Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Luật An ninh mạng:
Hướng tới sự bảo đảm an ninh quốc gia
Thứ bảy: 06:57 ngày 16/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mục tiêu lớn nhất mà Luật An ninh mạng hướng tới là bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, hướng đến các lợi ích cao hơn và với sự cẩn trọng, cầu thị, trách nhiệm trong quá trình xây dựng và chỉnh sửa luật với những điều quy định rõ ràng trong luật, không có căn cứ nào để nói Luật An ninh mạng cản trở sự phát triển của xã hội, của đất nước...

Ngày 12.6, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 86,86% đại biểu có mặt tán thành. Ðây là dự luật quan trọng được đại biểu Quốc hội, đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Ðiều này cho thấy sự thống nhất cao của Quốc hội. Tuy nhiên, trong những ngày qua, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng, Luật An ninh mạng sẽ “tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, “hạn chế quyền tự do ngôn luận”, “vi phạm nhân quyền”, “trái với luật Quốc tế mà Việt Nam đã cam kết”...

XÂY DỰNG KHÔNG GIAN MẠNG ÀNH MẠNH

Có thể khẳng định rằng, mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng là xây dựng một không gian mạng lành mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế.

Luật An ninh mạng quy định các hoạt động về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quy định các nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng gồm: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.

Luật chỉ nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi tổ chức hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế xã hội.

BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI DÂN

Vì sao phải ban hành Luật An ninh mạng? Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Tội phạm mạng như khủng bố, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới và tổ chức mại dâm, buôn bán ma tuý phát triển nhanh.

Tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan. Thực tiễn này cho thấy sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng.

Những ngày qua, có ý kiến cho rằng Luật An ninh mạng hạn chế quyền tự do ngôn luận, vi phạm nhân quyền, suy nghĩ như vậy là không chính xác. Bởi vì luật sinh ra là để bảo vệ quyền lợi của người dân trên không gian mạng.

Luật đã quy định rõ là chỉ khi có xảy ra tội phạm hay cần điều tra hoạt động vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng mới có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về tội phạm đó.

Nếu chúng ta chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không cần lo việc bị cơ quan chức năng kiểm soát thông tin của mình trên mạng internet.

Trong phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng nói rất rõ: An ninh mạng nhằm bảo đảm các hoạt động sử dụng không gian mạng, không gây phương hại đến an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quyền và các lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. 

Trên mạng xã hội có ý kiến cho rằng Cơ quan An ninh có thể giám sát tất cả các tài khoản của người dùng trên không gian mạng, điều đó không đúng với phạm vi điều chỉnh của luật.

Bởi cơ quan chuyên trách về an ninh mạng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng chỉ giám sát đối với hành vi vi phạm pháp luật khi người sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật.

Ðồng thời, Luật An ninh mạng không ảnh hưởng gì đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, bởi luật quy định rất chi tiết, tạo mọi điều kiện cho mọi người sử dụng không gian mạng ở bất cứ loại hình dịch vụ nào như internet, viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng.

Như vậy, mọi người yên tâm livestream, sử dụng Facebook, YouTube nếu không vi phạm vào các điều cấm theo quy định của luật này, kể cả việc trao đổi trong hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hoá.

PHÙ HỢP VỚI THÔNG LỆ QUỐC TẾ

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sẽ không có chuyện Luật An ninh mạng làm tổn hại đến kinh tế Việt Nam, hoặc là doanh nghiệp Việt Nam sẽ lụn bại do những quy định của luật- như quan điểm của một số người trên mạng xã hội gần đây.

Ðại diện cơ quan soạn thảo Luật An ninh mạng khẳng định, sẽ không sản sinh giấy phép con, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, mà trái lại, doanh nghiệp còn có thể giảm chi phí nếu các doanh nghiệp đặt máy chủ (server) nội dung ở Việt Nam.

Có rất nhiều người đang bày tỏ băn khoăn liên quan đến quy định trong luật, rằng lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân người sử dụng tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia hay là đặt trụ sở của văn phòng đại diện tại Việt Nam, thì liệu điều này có trái với những cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia hay không.

Xin khẳng định rằng, quy định này phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Hiện tại, đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước.

Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên áp dụng quy định này, còn các văn bản cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới hay Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đều có quy định về ngoại lệ an ninh, cho phép tôn trọng và bảo vệ an ninh quốc gia ở mức cao nhất. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, Luật An ninh mạng không vi phạm các cam kết quốc tế.

Mục tiêu lớn nhất mà Luật An ninh mạng hướng tới là bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, hướng đến các lợi ích cao hơn và với sự cẩn trọng, cầu thị, trách nhiệm trong quá trình xây dựng và chỉnh sửa luật với những điều quy định rõ ràng trong luật, không có căn cứ nào để nói Luật An ninh mạng cản trở sự phát triển của xã hội, của đất nước.

Trần Dung

Tin cùng chuyên mục