không có ai thân thích bên này nên...

Vân rẽ qua bờ sông, cây liễu phất phơ mái tóc dài buông thõng. Gió thốc bung mái tóc đen nhánh của Vân. Vân da diết nhớ Linh viết khi đi đâu cũng nhớ về mái tóc đen huyền bóng mượt, thơm mùi đồng nội bởi Vân đã mua bồ kết và hương nhu khô từ người bạn làm chung công ty từ quê nhà đem qua... Linh đã tìm đến cái chết... trong một cơn tuyệt vọng bế tắc khi người chủ tàu có ý định tìm người khác thay thế vì thể lực của Linh không còn phù hợp công việc khắc nghiệt ấy nữa. Những quả hồng treo gió trong chiếc túi Linh mang theo được gửi lại Vân cùng quyển nhật ký. Linh đã ăn được một ít, có một quả hồng còn ăn dang dở.

*

Con ơi! Mấy tháng nay con không gửi tiền về, ba mẹ không có tiền đóng lãi ngân hàng nên ba đã phải thế chấp miếng ruộng.

Mẹ lại nhờ người nhắn tin.

Gió... Sân thượng đầy gió... Tuyết bắt đầu giăng giăng... Lạnh lẽo....

Phong đỏ. Tuyết trắng... Đúng là khung cảnh thơ mộng mà Vân từng mơ nhưng Vân không còn xuýt xoa như lần đầu gặp... Chỉ thấy buồn thương cho mình, cho Linh cho những người trẻ dấn thân mong mỏi một cuộc đổi đời khi còn quá trẻ. Không ai nói để họ biết đâu có thiên đường trên mặt đất, làm gì có nơi nào có công việc thoải mái, thu nhập cao. Ngay cả người dân bản xứ còn mang nỗi lo thất nghiệp và lao động cật cực để được chủ doanh nghiệp giữ lại đến nỗi kiệt sức hoặc không chịu nổi áp lực, đành chọn giải pháp tiêu cực là chấp nhận sự không còn tồn tại vĩnh viễn trên cõi đời này.

Vân đã có những ngày sống không bằng chết. Người ta đưa cô tới một công ty chế biến cá. Nhiệt độ nơi làm việc lạnh lẽo dưới không độ. Vân lạnh toát người không phải vì nhiệt độ phòng mà những con dao sắc lẻm chỉ cần lướt nhẹ là những xớ thịt được lát mỏng. Nghĩ đến những tai nạn lao động mà người quản lý xưởng cảnh báo thôi Vân cũng thấy mình sợ đến cóng tay.

Từ mờ sáng Vân tới công ty, những người làm chung và Vân mặc trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang kín mít, không ai buồn nói chuyện với ai, cứ lầm lũi làm việc như những robot. Người cắt đầu cá ngừ, người lóc xương, người lạn da... Vân có thắc mắc vì sao không được làm việc như đã giao kết khi còn ở Việt Nam. Họ bảo sẽ sắp xếp nhưng rồi lại lờ đi...

Những người đi lao động xa nhà như Linh và Vân còn để lại quê nhà một gánh nặng. Họ nghèo không có tiền ký quỹ phải vay ngân hàng. Nếu công việc bên này suôn sẻ sẽ có tiền gửi về đóng lãi nhưng chỉ cần bất trắc xảy ra là bên nhà sẽ áp lực nợ nần.

*

Con ổn không?

Con nhớ dành dụm gửi về phụ gia đình trả lãi. Ba mẹ không kham nỗi nữa...

Những tin nhắn như vậy ngày ngày cứ được gửi tới... Vân sợ. Hoàn cảnh của Vân hiện nay khó mà nói hết cùng ba mẹ. Vân bảo mạng chập chờn không thể nào thực hiện những cuộc gọi video.

*

Vân theo sư thầy vào trong hậu liêu, khói nghi ngút... Bài vị Linh viết bằng lối chữ thảo ghi gọn tên và số tuổi nằm trong một số những bài vị của những người trẻ khác, nam có, nữ có. Những tấm ảnh thẻ được dán lên bài vị, những ánh mắt rạng rỡ yêu đời, khuôn mặt sáng bừng niềm hy vọng. Họ ra đi khi còn quá trẻ, có người còn chưa biết đến cả nụ hôn đầu đời như Linh... Gia đình họ quá khó khăn không thể đem về. Sư thầy người Việt đã tập hợp họ về đây, những con người khi sống từ những vùng miền khác nhau quây quần lại trong không gian bé nhỏ. Khói nhang nghi ngút, tiếng mõ cầu kinh hằng đêm có làm linh hồn họ thôi lạnh lẽo.

Linh ra đi một đêm tuyết rơi dày, đêm ấy nhiệt độ xuống âm độ... Linh đã ra bờ sông viết những dòng trong nhật ký trong đó có những dòng viết về Vân.

Vân đã ôm hài cốt Linh đến chùa Việt Nam trên đất khách.

*

Lạnh quá. Vân trở mình. Muốn ngồi dậy tắt chuông báo thức mà bất lực. Càng cố càng không thể. Vân với lấy điện thoại gọi vào số cấp cứu...

Nước mắt Vân chảy không dừng khi bác sĩ bảo cô bị đột quỵ. Cô không thể tự đi lại một thời gian... muốn di chuyển phải nhờ vào xe lăn...

Vân không nghĩ nhiều về bệnh tật, chỉ nghĩ nếu không đi lại đồng nghĩa không thể làm việc không có thu nhập gửi về quê. Ba mẹ sẽ vất vả chạy vạy để có tiền trả ngân hàng.

*

- Con tính thế nào?

Vân nghĩ mãi về lời thầy trụ trì chùa hỏi: - Có lẽ con phải về quê thầy ạ!

Nước mắt Vân hồn nhiên chảy. Con từng mong mình mau khoẻ để làm việc giúp nhà trả số tiền nợ đã vay để làm thủ tục con sang đây nhưng có lẽ phải một, hai năm nữa...

Vân biết ba mẹ sẽ sốc khi biết tình trạng cô hiện nay. Hồng treo gió chỉ đủ cô mua được chút thực phẩm ăn uống hằng ngày... không là nguồn thu nhập lâu dài. Mấy hôm nữa mùa hồng kết thúc cũng là lúc cô không còn chi để làm việc vừa đỡ cảm giác buồn tay, buồn chân, xoá đi mặc cảm vô dụng. Đó không là sinh kế dài lâu...

*

- Mẹ ơi!

Lần đầu tiên sau một năm Vân mới chủ động gọi cho mẹ.

- Bên nhà khoẻ không mẹ? Bánh tráng mẹ làm mùa này đều không?

- Ba khoẻ không?

Vân hỏi liên tục khoả lấp đi những suy nghĩ.

Nói hay không?

Mới nãy còn nhẩm sẵn trong đầu những câu nói như một kịch bản có sẵn mà bây giờ không biết nên nói gì như diễn viên không thuộc thoại....

Có lẽ con về quê mẹ ạ! Vân mãi mới thốt lên, hình dung bên nhà mẹ đau đớn vì thương con đến quỵ ngã.

*

Đoàn tàu lao đi qua những cánh đồng, những ngôi làng, những vách núi, những con sông, có lúc trườn ra mé biển... Vân ngồi trong toa tàu đầy khách mà cứ ngỡ như chỉ có một mình. Những dòng suy nghĩ loé lên, loé lên như những tia chớp. Sẽ làm gì cho những ngày còn lại? Vân sẽ tìm công việc gì đó để làm trong thời gian tập vật lý trị liệu để dần bình phục... Trưa nay tới ga Vinh, Vân sẽ hoàn thành thêm nửa tâm nguyện còn lại Linh đã gửi gắm là đưa hài cốt về đến nơi chôn nhau cắt rốn. Linh đã viết những dòng cuối mong Vân đưa Linh về lại quê nhà, đưa Linh qua đảo chè Thanh An- nơi những ngày trước Linh làm người đưa đò cho khách tham quan ra những ốc đảo xanh thơm ngát, trong lành, đưa Linh ngược một đoạn sông Lam và đi dạo trên đoạn đê chiều ngắm những cánh diều căng gió bay bổng cùng ước mơ.

Vân nói tâm nguyện sau cùng của Linh là tro cốt sẽ được gia đình rải xuống dòng Lam để chút tro bụi đó cùng với phù sa theo con nước vun đắp thêm những bãi bồi màu mỡ. Nhưng gia đình Linh không chấp nhận vì mẹ Linh nói khi sống con đã trôi dạt khắp nơi rồi giờ chiều ý mẹ đừng phiêu bạt nữa...

Vân vẫy tay chào ba mẹ Linh, bước lên đoàn tàu đi về miền ngập nắng. Vân thì thầm với chính mình mà như nói cùng Linh. Dù gì đi nữa tôi vẫn sẽ chọn là được sống.

T.Q.T

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục