Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hướng đình, chùa Tây Ninh
Thứ tư: 08:05 ngày 14/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hướng đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quan niệm truyền thống của người Việt. Hướng liên quan đến cái gọi là phong thuỷ, tức là thiên nhiên bao quanh gồm đất, nước, gió, nắng v.v… Cũng do vậy mà hướng, nhất là hướng đình- ngôi thờ vị thành hoàng thường được chọn lựa kỹ càng.

“Toét mắt là tại hướng đình

Cả làng toét mắt, chứ mình em đâu”

Đình Long Thuận hướng về đường 786 (Tây Nam).

Câu ca dao vui vui này đã nói lên sự quan trọng của hướng đối với cộng đồng dân cư một địa phương. Có thể kể thêm vài câu nữa. Như: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hoặc: “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam”. Câu sau này có người đổi lại là “Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam”. Nhưng đổi như thế thì còn đâu ý nghĩa tất yếu như việc lấy vợ đương nhiên phải chọn đàn bà.

Nói tóm lại, hướng đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quan niệm truyền thống của người Việt. Hướng liên quan đến cái gọi là phong thuỷ, tức là thiên nhiên bao quanh gồm đất, nước, gió, nắng v.v… Cũng do vậy mà hướng, nhất là hướng đình- ngôi thờ vị thành hoàng thường được chọn lựa kỹ càng. Như hai ngôi đình di tích quốc gia tại TP. Tây Ninh đều quay về hướng rạch Tây Ninh, kết hợp thêm một vài yếu tố gò đồi bao quanh để có thể tưởng tượng đấy là thế đất có “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Ngôi thứ ba là đình An Tịnh cũng quay về phía rạch Trảng Bàng. Ngôi thứ tư là đình Long Thành thì hướng về sông Vàm Cỏ Ðông cách đấy chỉ hơn trăm mét.

Trên thực tế các di tích Tây Ninh, cũng có ngôi đình khá “lận đận” khi chọn hướng. Ấy là đình Long Thuận. Thoạt đầu, đình hướng lên phía Bắc, nơi có sông Vàm Cỏ Ðông chảy qua dù ở khoảng cách khá xa. Lần trùng tu thứ hai, đình lại quay về rạch Bảo ở phía Tây. Lần cuối gần đây khi xây lại, đình lại quay về hướng Nam, hướng mặt đường 786. Một số ngôi đình di tích cấp tỉnh khác như Trường Ðông, Trường Tây, Hoà Hội vẫn truyền đời đối mặt với dòng sông ngay cạnh thềm sông. Ở đấy, làm sao mà bỏ qua một đại cảnh bao la, đầy nắng gió và luôn chuyển động một dòng lưu thuỷ.

Kể vài chuyện truyền thống, để thấy ngày nay con người đã có vẻ hơi lơ là về chuyện hướng. Như chuyện xây nhà, đa số chủ nhân đều xây hướng mặt ra đường. Dù đấy có là hướng Tây nắng quái chiều hôm xối xả. Người viết hay biên tập sách, thậm chí cả nhà nghiên cứu cũng đôi khi sai sót khi đề cập đến hướng. Phường Ninh Thạnh chẳng hạn. Rõ ràng trên bản đồ phường này ở hướng Ðông Thành phố, có hơi lệch Bắc một chút.

Nhưng trong một báo cáo, lại viết phường mình là: “Ở phía Ðông Nam TP. Tây Ninh”. Xin thưa: Hướng Ðông Nam đã là xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu và một phần huyện Hoà Thành. Rồi, trong một báo cáo về lễ hội truyền thống Kim Quang của huyện Hoà Thành trình lên Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; động núi Kim Quang được viết là: “Ở phía Tây Nam sườn núi Bà Ðen”.

Ðiều này đã được lặp lại trong bản thảo một tập gấp về du lịch Tây Ninh sắp sửa được in phục vụ Hội Xuân núi Bà năm 2019. Trong khi đó, cả trên bản đồ lẫn thực địa, rõ ràng động Kim Quang thuộc Khu du lịch núi Bà ở về phía Ðông Nam của núi. Phía Tây Nam đã là trường bắn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cùng những vườn chuối, mãng cầu xanh um với suối, với hồ rồi, thưa quý vị.

Quá ít sự quan tâm về hướng, nên có những cái sai được lặp đi lặp lại cũng không được ai để ý. Vì trên thực tế, cái sai đó cũng không ảnh hưởng gì đến kinh tế xã hội địa phương. Nhưng cũng có cái sai khiến người sau phải nghi hoặc, phân vân. Vì có thể nó làm sai lạc bản chất một vấn đề đã trở thành truyền thống bất di, bất dịch. Sau đây là một ví dụ:

Ðấy là ở bài di tích lịch sử Gò- Chùa Cao Sơn, trong sách Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2014. Chỉ một câu này thôi: “Cao Sơn Tự mặt nhìn ra sông Vàm Cỏ Ðông (hướng Bắc)”.

Chúng ta đã biết gò Cao Sơn chứa đựng những di vật đá, gốm của cả hai thời kỳ lịch sử: tiền sử (2.500 - 3.000 năm cách nay) và hậu Óc-eo (trên 1.000 năm cách ngày nay). Trên gò có ngôi chùa “Tiền Phật hậu Thánh”. Mặt tiền chùa, phía trước gian thờ Phật đúng là hướng ra sông Vàm Cỏ Ðông. Nhưng sao lại là hướng Bắc? Ðến sư ông Thích Huệ Tánh đã có vài chục năm trụ trì chùa cũng phải thốt lên đầy ngạc nhiên như thế. Theo ông, chùa quay mặt về phía Tây hơi lệch Bắc, tạm gọi là Tây - Tây Bắc.

Truy ngược lại những tư liệu đã có từ trước. Thì ra những điều sách viết kể trên có xuất xứ từ Báo cáo khoa học đề tài: “Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn phát huy các giá trị khảo cổ học ở Tây Ninh”- do Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ thực hiện năm 2011. Chính do việc xác định hướng mặt tiền chùa là hướng Bắc, nên phía sau chùa là hướng Nam (dù trên thực tế là hướng Ðông - Ðông Nam).

Vì vậy mà báo cáo này có đoạn mô tả: “Phía Nam khu gò thấp, cách đó khoảng 30 mét có một khu ruộng trũng, hiện còn thấp hơn chung quanh từ 1m đến 1m50, khu vực này có diện tích gần 5.000m2. Ðây rất có thể là cái ao vuông cổ thường thấy bên cạnh những di tích thuộc thời kỳ Óc- Eo trên khu vực đồng bằng Nam bộ. Hiện nay có một số người lớn tuổi trong làng cũng cho rằng đất được đào lên ở bàu Vuông được đắp lên gò Cao Sơn hiện nay”.

Chúng ta cũng đã biết ở các di tích thời kỳ Óc-eo và hậu Óc-eo tại Tây Ninh hiện nay đều tồn tại cấu trúc gò-bàu. Trong đó bao giờ cũng có một bàu nước ở về phía Ðông, còn gò đất đắp ở phía Tây. Trải qua trên dưới 1.000 năm, đa số các bàu ấy nay đã thành ruộng lúa. Thực trạng này cũng có ở các di tích khảo cổ học cấp quốc gia như hai tháp cổ Chót Mạt (Tân Biên) và Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng).

Một di tích khác ở gò Cổ Lâm (Thanh Ðiền - Châu Thành) dù không còn tháp nhưng vẫn còn móng tháp. Tuy vậy, cũng còn các di tích bàu- gò khá nguyên vẹn cả bàu lẫn gò như ở đình Phước Chỉ và chùa Cây Dương (đều ở xã Phước Chỉ, Trảng Bàng). Dù là dấu tích hay còn nguyên thì tất cả các khu này đều tuân thủ quy tắc bất biến là bố cục theo hướng Ðông - Tây.

Như thế, nếu các nhà nghiên cứu đã mô tả đúng, rằng trục bàu- gò ở Cao Sơn là theo hướng Bắc- Nam thì hẳn đây sẽ là một ngoại lệ duy nhất ở Tây Ninh, mà các nhà nghiên cứu thế hệ sau phải tìm lời giải đáp.

Rất may là tại Văn phòng UBND xã Phước Trạch có treo tấm bản đồ quy hoạch sử dụng đất, ghi rõ từng vị trí công trình, trong đó có Cao Sơn tự và cả thửa ruộng phía Ðông gò còn rõ nét một hình vuông. Ðối chiếu thực địa, bản đồ với những ghi chép trong báo cáo khoa học về gò Cao Sơn, cho thấy miêu tả đều đúng cả. Duy nhất chỉ có một điểm sai, ấy là họ đã xác định sai hướng của ngôi chùa.

Một ly sai ấy quả nhiên đã “đi một dặm”. Sách Di tích đã chép lại cái sai ấy, chỉ là một trong nhiều hậu quả. Quan trọng hơn là nó đã làm sai lệch một cấu trúc tín ngưỡng bất biến của một nền văn hoá từng có bề dày hàng ngàn năm trong quá khứ xa xăm.

TRẦN VŨ

Tin liên quan