Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hướng dẫn nông dân nhận biết và phòng trừ rầy cánh trắng hại lúa
Thứ sáu: 13:19 ngày 17/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Rầy cánh trắng đang có xu hướng phát triển mạnh, là một loài dịch hại nguy hiểm cần cảnh báo và có hướng xử lý.

Ngày 16.7, tại ấp Long Giang, xã Long Thuận, Phòng Bảo vệ thực vật, thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) phối hợp với Trạm TT&BVTV huyện Bến Cầu triển khai chương trình Cùng nông dân ra đồng. Chương trình được triển khai nhằm giúp nông dân có phương pháp nhận biết và biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa.

Hướng dẫn nông dân cách nhận biết ruộng bị nhiễm rầy cánh trắng.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu- Trưởng Trạm TT&BVTV huyện Bến Cầu, rầy cánh trắng hay còn được gọi là Bọ phấn trắng, là loài côn trùng chích hút đa ký chủ, cả ấu trùng và con rầy trưởng thành đều gây hại bằng cách chích hút nhựa lá lúa làm cho cây lúa bị suy dinh dưỡng, lá chuyển sang màu vàng, cây phát triển kém, lá mới mọc sẽ có triệu chứng xoắn lại giống như bị “siết cổ lá”.

Nếu bị rầy cánh trắng tấn công ở giai đoạn làm đòng, lá cờ bị xoắn làm bông trổ không thoát và nếu có trổ được thì hạt lúa sẽ bị lép toàn bộ. Những ruộng nhiễm nặng, năng suất giảm khoảng 1 tấn lúa/ha/vụ.

Ngoài cây lúa, bọ phấn trắng còn gây hại nhiều loại cây trồng như rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp… nên việc phòng trừ chúng cũng gặp không ít khó khăn.

Hình dạng rầy cánh trắng được phóng to để dễ nhận biết.

Để phòng trừ bọ phấn trắng, Trưởng Trạm TT&BVTV Bến Cầu khuyến cáo người dân nên thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng trừ, như: sạ thưa, mật độ vừa phải, bón phân cân đối N-P-K; bảo vệ và tận dụng những loại thiên địch trong tự nhiên của rầy cánh trắng như nhện lưới, kiến ba khoang, bọ rùa, bọ xít ăn thịt… hoặc sử dụng các loại thuốc diệt trừ rầy như REGENT 80WB và các loại thuốc trừ rầy nâu.

Còn theo đại diện Phòng Bảo vệ thực vật, trong vụ Hè thu 2020 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3.199 ha lúa bị nhiễm rầy cánh trắng, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.

Mật độ nhiễm trung bình từ 2.000-3.000 con/m2, cá biệt ở các ruộng nhiễm nặng có mật độ từ 6.000-10.000 con/m2. Rầy cánh trắng đang có xu hướng phát triển mạnh, là một loài dịch hại nguy hiểm .

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục