Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lược ghi Hội thảo Xây dựng và phát triển Thị xã Trảng Bàng:
Hướng đi nào cho thành phố tương lai ?
Thứ tư: 00:23 ngày 31/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như Báo Tây Ninh Online đã đưa tin, ngày 26.3, UBND thị xã Trảng Bàng tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển thị xã Trảng Bàng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Tham dự có ông Nguyễn Thành Tâm - Uỷ viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch HÐND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, lãnh đạo Trường đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Một góc trung tâm thị xã Trảng Bàng. Ảnh: Việt Khánh

 “Lên đời” năm 2030

Lãnh đạo UBND thị xã Trảng Bàng thông tin, quan điểm phát triển của địa phương này từ nay đến 2030 là phát huy có hiệu quả các nguồn lực, trước hết là nội lực của tất cả các thành phần kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên đất đai nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - đô thị hoá để thị xã Trảng Bàng có nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp chất lượng cao, hiện đại và bền vững.

Ðô thị Trảng Bàng là đô thị hạt nhân trong cực phát triển đối trọng phía Tây Bắc của vùng TP. Hồ Chí Minh, là đô thị động lực thúc đẩy phát triển nhanh vùng biên giới Tây Nam.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với quá trình phát triển chung của tỉnh, của vùng, xây dựng đô thị và nông thôn khang trang, văn minh, hiện đại. Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông vận tải bảo đảm kết nối nhanh địa phương với các đô thị lớn, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đạt tiêu chí đô thị quy định theo mục tiêu, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới và hạ tầng các xã biên giới.

Giai đoạn 2021-2025, giữ ổn định tốc độ phát triển công nghiệp của giai đoạn trước (dự kiến tiếp tục tăng bình quân hằng năm từ 10% trở lên). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phấn đấu tăng bình quân hằng năm 13% trở lên.

Tập trung thực hiện các dự án bồi thường trọng điểm: dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án Trung tâm logistic và cảng cạn ở Hưng Thuận, dự án phát triển giao thông liên vùng (đường ÐT 787B, ÐT 789, N8), dự án Khu công nghiệp Phước Ðông - Bời Lời (giai đoạn 3)…

Ðồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án quan trọng trên địa bàn như dự án Khu đô thị dịch vụ Trảng Bàng (150 ha), dự án Trung tâm thương mại Trảng Bàng (tại khu bến xe cũ), dự án Khu phố thương mại dịch vụ Trảng Bàng (tại khu sân vận động cũ), dự án Bờ kè kênh chợ mới Trảng Bàng, dự án Phát triển loại hình du lịch cộng đồng nghề làm bánh tráng phơi sương thị xã Trảng Bàng.

Tạo bước đột phá mạnh về thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các xã, phường Ðôn Thuận, Hưng Thuận, Lộc Hưng, Gia Bình và 2 xã cánh Tây của Thị xã với mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hằng năm từ 2,14% trở lên, đến năm 2025 đạt giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt: 133 triệu đồng/ha/năm.

Phát triển du lịch địa phương gắn kết vào chuỗi du lịch của tỉnh theo hướng khai thác du lịch điểm dừng chân thưởng thức ẩm thực đặc sản và du lịch về nguồn (tham quan các di tích văn hoá, lịch sử). Thúc đẩy phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp trên địa bàn với mục tiêu tăng giá trị thương mại, dịch vụ hằng năm từ 8% trở lên. Tập trung đầu tư kiến thiết xây dựng thị xã Trảng Bàng hoàn chỉnh đến năm 2025 được công nhận đạt đô thị loại III, đến năm 2030 được công nhận thành phố.

Năm 2030,Trảng Bàng trở thành đô thị hạt nhân trong cực phát triển đối trọng phía Tây Bắc của vùng TP. Hồ Chí Minh, là đô thị động lực thúc đẩy phát triển nhanh vùng biên giới Tây Nam, đô thị công nghiệp - dịch vụ, xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện và phát triển bền vững.

Quang cảnh hội thảo.

Qua phân tích tổng thể đặc điểm tình hình và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Trảng Bàng đến năm 2020, cho thấy Trảng Bàng có những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Ðiểm mạnh của Trảng Bàng là vị trí địa lý thuận lợi, đây là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh với TP. Hồ Chí Minh, là thị xã biên giới, nằm gần các đô thị lớn, có các tuyến đường giao thông quốc gia đi qua nên có điều kiện thuận lợi để gắn kết, giao lưu nhằm phát triển kinh tế - xã hội và trở thành đô thị hạt nhân trong cực phát triển đối trọng phía Tây Bắc của vùng TP. Hồ Chí Minh.

