Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hợp thức hoá lãnh sự khai sinh cho cháu Trà My
Thứ tư: 23:10 ngày 28/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hợp pháp hoá lãnh sự- về mặt hình thức, là việc chứng thực chữ ký, con dấu trên các giấy tờ, tài liệu do cơ quan/tổ chức nước ngoài cấp cho đương sự, và nay đương sự muốn được công nhận giá trị pháp lý của những giấy tờ/tài liệu đó để sử dụng tại Việt Nam.

Liên quan đến việc gia đình bà Phạm Siếu Hó, sinh năm 1954, ngụ tại ấp Long Hoà, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu có nguyện vọng làm khai sinh, nhập hộ khẩu cho cháu nội của mình vào chung với gia đình để được hưởng các chế độ như bao trẻ em khác nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, mới đây, Sở Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho Phòng Tư pháp huyện Bến Cầu.

Theo đó, Sở Tư pháp giải thích, tại khoản 4 Điều 5 Luật Hộ tịch quy định về nguyên tắc đăng ký hộ tịch, mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật Hộ tịch.

Do vậy, căn cứ theo quy định, trường hợp cháu Phạm Thanh Trà My đã đăng ký khai sinh ở nước ngoài sẽ không được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, mà chỉ có thể thực hiện ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã được đăng ký ở nước ngoài, theo Điều 7 Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16.11.2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch, và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15.11.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh được thực hiện theo quy định tại Điều 49 Luật Hộ tịch. Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch Việt Nam phải được hợp thức hoá lãnh sự theo quy định tại Điều 10 Luật Hộ tịch.

Sau khi nhận được văn bản trả lời của Sở Tư pháp, gia đình bà Phạm Siếu Hó liên hệ với ngành chức năng của huyện Bến Cầu thì vẫn được hướng dẫn gia đình “làm thủ tục hợp thức giấy tờ” và khẳng định, trách nhiệm “làm thủ tục hợp thức hoá giấy tờ” là của gia đình bà Hó.

Gia đình bà Hó than thở: “Bây giờ tôi vẫn không biết phải làm sao để giải quyết dứt điểm, sự việc vẫn loanh quanh không lối thoát”.

Luật sư Nguyễn Thế Tân, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cho biết, công văn hướng dẫn của Sở Tư pháp về trường hợp của cháu Trà My rất cụ thể và rõ ràng, bởi cháu Trà My đã được đăng ký khai sinh tại nước ngoài nên chỉ có thể thực hiện ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh theo quy định mà thôi. Tuy nhiên, hiện tại tôi cho rằng còn vướng ở chỗ thủ tục “hợp pháp hoá lãnh sự” giấy khai sinh của cháu Trà My.

Vậy hợp pháp hoá lãnh sự là gì và cơ quan nào có thẩm quyền hợp pháp hoá lãnh sự các loại giấy tờ này? Theo quy định tại khoản 1, Điều 7 Luật Tương trợ tư pháp 2007, hợp pháp hoá lãnh sự là việc Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam hoặc cơ quan khác ở nước ngoài được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự chứng nhận chữ ký, con dấu trên giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng ở Việt Nam”.

Hợp pháp hoá lãnh sự- về mặt hình thức, là việc chứng thực chữ ký, con dấu trên các giấy tờ, tài liệu do cơ quan/tổ chức nước ngoài cấp cho đương sự, và nay đương sự muốn được công nhận giá trị pháp lý của những giấy tờ/tài liệu đó để sử dụng tại Việt Nam.

Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hoá lãnh sự của Việt Nam được quy định tại Điều 5 Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 5.12.2011.

Theo quy định tại Điều 5 có hai trường hợp được xem xét bao gồm: Thứ nhất là Bộ Ngoại giao có thẩm quyền chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hoá lãnh sự ở trong nước. Bộ Ngoại giao có thể uỷ quyền cho cơ quan ngoại vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Ngoại vụ) tiếp nhận hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hoá lãnh sự.

Và thứ hai là cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là cơ quan đại diện) có thẩm quyền chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hoá lãnh sự ở nước ngoài.

Thực tế, đa số người dân rất còn xa lạ với thuật ngữ này, vì trong cuộc sống hằng ngày họ ít khi và không có việc gì cần đến “hợp pháp hoá lãnh sự”, do đó khi có việc liên quan, họ rất lúng túng, không biết sẽ phải thực hiện như thế nào, nên các cơ quan- mà cụ thể trong trường hợp này cán bộ phòng Tư pháp huyện, cần phải giải thích cho người dân hiểu và hướng dẫn thủ tục, cũng như xác định rõ cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc hợp pháp hoá lãnh sự cụ thể là cơ quan nào, ở đâu… Mục đích là giúp người dân thoả mãn yêu cầu của họ phù hợp quy định pháp luật.

Trước đó, gia đình bà Phạm Siếu Hó làm đơn gửi chính quyền địa phương xin làm giấy khai sinh cho cháu nội của mình là bé Phạm Thanh Trà My, sinh ngày 22.7.2015 tại Cộng hoà Sierra Leone, nhưng chưa được giải quyết. Đây là trường hợp ít xảy ra nên cán bộ địa phương không khỏi lúng túng.

Đức An

Tin cùng chuyên mục