Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hợp tác chuyển giao kỹ thuật y khoa: Nhiều thành tựu đáng ghi nhận
Thứ hai: 00:05 ngày 30/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm, từ năm 2022 ngành Y tế tỉnh đã không ngừng nhận chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu về ngoại khoa.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu- Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ việc hợp tác, chuyển giao kỹ thuật y khoa để nâng cao hiệu quả điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Sau 1 năm thực hiện hợp tác chuyển giao kỹ thuật y khoa, ngành Y tế Tây Ninh đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Tỷ lệ chuyển tuyến tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh giảm đáng kể, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế được học tập chuyên môn, nâng cao tay nghề về kỹ thuật ngoại thần kinh, kỹ thuật nội khoa và điều trị đột quỵ.

Rút ngắn khoảng cách và thời gian

Cuối tháng 7.2022, Sở Y tế Tây Ninh và Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh) ký kết thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyên môn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trong khám, chữa bệnh (KCB) để đội ngũ y, bác sĩ được học hỏi, trau dồi chuyên môn, giúp người dân Tây Ninh dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, rút ngắn khoảng cách và thời gian điều trị, từng bước đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân trên địa bàn tỉnh.

Tháng 9.2022, phòng khám chuyên khoa Tim mạch, Nội tiết và Thần kinh- Đột quỵ do các bác sĩ chuyên gia BV Nhân dân 115 phụ trách được triển khai tại BVĐK tỉnh. Nói cách khác, đây là phòng khám vệ tinh của bác sĩ chuyên gia BV Nhân dân 115 được mở ra tại Tây Ninh vào thời điểm sau dịch Covid-19. Sau khi 3 phòng khám chuyên khoa được thành lập, ngoài bác sĩ chuyên khoa của BVĐK tỉnh, các bác sĩ, điều dưỡng thuộc trung tâm y tế huyện có cơ hội tiếp cận kỹ thuật y khoa mới, được hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn từ các bác sĩ chuyên gia Bệnh viện Nhân dân 115.

Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, trong quá trình triển khai, đã có 67 bác sĩ chuyên gia khoa Bệnh lý mạch máu não, khoa Nội tiết, khoa Tim mạch Tổng quát, khoa Tim mạch can thiệp, khoa Nhịp tim học, khoa Nội thần kinh, khoa Ngoại thần kinh từ Bệnh viện Nhân dân 115 trực tiếp khám, với 955 lượt tại BVĐK tỉnh, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân Tây Ninh.

“Bệnh viện đã cử nhân viên tham gia đào tạo tại Bệnh viện Nhân dân 115 về các chuyên môn điều trị như điều trị dự phòng tai biến mạch máu não, can thiệp đột quỵ, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chọc hút bằng kim nhỏ, khám và điều trị ngoại thần kinh... Nhờ công tác phối hợp, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện có điều kiện nâng cao kỹ thuật chuyên môn. Hai bên tiếp tục triển khai kế hoạch, chương trình đào tạo chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu mũi nhọn về đột quỵ, tim mạch can thiệp và chẩn đoán hình ảnh”- bác sĩ Tâm cho hay.

Chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu- Bước tiến mới

Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm, từ năm 2022 ngành Y tế tỉnh đã không ngừng nhận chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu về ngoại khoa. Trong đó, đã thực hiện thành công 2 trường hợp với kỹ thuật phẫu thuật cắt bản sống giải áp kết hợp đặt dụng cụ nắn trật trên bệnh nhân gãy trật cột sống và phẫu thuật cố định dụng cụ.

“Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Nhân dân 115 đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tỉnh triển khai đề án đột quỵ, nhằm chẩn đoán và điều trị sớm đột quỵ não, góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong và tàn tật cho người bệnh bị đột quỵ. Với nhiệm vụ này, chúng tôi đã xử lý và điều trị thành công bệnh nhân đột quỵ não đầu tiên tại bệnh viện mà không phải chuyển tuyến như thời gian trước”- bác sĩ Tâm bày tỏ.

Ông cho biết thêm, từ ngày 1.10.2023, Đơn vị đột quỵ chính thức thành lập tại khoa Nội tổng hợp bệnh viện với quy mô 15 giường, được trang bị đầy đủ thuốc đặc hiệu, trang thiết bị y tế, kỹ thuật hiện đại, ê-kíp 8 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh; đã có ca đột quỵ được điều trị thành công. Tính đến nay, Đơn vị đột quỵ đã tiếp nhận 24 ca đột quỵ cấp, trong đó có 75% ca nhồi máu não, 25% xuất huyết não. Sau ca đột quỵ não đầu tiên được chỉ định điều trị kỹ thuật khai thông mạch máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết thành công và ra viện, 3 ca đột quỵ não được điều trị tại Đơn vị đột quỵ đang có dấu hiệu khả quan, chuẩn bị ra viện.

Nằm trong Đề án 1816, BVĐK Tây Ninh tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật “Điều trị thay thế thận liên tục và thay huyết tương (CRRT)”, mặc dù gặp khó khăn về trang bị vật tư y tế, nhờ sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trung ương, BVĐK tỉnh đã thực hiện thành công ca lọc máu liên tục đầu tiên tại Khoa ICU (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc) bệnh viện. Từ ngày 3.8.2023 đến nay, bệnh viện đã thực hiện được 4 trường hợp lọc máu liên tục (CRRT), đạt được nhiều kết quả khả quan, tay nghề các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa ICU ngày càng được nâng cao, có thêm lựa chọn kỹ thuật cao để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch tại bệnh viện.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Điều đặc biệt, các trường hợp có chỉ định lọc máu liên tục tại bệnh viện được xét duyệt thanh toán BHYT. 

Cần mở rộng quy mô

Mặc dù từ 1.4.2023 đến nay, hoạt động phòng khám chuyên gia Bệnh viện Nhân dân 115 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải tạm ngưng do chưa xin được chủ trương cụ thể về giá dịch vụ chính thức. Bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Sau một năm hợp tác, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện có cơ hội và điều kiện nâng cao chuyên môn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, ngành Y tế Tây Ninh mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của Bệnh viện Nhân dân 115 nói riêng, các bệnh viện tuyến trung ương nói chung trong công tác chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ của nhân dân tỉnh nhà”.

Theo ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế, việc liên kết với các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh đã đem kỹ thuật cao về phục vụ người dân, đặc biệt là triển khai các nội dung trong bảng thoả thuận, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ đến năm 2025, trong đó có công tác phối hợp với Bệnh viện Nhân dân 115 triển khai đơn nguyên đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và Bệnh viện Nhân dân 115 TP. Hồ Chí Minh thăm hỏi bệnh nhân đầu tiên được xử lý đột quỵ thành công tại Đơn vị đột quỵ - khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nhận định những kết quả đạt được sau một năm hợp tác, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ, để nâng cao hiệu quả điều trị đột quỵ, bệnh viện sẽ tiếp tục hỗ trợ Đơn vị đột quỵ về mặt chuyên môn và đào tạo, phấn đấu thành khoa Đột quỵ, phát triển các kỹ thuật can thiệp chuyên sâu trong đột quỵ. Đồng thời, mở rộng hỗ trợ các chuyên khoa Thần kinh, nong và đặt stent mạch vành, siêu âm nội mạch IVUS, đặt máy tạo nhịp, phẫu thuật thần kinh cột sống, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình... Song song đó, Bệnh viện Nhân dân 115 hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, hội chẩn từ xa thông qua Tele-Medicine và PACS, đào tạo, tập huấn ngắn hạn, dài hạn các chương trình theo các lĩnh vực chuyên khoa chuyên sâu cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tỉnh Tây Ninh.

Có thể khẳng định, chuyển giao kỹ thuật y khoa là bước tiến mới trong công tác khám chữa bệnh, phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân của ngành Y tế tỉnh nhà nói chung, Bệnh viện Đa khoa nói riêng. Tương lai gần, việc KCB theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập cần được mở rộng, vì đây là cách làm vừa mang tính chủ động trong việc chuyển giao kỹ thuật khám và điều trị bệnh, vừa thể hiện trách nhiệm của bệnh viện tuyến trên, vừa được lãnh đạo tỉnh và người dân đồng tình, đánh giá cao.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh