Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh- vùng đất quanh năm lộng gió, “nắng cháy da người”, đã ôm trọn vào lòng loài cây dân dã nhưng làm nên thương hiệu nông sản quê nhà.

Tháng Hai về, đất trời Tây Ninh chuyển mình trong sắc nắng hanh hao nhưng chẳng vì thế mà những vườn mãng cầu nơi đây kém đi sức sống. Trên những khu vườn trải dài mênh mông, cây mãng cầu lá xanh ngời ngợi, cành sum suê đợi mùa trái chín. Tây Ninh- vùng đất quanh năm lộng gió, “nắng cháy da người”, đã ôm trọn vào lòng loài cây dân dã nhưng làm nên thương hiệu nông sản quê nhà.
Mãng cầu Tây Ninh. Ảnh: Huỳnh Đông
Tây Ninh từ lâu đã nổi tiếng với giống mãng cầu dai, trái to, cơm dày, vị ngọt thanh. Ở nơi mà thiên nhiên không quá ưu ái về khí hậu, những gốc mãng cầu vẫn bén rễ sâu vào lòng đất, từng mùa vươn mình đón nắng, đơm hoa kết trái.
Người Tây Ninh yêu mảnh đất này cũng như yêu cây mãng cầu, bởi nó là hiện thân của sự bền bỉ, chịu thương chịu khó như chính con người nơi đây. Cây mãng cầu lớn lên trong sự cần mẫn, đòi hỏi nhiều công chăm sóc, từ lúc ra hoa đến khi trái đủ ngày thu hoạch. Bởi hơn ai hết, những người nông dân hiểu rằng, một vụ mùa thuận lợi là cả một hành trình chắt chiu, tỉ mỉ từng chút một.
Mãng cầu không ưa nước nhiều, những trận mưa trái mùa có thể khiến vỏ trái nứt nẻ, ảnh hưởng đến chất lượng. Vì thế, ngay từ khi trái non, người trồng đã phải chú ý, cắt tỉa bớt cành, kiểm tra từng quả để chọn những trái khoẻ mạnh nhất mà nuôi dưỡng. Nông dân có thể nhận biết từng dấu hiệu nhỏ trên cây, từ việc lá hơi úa đến những vết rám trên vỏ trái mà điều chỉnh chế độ chăm sóc cho phù hợp.
Với người nông dân, mỗi ngày bước chân ra vườn đều là một ngày làm việc đầy tâm huyết. Tay chạm vào từng tán lá, mắt dõi theo từng trái non lớn dần, họ trông đợi ngày mãng cầu chín- ngày những nụ cười sẽ rạng rỡ trên gương mặt sạm nắng.
Mãng cầu Tây Ninh mang trong mình sự giản dị nhưng lại có hương vị độc đáo chẳng nơi nào có được. Vị ngọt thanh, chua nhẹ, hương thơm đặc trưng lan toả khiến ai đã từng một lần nếm thử đều khó quên. Từ mãng cầu, người Tây Ninh còn chế biến thành nhiều món ăn dân dã mà hấp dẫn. Một ly sinh tố mãng cầu mát lạnh, thơm lừng giữa cái nắng phương Nam, hay chỉ đơn giản là ăn tươi để cảm nhận vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi. Mãng cầu còn được sấy dẻo, làm mứt, làm kem, trở thành những món quà quê mộc mạc, đầy ý nghĩa.
Hơn thế nữa, mãng cầu Tây Ninh còn là kế sinh nhai của biết bao gia đình. Nhờ cây mãng cầu mà nhiều hộ nông dân thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Những mùa mãng cầu bội thu, người nông vui lắm. Vui vì nông sản được mùa. Và vui vì niềm tự hào của quê hương có thể đi xa, mang theo cái vị ngọt ngào, đậm đà đến với ngày càng nhiều bà con ở khắp nơi.
Dẫu thời đại có bao đổi thay, thì cây mãng cầu vẫn vững vàng bám đất, vẫn luôn là niềm tự hào của người Tây Ninh. Ngày nay, nhờ kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản phẩm mãng cầu không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều quốc gia khác. Nhưng dù ở đâu, dù có thay đổi cách thức trồng trọt ra sao, người Tây Ninh vẫn giữ nguyên cái tâm dành cho cây trái của xứ mình.
Có những người đã gắn bó cả đời với vườn mãng cầu, tóc đã bạc nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt chăm cây, đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui khi nhìn thấy những trái căng tròn. Có những người con đi xa, mỗi khi nhớ quê lại nghĩ ngay đến trái mãng cầu ngọt lành, như nhớ cả một thời thơ bé quanh quẩn bên vườn cây của mẹ cha.
Tháng Hai trôi qua, những vườn mãng cầu vẫn xanh mướt. Người Tây Ninh vẫn cần cù, nâng niu từng nhành cây, trái non xanh như nâng niu chính giấc mơ của mình. Nhìn vườn cây, họ không chỉ thấy trái ngọt, mà còn thấy cả nét đẹp quê hương - giản dị nhưng bền bỉ, mộc mạc nhưng đầy yêu thương.
Đức Anh