Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Họp Ban chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế-xã hội tỉnh
Thứ bảy: 20:32 ngày 03/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 2.3, tại Hội trường Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế-xã hội tỉnh giai đoạn 2017 – 2021 (gọi tắt là Ban chỉ đạo) tổ chức họp để nghe các Nhóm công tác báo cáo kết quả hoạt động trong tháng 1, tháng 2.2018 và phương hướng nhiệm vụ của tháng 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân chủ trì cuộc họp. Tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cùng thành viên Ban chỉ đạo, các Nhóm công tác và Tổ thư ký.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp.

Sớm ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước

Theo Nhóm công nghệ thông tin (CNTT), ngày 23.2.2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 522/QĐ-UBND về Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2018. 

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT-TT) đang phối hợp với các sở, ngành để triển khai nội dung của kế hoạch này, trong đó tập trung vào triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử mà UBND tỉnh đã phê duyệt.

Đối với việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), anh Trương Minh Huy Vũ- Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, lãnh đạo nhà trường đã làm việc với Sở NN&PTNT Tây Ninh và thống nhất một số vấn đề, trong đó tập trung vào 2 việc: một là hệ thống quản lý vùng chuyên canh, phân loại các vùng chuyên canh của tỉnh, bằng việc ứng dụng CNTT trong quản lý, qua đó biết được thông tin về sản lượng, quy trình canh tác, thời tiết, để cung cấp cho cơ quan quản lý nắm được thông tin, dần dần gắn kết các nông trại và người nông dân.

Thứ hai là sử dụng phần mềm nhận diện sâu, dịch bệnh để từng bước hướng dẫn nông dân, cung cấp thông tin, cảnh báo những nguy hại sớm nhất có thể.

Về phía Nhóm Nông nghiệp cho biết, tổng diện tích đất nhà nước đang quản lý và có thể cho thuê ngay quyền sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư các dự án NNCNC là 646,33 ha, tại 9 điểm sản xuấtxã Hưng Thuận (Trảng Bàng) 82,4 ha; các xã Tân Hội 160 haTân Đông 123,73 haSuối Dây (huyện Tân Châu) 80,3 ha; xã Ninh Điền 94,24 ha và xã An Cơ (Châu Thành) 13,2 ha; các xã Phước Ninh 24,5 ha, Bàu Năng (Dương Minh Châu) 50,2 haxã Trường Hòa (Hòa Thành) 17,76 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu tại cuộc họp.

Bên cạnh đó, tổng số vùng được đề nghị công nhận sản xuất NNCNC có 7 vùng với diện tích 4.811,5 ha, gồm: trang trại bò sữa 685 ha; mía nguyên liệu phục vụ chế biến 1.756,5 ha; dược liệu 20,5 ha; sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi an toàn 29,5 ha; cây ăn quả 520 ha; sản xuất mãng cầu 1.800 ha.

Ngoài ra, tổng số vùng đề nghị quy hoạch sản xuất NNCNC là 8 vùng và 5 điểm sản xuất với diện tích khoảng 6.067 ha. Về xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy Tanifood, hiện Công ty Cổ phần Lavifood đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông vận động nông dân, doanh nghiệp có quỹ đất tham gia chuỗi giá trị để phát triển vùng nguyên liệu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng- Nhóm trưởng Nhóm phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông có đề xuất, kiến nghị: đối với dự án đường Đất Sét – Bến Củi, để không ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân năm 2018, Nhóm đề xuất với Ban chỉ đạo làm trước đoạn từ Ngã ba Đất Sét đến hết cầu K8, dự kiến chiều dài khoảng 6,7 km, qua tính toán ước khoảng 150 tỷ đồng.

Khi nào tỉnh Bình Dương có kế hoạch hỗ trợ thì sẽ thực hiện phần còn lại, nhằm đảm bảo tính liên tục, giải quyết  được vấn đề ách tắc trong những giờ cao điểm của đoạn đường này.

Cần thay đổi phương thức làm việc

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho biết, đối với lĩnh vực CNTT, hiện nay, chúng ta đang định hướng xây dựng theo 4.0, có nền tảng là xây dựng chính quyền điện tử, các ngành cũng đang triển khai rất nhiều ứng dụng trên các lĩnh vực khác nhau.

Sở TT-TT phải khẩn trương tham mưu đề án xây dựng chính quyền/thành phố 4.0 để từ đó có định hướng. Trong quá trình triển khai chính quyền điện tử thì sẽ gắn vào đó, để sau này không bị tình trạng phân tán, manh mún về dữ liệu.

Mặt khác, trong xây dựng chính quyền điện tử, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, nhất là ngành chuyên môn đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

Hiện nay, chúng ta chỉ ứng dụng CNTT trên bề nổi là nhiều, còn ứng dụng sâu trong từng ngành, đi vào tin học hóa, số hóa còn rất chậm. Do đó, cần phải thay đổi phương thức làm việc trong nội bộ các ngành chuyên môn”- Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Về lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Thành Tâm cho rằng cần phải lôi kéo nông dân cùng tham gia, đây cũng là mục tiêu đặt ra để xây dựng chuỗi. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp phối hợp với Nhà máy Tanifood khuyến khích, vận động nông dân tham gia vào chuỗi. Để làm được điều này thì phải giải quyết được những khúc mắc giữa nông dân với nhà máy và cơ quan quản lý nhà nước.

Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm thông tin điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cho biết, Thường trực Ban chỉ đạo ghi nhận những kiến nghị của các đại biểu và sẽ chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, các kiến nghị này sẽ được lồng ghép vào các nhiệm vụ trong tháng 3 để chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới.

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Tấn Tài báo cáo kết quả hoạt động của nhóm hạ tầng giao thông.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty Lavifood khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trại sản xuất giống thực nghiệm để thực hiện các thủ tục cho thuê đất. Đồng thời phối hợp với các địa phương và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn để triển khai phát triển mạnh vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, trong đó lưu ý chính sách đầu tư thu mua sản phẩm cần quy định cho rõ ràng để phát triển tốt vùng nguyên liệu.

Công việc trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở TT-TT phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng Đề án thành lập Trung tâm thông tin điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó lưu ý đến hiệu quả sử dụng; đặt địa điểm hợp lý; xây dựng các đề án khung; đưa ra một số lĩnh vực cần ưu tiên để phân tích, dự báo tình hình. Ngoài ra, cần phải đưa Trung tâm Hành chính công hoạt động vào đúng ngày 15.3.2018.

Trong tháng 3.2018, UBND tỉnh sẽ xem xét tiêu chí đấu giá thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp ở các vùng đất để thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời cũng rà soát, quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng hạ tầng, kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, có cơ sở để các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn các nhà đầu tư ở các dự án nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Nhóm Nông nghiệp nghiên cứu, tiếp cận thông tin về việc xây dựng NNCNC giá rẻ để xây dựng tốt nền nông nghiệp tại địa phương.

Về hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý Sở Giao thông vận tải kiểm tra thường xuyên tiến độ thi công của một số dự án. Đối với các dự án trọng điểm của tỉnh như đường Lý Thường Kiệt, Sở Giao thông vận tải và Nhóm hạ tầng tập trung cùng với Huyện ủy, UBND huyện Hòa Thành nâng cấp, mở rộng nhanh tuyến đường này.

Với đường 30/4, tiếp tục triển khai thực hiện các bước còn lại theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt, trong đó, TP.Tây Ninh cần lưu ý đến vấn đề giải phóng mặt bằng vì hiện nay tiến độ giải phóng mặt bằng, chi trả còn rất chậm. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải phải thường xuyên làm việc với các bên liên quan để đảm bảo được tiến độ thi công, chất lượng thi công và đảm bảo an toàn giao thông...

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục