Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo báo cáo của Tỉnh uỷ, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1.6.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, cấp uỷ, chính quyền tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc thực hiện các chính sách xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Tân Châu
Theo đó, Tây Ninh đề ra lộ trình, ưu tiên bố trí nguồn lực hướng tới an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội và an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, các địa phương về nhiệm vụ bảo đảm ASXH được nâng cao, tạo sự đồng thuận và quan tâm hơn. Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách an sinh xã hội được đầu tư, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, nhất là đối với người đứng đầu trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Các sở, ngành và địa phương đã chủ động triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW, đưa các chính sách đi vào cuộc sống; nhiều mục tiêu của nghị quyết hoàn thành vượt thời gian, các mục tiêu khác đều có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2022.
Tỉnh huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá trong thực hiện các chính sách xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đến nay, trên 99% gia đình người có công của tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công theo 6 tiêu chí quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Từ năm 2012 đến nay, đã hỗ trợ xây mới trên 1.200 căn nhà, sửa chữa trên 1.000 căn nhà cho người có công. Đối với công tác giảm nghèo, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo; tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống.
Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng chính sách giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 5.804 hộ (1,81%), trong đó hộ nghèo 2.064 hộ (0,64%), hộ cận nghèo 3.740 hộ (1,17%), Tây Ninh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. Giai đoạn 2012-2022, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHTN) từng bước nâng lên, số người tham gia năm sau cao hơn năm trước.
Theo báo cáo của Tỉnh uỷ, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1.6.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, cấp uỷ, chính quyền tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc thực hiện các chính sách xã hội.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, hệ thống chính trị trong tỉnh nỗ lực chăm lo cho người dân và các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hỗ trợ theo quy định của Trung ương, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 570.000 người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền trên 1.000 tỷ đồng. UBND tỉnh, sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo đúng tinh thần nghị quyết của Chính phủ với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, không để sai, sót đối tượng, không để xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác này. Đồng thời, chủ động lương thực, thực phẩm hỗ trợ khẩn cấp những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ thiếu đói trong thời gian giãn cách xã hội.
Giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh uỷ đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, việc làm, giảm nghèo, BHXH và BHTN, trợ giúp xã hội, giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin truyền thông.
Tỉnh kiến nghị Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ xem xét có chính sách ưu tiên về chỉ tiêu số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và điều chỉnh tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế; có chính sách hỗ trợ thêm ngoài lương cho nhân viên y tế cơ sở. Bộ Y tế có phương án đào tạo nhân lực y tế- nhất là đào tạo bác sĩ cho những địa phương còn thiếu so với mặt bằng chung cả nước, khu vực.
Kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; điều chỉnh tăng mức cho vay vốn là hộ ở khu vực đô thị chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn; điều chỉnh tăng mức vay tối đa với mỗi loại công trình lên 15 triệu đồng/công trình.
Hải Đăng