Về đặc điểm tự nhiên, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu thuận lợi quanh năm; địa hình bằng phẳng, có 2 sông lớn chảy dọc hai bên. Về con người, Trảng Bàng có nguồn lao động khá lớn và trẻ.

Xu thế phát triển hiện nay là hợp tác, phát triển liên vùng, trong đó Trảng Bàng lại có vị trí địa lý thuận lợi nằm cạnh TP. Hồ Chí Minh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Ðông Nam bộ nên nhận được sự tác động lan toả của khu vực.

Ðây là cơ hội để Trảng Bàng tham gia nhiều hơn vào các chuỗi sản xuất, tạo điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, công nghiệp hiện đại kết hợp đồng bộ với phát triển thương mại, dịch vụ, tạo ra tăng trưởng cao hơn và bền vững trong thời gian tới. Trảng Bàng nằm trên tuyến đường kết nối du lịch của tỉnh Tây Ninh với các địa phương khác, có thế mạnh về giao thông, sản phẩm đặc sản.

Ðiểm yếu hiện nay của Trảng Bàng là kinh tế có tăng trưởng nhưng chất lượng chưa cao, thiếu bền vững. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp cao nhưng các doanh nghiệp phần lớn chỉ mới tham gia vào công đoạn giản đơn trong chuỗi giá trị sản xuất, trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình. Tỷ trọng thương mại, dịch vụ còn thấp. Kinh tế biên mậu chưa phát triển. Công tác thu hút đầu tư còn hạn chế. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (điện, đường, trường, trạm, cấp nước, thoát nước, nhà ở...) phát triển chưa đồng bộ và còn hạn chế về chất lượng. Hạ tầng đô thị chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo tiêu chí đô thị quy định. Hạ tầng bên ngoài các khu công nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện.

Hạ tầng thương mại, du lịch còn thiếu hoặc đã xuống cấp cần được nâng cấp và xây mới. Ðô thị mới nhưng công tác quy hoạch chưa hoàn chỉnh, tiến độ thực hiện còn chậm. Nhân lực tuy đông nhưng chất lượng còn thấp, thiếu lao động có kỹ năng, tay nghề, lao động quản lý chuyên nghiệp.

Ðại diện Trường đại học Mở TP. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Không ít thách thức đối với đô thị trẻ này

Từ một đô thị còn non trẻ với nhiều vấn đề chưa hoàn thiện, Trảng Bàng đặt mục tiêu đến năm 2025 được công nhận đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Ðến năm 2030, được công nhận đô thị loại II. Ðây là một thách thức lớn đối với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Trảng Bàng. Ðể thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này, UBND thị xã Trảng Bàng đề ra một số giải pháp chủ yếu thực hiện trong thời gian tới.

Trước hết, thu hút và phát triển mạnh các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động. Chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu tại chỗ, du lịch và xuất khẩu nhằm tăng thêm thu nhập cho người lao động, giải quyết việc làm và góp phần từng bước hiện đại hoá nông thôn.

Tập trung phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Phối hợp thu hút đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp hiện có; triển khai giai đoạn 3 Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Ðông Bời Lời, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có chất lượng và thị trường ổn định.

Thực hiện tốt chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ sản xuất sản phẩm mới, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nghề, tham gia các chương trình sản xuất sạch, chương trình tiết kiệm, tiết giảm các chi phí... nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Về thương mại, dịch vụ và du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nâng cao năng suất và chất lượng hàng hoá của doanh nghiệp. Quan tâm phát triển thương mại điện tử; tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành trong nước.

Thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, chấm dứt tình trạng chợ tạm. Thực hiện thu hút đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại bảo đảm kênh phân phối, thu gom hàng hoá được sản xuất trên địa bàn Thị xã. Nâng cao chất lượng hệ thống bán lẻ theo hướng hiện đại.

Triển khai thực hiện Ðề án phát triển du lịch của Thị xã, tập trung phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ có lợi thế cạnh tranh như: du lịch sinh thái dọc tuyến sông Vàm Cỏ Ðông, sông Sài Gòn, du lịch về nguồn, di tích lịch sử; dịch vụ ăn uống, mua sắm các sản phẩm đặc sản.... Phát triển loại hình dịch vụ mới: dịch vụ logistics, trên cơ sở lợi thế của dự án đầu tư Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh tại xã Hưng Thuận.

Về phát triển đô thị, đầu tư xây dựng, tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển đô thị, hoàn thiện tiêu chí đô thị phấn đấu đến năm 2025 đạt đô thị loại III. Những tiêu chí nâng loại đô thị cần tập trung thực hiện, gồm: mật độ dân số toàn đô thị, cơ sở y tế cấp đô thị, mật độ đường cống thoát nước chính, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; nhà tang lễ; quy chế quản lý kiến trúc đô thị.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên đầu tư hoàn thành các công trình chuyển tiếp và các công trình trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn và sớm đưa công trình vào sử dụng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.

Xây dựng kế hoạch bổ sung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng như: nguồn thu sử dụng đất bổ sung; thực hiện đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư PPP (BT, BOT, BTO...) cho một số công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Theo tinh thần này, Trảng Bàng đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước nhằm hiện đại hoá nền hành chính.

Tiếp tục rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết thuộc thẩm quyền, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính trên các lĩnh vực; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, danh mục kêu gọi dự án đầu tư... gắn với trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.

Với mục tiêu phát triển hoàn chỉnh đô thị loại III vào năm 2025, Trảng Bàng nỗ lực không ngừng để thực hiện các giải pháp đã đề ra. Trảng Bàng kiến nghị Tỉnh uỷ xem xét ban hành “Nghị quyết về xây dựng và phát triển thị xã Trảng Bàng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh xem xét cho Trảng Bàng được hưởng một số cơ chế đặc thù. Trong đó về quản lý đất đai, cho Trảng Bàng được lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất, trong trường hợp cần thiết trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho năm tiếp theo.

Về quản lý quy hoạch, đề nghị UBND tỉnh giao cho Thị xã thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu sau khi được Sở Xây dựng thẩm định (đối với các quy hoạch phân khu do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư) để Thị xã được chủ động điều chỉnh quy hoạch phân khu khi cần thiết.

Về biên chế, xem xét cho UBND thị xã Trảng Bàng, sau khi thống nhất với Sở Nội vụ, được quyền chủ động quyết định số lượng hợp đồng nhân viên kỹ thuật ở một số lĩnh vực như: xây dựng, đất đai, công nghệ thông tin, bồi thường giải phóng mặt bằng theo Nghị định 68.

Một góc trung tâm thị xã Trảng Bàng. Ảnh: Hiểu Sinh

Trảng Bàng cần phải làm gì?

Phát biểu tại hội thảo, GSTS Nguyễn Minh Hà- Hiệu trưởng Trường đại học Mở TP. Hồ Chí Minh so sánh thị xã Trảng Bàng với một số đô thị trong vùng như Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Ðức Hoà về diện tích tự nhiên, dân số.

Trong đó, Trảng Bàng có diện tích rộng nhưng dân số ít, điều này có nghĩa mức độ đô thị hoá của Trảng Bàng thấp. Sức lan toả của TP. Hồ Chí Minh đến Trảng Bàng cũng không bằng các địa phương nêu trên. Mức thu ngân sách chỉ 250 tỷ đồng (năm 2020) là quá thấp so với các đô thị trong vùng (Dĩ An thu hơn 3.000 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trảng Bàng cũng chưa bằng các đô thị trực thuộc các tỉnh trong khu vực...

Từ đó, ông Nguyễn Minh Hà đề nghị Trảng Bàng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. “Phát triển thị xã Trảng Bàng không chỉ nhiệm vụ của riêng địa phương này, đây là nhiệm vụ chung của tỉnh Tây Ninh. Trảng Bàng phát triển sẽ thúc đẩy các địa phương phát triển, vì Trảng Bàng gần TP. Hồ Chí Minh.

Cách phát triển này tương tự như Bình Dương đã và đang làm. Theo tôi, Tây Ninh nên ưu tiên kết nối hạ tầng với TP. Hồ Chí Minh, sau đó đến các tỉnh trong khu vực. Từ TP. Hồ Chí Minh về Tây Ninh chỉ có quốc lộ 22. Hạ tầng giao thông thuận tiện, doanh nghiệp họ mới tới”- GSTS Nguyễn Minh Hà nói.

Về quy hoạch đô thị, Trảng Bàng có thể tham khảo những đô thị ở trong vùng như Ðức Hoà, Bến Cát, Dĩ An. Cần có cơ chế huy động nguồn lực phát triển, trong đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Cải cách hành chính là một mục tiêu cần được ưu tiên.

Tiến sĩ Lê Thái Thường Quân (Trường đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) tán thành quan điểm muốn phát triển trước hết phải đầu tư cho giao thông. “Giao thông chưa tốt, doanh nghiệp có đến thì rồi họ cũng đi.

Tôi thấy Trảng Bàng chưa có sự kết nối chặt chẽ (về giao thông) với Bến Cát (Bình Dương) và Long An cùng một số địa phương khác”- TS Quân nói. Theo TS. Quân, việc xin thêm một hai biên chế (như trong báo cáo) là câu chuyện khác, điều quan trọng là chú trọng phát triển nhân lực.

Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở GT&VT cho biết, dù có bước phát triển, nhưng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất đối với sự phát triển của Trảng Bàng. Hiện tại, giữa Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh chỉ có tuyến đường độc đạo (QL22). Trảng Bàng có hai con sông lớn để phát triển đường thuỷ nhưng chưa khai thác được nhiều. Phát triển hạ tầng đô thi, trước hết phải phát triển giao thông, bởi đây là “khung sườn” của đô thị, trong đó chú ý ưu tiên làm đường vành đai.

Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Trảng Bàng có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Về chăn nuôi, Trảng Bàng có thể nuôi bò sữa, nhưng đàn bò ở đây không thể nuôi số lượng lớn. Về không gian đô thị, Trảng Bàng cần dành quỹ đất trồng cây xanh cũng như không gian mặt nước, nếu không làm sớm, sau này sẽ khó hơn vì giá đất biến động.

Cầu vượt dành cho người đi bộ tại Trung tâm Thị xã Trảng Bàng.

Sau khi dẫn một số câu chuyện về đầu tư, ông Kiều Công Minh- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, thị xã Trảng Bàng có vị trí vô cùng thuận lợi khi tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An, có lợi thế phát triển công nghiệp. Nhưng các loại hình dịch vụ chưa thật sự phát triển, nhiều doanh nhân nói khi đến Trảng Bàng, Gò Dầu không có gì để tiêu tiền, vì thiếu dịch vụ vui chơi giải trí.

“Trảng Bàng phát triển công nghiệp nhưng có thể phát triển về phía Bắc, khu vực giáp huyện Củ Chi của TP. Hồ Chí Minh. Còn phát triển nhân lực, đô thị, các dịch vụ vui chơi nên hướng về phía Nam, giáp huyện Gò Dầu và sông Vàm Cỏ Ðông”- ông Kiều Công Minh “hiến kế”.

“Xây dựng đô thị thông minh là thay đổi cả một đô thị bằng số hoá. Ðể có đô thị thông minh cần nhiều tiền không? Cần, nhưng không nhiều lắm đâu. Muốn có đô thị thông minh, cần có một nghị quyết chuyên đề để thể hiện quyết tâm chính trị của Thị uỷ Trảng Bàng. Cũng cần đánh giá xem chúng ta đang ở đâu để từ đó làm cơ sở xây dựng đô thị thông minh”- ông Nguyễn Tấn Ðức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu.

“Cải cách hành chính là công việc thường xuyên. Cải cách không tránh khỏi xung đột. Do đó, cần quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức chú trọng công tác cải cách hành chính, đây là công việc thường xuyên, liên tục chứ không phải làm theo phong trào, từng đợt ngắn hạn. Ðể cải cách hành chính có hiệu quả, tạo sự chuyển biến cần có quyết tâm chính trị của người đứng đầu”- ông Trương Văn Hùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Ông Phạm Văn Ðặng- Giám đốc Sở Tư pháp gợi ý về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với thị xã Trảng Bàng. Thị xã Trảng Bàng vừa xây dựng hai dự thảo nghị quyết, việc thông qua hai nghị quyết này cần chuẩn bị kỹ, vì theo trình tự quy định mất nhiều thời gian.

“Lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền của HÐND thì mới đưa vào để xem xét, còn nội dung nào thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, theo phân cấp quản lý thì không đưa vào nghị quyết của HÐND được”- ông Phạm Văn Ðặng lưu ý.

Việt Ðông - Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh