Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn
Hương đồng
Thứ sáu: 16:57 ngày 05/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mùa này lên Châu Thành, đoạn gần tới cầu Bến Sỏi thì thật tuyệt! Vừa ra khỏi xóm dân cư đông đúc, hai bên đường đã tràn ngập một mùi thơm, cánh đồng trải rộng dài tít tắp. Chân trời đầy ắp một màu xanh. Nói như thơ là xanh đến nao lòng.

Thú thật là tôi phải suy nghĩ lao lung lắm, như một cậu bé đang viết một bài tập làm văn, vẫn cắn bút trước trang giấy trắng. Chỉ là để tả cái màu xanh này thôi cho đúng. Rõ là màu xanh lá cây trong bảng màu vẽ đấy thôi, nhưng nếu tả cánh đồng bằng màu xanh lá cây thì cũng thật vô duyên. Hay là màu bánh cốm Hà Nội, mà tôi đã tần ngần trước vài cửa hàng ở phố Hàng Điếu, trước khi về lại Tây Ninh sau một chuyến ra thăm lăng Bác. Là màu bánh cốm đấy, nhưng chỉ khác là bánh cốm chỉ đặt lọt thỏm trong lòng bàn tay, còn màu xanh nơi đây thì bao la rộng dài cùng khắp. Nhìn ra phía sông Vàm Cỏ Đông chỉ thấy một dáng cổ thụ cao lênh khênh trên một gò đất nhỏ giữa đồng. Rải rác thêm vài bụi cây nhỏ hơn, và đường viền cuối cùng đã thành một dải lơ mơ sương khói. Đành chịu thôi! Không thể tả nổi màu xanh của lúa Xuân Hè vào cuối tháng 5.

Mọi khi thì đã biết vào vụ gặt thì cánh đồng mới sực nức các mùi thơm. Mùi rạ rơm, mùi hạt thóc rưng rưng sắp phải xa đồng. Rồi cả mùi khói đốt đồng hăng hăng ngai ngái… Vậy mà nay, lúa còn đang thì con gái nhưng cái mùa thơm tinh khiết, thoang thoảng hay nồng nàn vẫn đang chan chảy giữa không gian.

Rõ là mùi cốm mới- cốm làng Vòng Hà Nội hay cốm dẹp trong mùa cúng trăng của bà con Khmer ở ấp Thạnh Đông. Mà cũng không hẳn, bởi cái mùi hương này còn có hơi mát của sông Vàm phụ hoạ, có chút ít nồng nực của nắng thắng 5… Cũng bất lực, không thể tả. Chỉ biết là khi qua đây tôi muốn hít thở thật dài thật sâu, cho phổi ngập tràn mùi hương ấy. Để bù lại cho cả tháng trời nghiêm chỉnh chấp hành lệnh giãn cách xã hội vì dịch Covid- 19.

 Sang bên phía Tây của cầu Bến Sỏi, quẹo về Hoà Hội cũng thấy thoảng hương thơm dù lúa bên này mới sạ, chỉ là mạ non lấm chấm xanh trên các cánh đồng lai láng nước mé bờ sông. Bên thì mạ non, bên lúa thì con gái. Những cánh đồng như đang phập phồng hít thở. Vậy nên người đi qua mới có cơ hội thưởng thức chút hương dư. Hương cồn cào trong gió để cho ta nhớ về những giọt mồ hôi nồng mặn của ông, cha. Có phải là mồ hôi bao kiếp người trộn với hạt phù sa Vàm Cỏ, làm nên những cánh đồng, lưu giữ truyền đời cho ta hương lúa. Chỉ ít ngày nữa thôi là đến lúc “làm đòng”. Khi ấy mùi hương còn làm ta thương nhớ biết là bao?

Tôi vốn không có kinh nghiệm gì về trồng lúa. Nhưng biết điều này là nhờ có bài tản văn Dịu dàng hương lúa của tác giả Quế Hương (Báo Nhân dân cuối tuần, ngày 26.4.2020). Bài có đoạn: “Lúa bời bời reo khi ngang thân phồng lên đầy sức sống. Người nông dân bảo là lúa đã qua thời con gái. Chỉ trong vài ngày, bụng lúa to nở ra bông lúa… lúa làm đòng có mùi thơm, phả ra từ phấn của hoa lúa. Hoa lúa thơm như mùi cốm sữa, cứ ngào ngạt, mê đắm quện vị phù sa của sông quê, quện mùi của đầm súng trổ bông sớm ven đồng. Trai gái làng tôi bao đời yêu lúa, đôi khi bị thôi miên bởi hương đòng đòng…”. Đấy là chuyện ở miền quê tác giả. Còn tôi, sao cũng như bị thôi miên trước những cánh đồng non nơi đây, dù lúa ở đây chưa đến độ làm đòng. Có thể đây cũng là một bí ẩn nữa của sông Vàm Cỏ Đông quê ta chăng?

Thực ra bạn ở thành phố Tây Ninh thì chẳng cần mất công đi xa để thưởng thức cái nồng nàn hương lúa. Bạn chỉ cần đi tới vài nơi ngay trong thành phố là đã thấy những cánh đồng, mùa nối mùa, vụ tiếp theo vụ, khi thì vàng rực, lúc lại xanh non. Đấy là ở phường 1, hoặc xã Bình Minh bên cạnh. Thậm chí đến khu phố 4, phường 3, cách trụ phát sóng Viettel trên đại lộ 30.4 chỉ non 300 mét là đã thấy những mảng màu quen mà lạ, gần gũi mà vô cùng khó tả. Tôi tự hào và sung sướng vì được ở trong một thành phố mà có lúa ở ngay trong lòng phố. Để khi nhớ thì chạy xe hơn một cây số là ra đến cánh đồng, tò mò ngắm chim muông và cả những “đôi cánh cò trắng vẫy mênh mông” (thơ Tố Hữu).

Còn một điều hồ nghi này nữa, không biết có phải hương lúa đã quyến rũ các loài chim? Trên các cánh đồng xanh ta luôn thấy những đàn cò trắng, nhìn kỹ hơn thì thấy cả những loài như ốc cao, sẻ đá… thường lẫn với màu nâu đất. Mới đây, tôi còn thấy cả bầy cò nhạn, còn gọi là cò ốc về sinh sống trên xã Hoà Hội ven sông Vàm Cỏ Đông cả tháng nay. Hay là chúng cũng như người, bị thôi miên bởi hương lúa?

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục