Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc: Tiến bước theo nhịp riêng
Chủ nhật: 08:55 ngày 26/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nga-Trung Quốc xích lại gần nhau theo một cách khác…

Người Nga mua laptop Lenovo tại một cửa hàng ở Moscow. (Nguồn: Zuma)

Chào đón Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành cho “người bạn thân nhất” nhiều điều đặc biệt - từ nghi lễ ngoại giao thịnh tình nhất, lễ đón tiếp long trọng nhất, một buổi dạ tiệc linh đình nhất và hàng giờ ngồi trò chuyện thân mật.

Hơn 40 lần gặp mặt, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc được đánh giá ngày càng chặt chẽ, đặc biệt kể từ sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, với các hạn chế ngày càng gia tăng từ phương Tây. Ông Tập ca ngợi quan hệ Nga-Trung là “tình hữu nghị lâu dài”, còn ông Putin nói đạt đến “tầm cao chưa từng có”.

Không còn bị “định giá” bằng USD

Nhà phân tích chính trị độc lập Nga Konstantin Kalachev đánh giá chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Putin chỉ ít ngày sau khi ông nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm, thể hiện “quan hệ Trung-Nga đang tiến lên tầm cao mới”.

“Hoàn cảnh xô đẩy” càng đưa họ xích lại gần nhau. Thương mại hai chiều đạt kỷ lục 240 tỷ USD vào năm 2023, gần gấp 2,7 lần so với một thập kỷ trước, cao hơn 60% so với giai đoạn trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, vượt mục tiêu 200 tỷ USD (vào năm 2024) trước thời hạn. Moscow tăng nhập hàng hóa thiết yếu từ Trung Quốc, còn Bắc Kinh có nguồn cung bảo đảm từ dầu giá rẻ đến thực phẩm.

Tiền tệ là một trong những điểm chung khác mà cả hai nền kinh tế Nga-Trung đồng lòng nhắm đến. Trên thực tế, đồng tiền của các nước phương Tây đang dần biến mất trong hoạt động thương mại song phương, theo Phó thủ tướng Nga Andrey Belousov.

Từ năm 2014, Nga bắt đầu giảm phụ thuộc vào USD sau khi sáp nhập Crimea. Năm 2018, khi Mỹ áp thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, họ bắt đầu bán trái phiếu chính phủ Mỹ và tìm cách giao dịch bằng Ruble, cũng như các tiền tệ khác. Cũng từ đó, Nhân dân tệ (NDT) trở thành đồng tiền dự trữ mới của Nga, thế chỗ USD và Euro.

Đến năm 2022, sau khi bị phương Tây áp thêm nhiều vòng trừng phạt, Moscow càng tăng tốc quá trình này. Trong khi đó, Trung Quốc cũng muốn giảm phụ thuộc vào USD để kiểm soát rủi ro khi căng thẳng thương mại với Mỹ liên tục gia tăng.

Tổng thống Putin muốn làm nổi bật tính chiến lược của mối quan hệ này, khẳng định phần lớn hợp tác kinh tế của họ không còn bị “định giá” bằng đồng USD, qua đó thúc đẩy mục tiêu đã nêu của cả Bắc Kinh và Moscow là thoát khỏi sự thống trị áp đảo của đồng tiền Mỹ trong thương mại quốc tế. Bởi vì, “hơn 90% giao dịch thanh toán giữa các doanh nghiệp của chúng ta được thực hiện bằng tiền tệ quốc gia”, Tổng thống Putin nói với THX.

“Ngầm hiểu”

Theo Financial Times, trong năm 2023, 60% hàng nhập khẩu công nghệ cao của Nga có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, hay còn gọi là hàng hóa lưỡng dụng, đến từ Trung Quốc, như điện thoại thông minh, máy tính, chip điện tử và các thiết bị dùng trong phòng thí nghiệm.

Nhưng ngay cả khi Trung Quốc cung cấp huyết mạch quan trọng cho nền kinh tế Nga vốn đang bị siết chặt bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, Bắc Kinh vẫn có những nhu cầu và lợi ích riêng cần tự bảo vệ - nhất là khi đối mặt với sự giám sát ngày càng chặt chẽ từ Mỹ và EU về các giao dịch của nước này với Moscow.

Truyền thông Mỹ đưa tin, “bóng ma” của các lệnh trừng phạt rình rập các ngân hàng Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch với Nga. Những cảnh báo rõ ràng từ chính phủ Mỹ dường như có hiệu quả khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã giảm gần 16% trong tháng 3/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Tờ Kommersant của Nga mới đây phản ánh tình trạng thiếu hụt sản phẩm điện tử trong nước, vì các ngân hàng Trung Quốc từ chối chấp nhận thanh toán ngày càng nhiều.

Giới quan sát nhận định, từ sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, chưa bao giờ Nga lại xa cách phương Tây đến vậy, trong khi Mỹ cũng ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong các thông cáo mà Bắc Kinh và Moscow phát đi sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, không có một nội dung cụ thể nào đề cập vấn đề tại Ukraine mà chỉ có những chi tiết thể hiện sự đồng điệu về văn hóa và đề cao mối quan hệ trong trật tự thế giới mới.

Các nhà phân tích bình luận, trong chuyện này, trước công chúng, Tổng thống Nga đã thể hiện sự tế nhị trong các câu chuyện với Chủ tịch Trung Quốc - người rõ ràng không muốn bị lôi kéo vào các cuộc thảo luận công khai về khả năng hỗ trợ của Bắc Kinh cho các mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự. Nhà lãnh đạo Nga chỉ bày tỏ lòng biết ơn đối với những người bạn Trung Quốc về những sáng kiến mà họ đưa ra để giải quyết vấn đề.

Nhà khoa học chính trị Zhang Junhua, cộng tác viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu châu Á phân tích, Trung Quốc hiện đang làm những gì có thể để tránh các lệnh trừng phạt, hoặc các lệnh trừng phạt thứ cấp, từ Mỹ. Bởi nền kinh tế lớn nhất châu Á có thể tồn tại mà không có Nga, nhưng không thể tồn tại nếu không có phương Tây.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Zhang, “sự đóng băng tạm thời” không kéo dài, các nhà lãnh đạo có thể đã thảo luận về các giải pháp, chẳng hạn chuyển hàng xuất khẩu của Trung Quốc qua Trung Á, dù sẽ khiến Moscow phải trả giá đắt hơn.

Cụ thể, trong tuyên bố chung “đầy đặn” dài 7.000 từ, họ tiếp tục cam kết tăng cường “mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, đồng thời tìm ra lý do chung chống lại những gì được mô tả là chính sách ngăn chặn của Mỹ đối với mỗi quốc gia.

Trong đó, cam kết tăng cường hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng - với việc Nga muốn bán nhiều dầu khí hơn cho Trung Quốc nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt từ châu Âu và Mỹ; hay tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao, vũ trụ và năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, trí tuệ nhân tạo, các nguồn năng lượng tái tạo và các lĩnh vực đổi mới khác…

Bỏ qua những ràng buộc phức tạp về địa chính trị, quan hệ kinh tế Nga – Trung Quốc được giới chuyên gia đánh giá là “sự kết hợp về lợi ích”.

Nhiều lĩnh vực hợp tác đã được bàn tới, nhưng “ngay cả khi Trung Quốc và Nga tìm cách giúp đỡ hay tranh thủ lẫn nhau, hai bên đều không muốn bị đối phương lôi kéo. Hai nước có thể không đồng nhất về mọi mặt, mà họ phát triển quan hệ song phương với mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất để bảo đảm lợi ích của chính mình”, theo Tiến sĩ Shen Dingli, học giả về quan hệ quốc tế ở Thượng Hải.

Và theo TS. Dingli, việc Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga thể hiện tình đoàn kết ở Bắc Kinh cho thấy rằng, không nhất thiết phải bước chung một nhịp, họ cùng tiến bước theo nhịp riêng trước sự lo ngại ngày càng tăng của phương Tây.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục