Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi và bà con sống ở đường Lê Lợi vừa “chịu trận” đây thưa quý bạn! Chịu suốt trong 2 ngày cuối tuần qua. Nếu kể cả một đám cưới ở tuần trước nữa, thì tháng 3 đã lãnh tới 3 trận của "hung thần" đô thị.
Vậy là karaoke đã được người dân phong là "hung thần" (Báo Tuổi trẻ 22.3). Từ báo này đưa tin:- Ðà Nẵng ra quân dẹp loạn "hung thần" karaoke đường phố. Trước đó, các đài truyền hình đã có nhiều phóng sự về nạn ô nhiễm tiếng ồn ở TP. Hồ Chí Minh. Các cuộc họp cho thấy quyết tâm của UBND Thành phố, rằng trong năm nay sẽ chấm dứt nạn ô nhiễm tiếng ồn qua các loại máy ca nhạc di động cho cư dân đô thị. Thế còn ở thành phố Tây Ninh quê ta?
Tôi và bà con sống ở đường Lê Lợi vừa “chịu trận” đây thưa quý bạn! Chịu suốt trong 2 ngày cuối tuần qua. Nếu kể cả một đám cưới ở tuần trước nữa, thì tháng 3 đã lãnh tới 3 trận của "hung thần" đô thị.
Trận thứ nhất thì dân ở đường này chắc cũng đã biết rồi. Nói lại cũng chỉ là “biết rồi, khổ lắm nói mãi” mà thôi! Cứ đám cưới tại gia, là y như rằng chủ nhà thuê dàn âm thanh công suất to đùng, để bà con đến góp vui cùng cô dâu chú rể.
Nhưng lần này thì dàn máy có công suất khủng khiếp lắm, nên dù nhà họ ở một góc đường Lê Lợi - Nguyễn Thái Học, mà người dân khắp phố Lê Lợi đều nghe thấy. Nhạc rền rã tới gần nửa đêm. Chao ôi là hạnh phúc tân lang - tân nương!
Cho đến 2 trận lần sau thì dân phố tưởng đã quen, có thể coi như đã có "vaccine" cho đôi tai đỡ bị phập phồng theo cảm xúc các chàng, nàng… ca sĩ. Vậy mà không! Vì lần này gia chủ thuê hẳn một dàn loa cực mạnh. Tôi đếm được 4 chiếc loa thùng to, đen, chở chật một thùng xe ba gác. Thùng xe chứa 4 thùng loa để ngay ở vỉa hè. Màn hình bố trí sát hàng hiên.
Thế là cả nửa đêm thứ bảy và gần hết ngày chủ nhật, dân phố Lê Lợi căng tai chịu trận. Một trận phải nói là thiệt kinh hoàng. Tiếng loa vang dội khắp không gian. Tới lúc cao trào của một vài giọng ca thì ngay cả cửa kính cũng rung lên bần bật…
Mà lần này, lại không phải đám cưới. Chỉ là một dịp kỷ niệm ngày vui nào đó, hoặc đơn giản hơn chỉ để thử loa. Không ai dám tới hỏi thăm. Vì những giọng ca khê nồng đó chắc chắn là đã có rượu bia hỗ trợ. Mà đã bia rượu vào, thì khó mà bình tâm nghe những lời thăm hỏi. Dân phố biết vậy, nên “mũ ni che tai” thôi.
Dân thì chịu trận! Thế còn khu phố, còn phường? Ở đâu cũng có lực lượng dân phòng đủ mạnh. Sao họ không chịu can thiệp, hay ít ra là nhắc nhở, để cho dân phố được nhờ? Dạ thưa, thứ bảy chủ nhật thì ai cũng được nghỉ cả. Vậy là cái sự nghỉ ngơi của bà con dân phố cũng đi tong.
Nhân gặp chuyện này, cũng nên nhớ lại một vài loại "hung thần" đường phố mà dân phố Tây Ninh từng gặp một thời. Ðấy là các bác xe tải, xe ca, xe buýt gắn còi khủng, từng khiến cho không ít người đang tham gia giao thông kinh hoàng.
Ðấy là các bạn trẻ đi xe độ chế, rú ga hoặc phóng nhanh vượt ẩu đến hãi hùng. Nhớ lại mà xem, có những đêm hôm khuya khoắt, bỗng rền vang tiếng rú của vài chiếc xe độ chế, đánh võng vun vút phố này qua phố khác.
Một dạo lại có thêm vài chiếc loa kéo di động của mấy người bán vé số, hàng rong. Rất may là hai năm qua, nhờ Nghị định 100 cũng như sự nỗ lực của Cảnh sát giao thông mà những "hung thần" xa lộ đã giảm hẳn. Loa vé số và kẹo kéo ít còn thấy nữa. Chỉ còn nổi lên các vị "hung thần" karaoke đường phố, có vẻ như ngày càng chiếm vị thế “độc tôn”.
Ðám tiệc, đám ma, đám cưới đâu đâu cũng có "hung thần", khiến cho nhiều người trở nên dị ứng với âm nhạc. Hai từ "thưởng thức" trở thành hai từ "tra tấn", mỗi khi ta đi dự tiệc vui hoặc gặp "hung thần" karaoke đến khuấy động những khu phố bình yên.
Dẹp nạn "hung thần" đường phố đi thôi! Nơi này nơi kia người ta đã làm rồi. Nhưng, trách nhiệm của ai đây. Ngành Văn hoá chắc là chẳng đủ người (đi dẹp loạn). Thì xin trả về cho phường, khu phố vậy thôi. Nhưng cho dù làm cách nào, thì cũng hết sức cần người dân đồng lòng ủng hộ. Chỉ khi ấy mới có thể trả lại sự bình yên, thân thiện như phố Tây Ninh từng có xưa nay.
NGUYỄN