Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 14.5, tại TP Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tây Ninh, Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam tổ chức buổi họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố Vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh và chuỗi sự kiện: Lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tây Ninh, Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam chủ trì buổi họp báo.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc toàn cầu tập đoàn Hoàng gia De Heus; ông Vũ Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam đồng chủ trì phiên họp báo.
Xây dựng vùng ATDB là cần thiết
Phát biểu khai mạc tại buổi họp báo, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ, Tây Ninh là địa phương có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp với địa hình bằng phẳng, thời tiết khí hậu ôn hòa, ít bị hạn hán, lũ lụt. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng và các tuyến kênh, dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông bảo đảm tỉnh luôn có được nguồn nước tưới ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, một số vùng chuyên canh cây trồng như: cao su, mía, mì, mãng cầu, lúa, rau màu... đã hình thành và phát triển ổn định.
Tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp tại Tây Ninh rất lớn, tuy nhiên việc thực hiện sản xuất nông nghiệp UDCNC trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều hạn chế, thách thức như: Liên kết sản xuất – tiêu thụ chưa chặt chẽ, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước có nhiều biến động, giá cả thiếu ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, nhất là giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Nhằm vượt qua những hạn chế, thách thức nêu trên, ngày 2.6.2023, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus tổ chức thành công Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023.
Tại sự kiện này, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh. Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Việc đầu tư sản xuất hình thành vùng an toàn dịch bệnh nhằm cung cấp nguồn con giống có chất lượng tốt, sạch bệnh, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ giúp ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững theo hướng tập trung công nghiệp, với các trang trại có quy mô lớn, hiện đại, an toàn sinh học là rất cần thiết.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.
Qua sự kiện này, UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được, thể hiện sự năng động, chuyên nghiệp và kinh nghiệm của mình để sớm hiện thực hóa các nội dung ký kết trong Bản ghi nhớ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Về phía tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thông qua sự kiện này, lãnh đạo UBND tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có uy tín, tâm huyết và thực sự mong muốn đầu tư tại Tây Ninh sẽ mạnh dạn, chủ động xem Tây Ninh là điểm đến đầu tư tiềm năng để cùng hợp tác hướng đến sự phát triển bền vững.
Tại họp báo, ông Gabor Fluit Tổng giám đốc toàn cầu tập đoàn Hoàng gia De Heus chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh, phân chia, cách ly các khu vực bị nhiễm bệnh hiệu quả nhằm tránh dịch bệnh lây lan sang các khu vực khác. Đặc biệt, phân vùng an toàn dịch bệnh theo khái niệm của OIE, để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu thịt sang nước khác một cách an toàn, tránh được các rào cản thương mại về an toàn thực phẩm. “Nếu làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt heo qua Nhật, Hàn Quốc, thậm chí có thể xuất khẩu ức gà sang châu Âu. Hiện giá trị ức gà Châu Âu cao gấp 2-3 lần ở Việt Nam”.
Tổ chức Chuỗi sự kiện đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi
Bên cạnh lễ công bố Vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh, ông Vũ Mạnh Hùng cũng đã chia sẻ thêm về chuỗi các sự kiện được tổ chức đồng loạt trong ngày 19.5. Đó là lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 có tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal. Sự kiện cũng là hoạt động nằm trong chương trình hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp báo.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam chia sẻ thêm, sự kiện tại Tây Ninh hứa hẹn một sự kiện vô cùng đặc biệt với những điểm nhấn như: Quy mô ấn tượng (Công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030, thể hiện tầm vóc và tiềm lực của DHN).
Song song với chuỗi sự kiện chính là lễ ký kết 2 Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus và các đối tác gồm: Khảo sát, đầu tư xây dựng nhà máy ấp con giống hiện đại, công nghệ cao, xây dựng trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, cung cấp sản phẩm vịt giống và vịt thịt; triển khai kế hoạch hợp tác, xây dựng và phát triển liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm gia cầm theo tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu đi thị trường quốc tế.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, chuỗi sự kiện được tổ chức trong ngày 19.5 là “bước chạy đà” đầu tiên của chiến lược hợp tác mới giữa Hùng Nhơn với De Heus. Theo đó, 2 tập đoàn cùng các thành viên sẽ xây dựng chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn. Trong chuỗi liên kết này, 2 “đầu tàu” là De Heus và Hùng Nhơn cùng hệ thống liên kết chuỗi bao gồm: DHN, Bel Gà, Green Chicken, Visakan, Big Duchtman, Bio Agritech HN. Đây cũng là hướng đi đang được các tập đoàn toàn cầu theo đuổi, đó là mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”. Dự kiến, mô hình này sẽ đạt doanh thu hàng tỷ USD vào năm 2030.
Ông Gabor Fluit Tổng giám đốc toàn cầu tập đoàn Hoàng gia De Heus phát biểu tại buổi họp báo.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện De Heus và Hùng Nhơn đã công bố thông tin về Quỹ từ thiện DHN. Theo đó, Giám đốc điều hành Quỹ là bà Vũ Lê Đan Thùy, Giám đốc Đối ngoại của Tập đoàn Hùng Nhơn; Gương mặt đại diện của Quỹ là Hoa hậu Việt Nam năm 2020 Đỗ Thị Hà. Được biết, Quỹ Từ thiện DHN có quy mô 30 tỷ đồng với sứ mệnh cải thiện và nâng cao đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; và tổ chức các chương trình khám sức khỏe định kỳ.
Nhi Trần – Minh Dương