Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Xa nhà. Lâu lâu không thèm gì bằng những rau trái ở vườn.

Có lẽ, nông dân là những người cực khổ nhất nhưng cũng là những người biết thưởng thức món ăn nhất. Bởi mấy ai được sảng khoái đứng giữa ruộng dưa gang dưới cái nắng chan chát, dùng tay bẻ ngang trái dưa non dài độ gang tay, phủi sạch mớ cát bên ngoài, cạp bỏ mớ vỏ rồi cắn một miếng, vị ngọt thanh mát vào tận ruột.

Hay bất chợt thấy trái dưa hái sót chín nứt, vậy là bưng lên, lột vỏ và cứ thế mà ăn. Quả thật, làm nông dân không sợ đói. Có lần thấy mẹ đem cơm ra ruộng, ba một mạch tới mấy hàng đậu bắp ngoài cùng, hái vội vài trái đem vào chấm tương, ăn ngọt xớt.

Ba nói rau trái mới hái ăn rất ngọt, để lâu ăn không ngon. Ở nhà cũng ít để rau vào tủ lạnh, khi cần ra hái vào ăn liền mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của chúng.

Về nhà là lười đi chợ, rau trong vườn có, từ rau dại đến rau trồng, chỉ cần bưng cái rổ đảo một vòng là ăn không hết. Trưa nắng, thèm xoài, ổi. Vậy là ra vườn hái vài trái, chưa kịp bưng vào trong rửa là đã cắn một cái ăn cho đỡ ghiền. Rau sạch mà, đâu cần rửa.

Không như người thành phố, thức ăn mua ở siêu thị về vẫn phải ngâm nước muối, rửa sạch, gọt vỏ mà đôi lúc lòng vẫn còn hoang mang. Nên thèm quê.

À mà người nông dân ở quê cũng hào phóng lắm. Phần nào bán thì bán, phần nào để cho vòng vòng hàng xóm ăn lấy thảo. Nhờ vậy, đôi khi cũng chẳng phải đi chợ cũng có dưa leo, khổ qua, cà tím, cải… ăn không hết. Ăn không hết nên tiếp tục cho vòng vòng.

Ở quê vui là như vậy đó. Chiều chiều, có bác đi ruộng về kêu cửa: “Nói ba cho bác gửi mớ đậu rồng ăn cho vui”. “Dạ! Bác chờ con một chút”. Vậy là lật đật lấy mớ đậu bắp có sẵn để vào bọc và gửi lại: “Nhà con ăn không hết, gửi bác ăn phụ!”.

Ở quê yêu mến đến vậy, tình thương mến thương vậy đó, đi hoài cũng thấy nhớ chứ.

Bửu Hương