Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đây là một trong những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tuyên giáo năm 2022 được đồng chí Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra hôm 23.12.
Lãnh đạo Tỉnh uỷ và các đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 tại điểm cầu Tỉnh uỷ.
Dự tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Xuân Hương.
NHIỀU ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO
Báo cáo kết quả công tác Tuyên giáo năm 2021, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của công tác tuyên giáo, song toàn ngành Tuyên giáo đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực đổi mới phương thức hoạt động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Nổi bật là ngành Tuyên giáo chủ động tham mưu cấp uỷ tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bằng hình thức trực tuyến. So với các nhiệm kỳ trước, việc tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho cán bộ chủ chốt bằng hình thức trực tuyến ngay sau Đại hội là sự đổi mới, sáng tạo của ngành tuyên giáo, mang lại hiệu quả thiết thực.
Nghị quyết được truyền đạt đến cán bộ, đảng viên sớm, nhanh nhất với hơn 1 triệu người, gần 8.000 điểm cầu; nhiều đảng viên ở cơ sở, các đảng viên ở nước ngoài cũng được học tập, quán triệt nghị quyết với cấp tỉnh và trung ương, góp phần tiết kiệm kinh phí, thời gian so với học tập trực tiếp.
Trong năm, ngành Tuyên giáo tham mưu cấp uỷ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; triển khai Kết luận số 01 của Bộ Chính trị (khoá XIII) và nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khoá nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng - chuyên đề năm 2021. Đặc biệt, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức thành công hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với quy mô lớn sau 75 năm, kể từ hội nghị văn hoá năm 1946.
Ngành Tuyên giáo chỉ đạo, định hướng tuyên truyền cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời định hướng dư luận và phản ánh cho các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề phát sinh; tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành Tuyên giáo chủ động tham mưu cấp uỷ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, tạo sự đồng thuận xã hội để thực hiện “mục tiêu kép”, phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19, giải quyết những vấn đề tâm lý, tâm trạng xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị, phục vụ phát triển KT-XH.
9 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2022
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao những kết quả, đổi mới của ngành Tuyên giáo trong năm 2021 và chỉ đạo 9 nhiệm vụ trọng tâm về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ ngành Tuyên giáo cần quan tâm trong năm 2022.
Ngành Tuyên giáo chủ động tham mưu cấp uỷ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tuyên truyền, triển khai, nhất là tổ chức thực hiện chương trình hành động đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đi vào cuộc sống.
Tập trung triển khai Kết luận 21 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công trong kế hoạch 03 của Bộ Chính trị. Trước mắt, nghiên cứu ban hành hướng dẫn đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp về tuyên truyền Kết luận 21, kế hoạch của Bộ Chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu trong nội bộ ngành Tuyên giáo, các cơ quan báo chí - xuất bản, văn học - nghệ thuật, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ cần tiến hành ngay việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Kết luận 21 bảo đảm nghiêm túc, thận trọng, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Tuyên giáo các cấp tham mưu cấp uỷ chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là thực hiện tính nêu gương của cán bộ, đảng viên; đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày của mỗi tổ chức đảng, đảng viên.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, góp phần xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục chính trị, đề cao tự học, tự nghiên cứu của từng cá nhân; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu ngành Tuyên giáo quán triệt sâu sắc đường lối Văn hoá được nêu trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nội dung hội nghị Văn hoá toàn quốc vừa qua, nhất là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác Văn hoá. Qua đó để tham mưu cho các cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chú trọng xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hoá lành mạnh trong xã hội, trước hết là trong các tổ chức đảng, đoàn thể, từng cán bộ, đảng viên.
Đối với hoạt động báo chí xuất bản cần được định hướng kịp thời với phương châm chủ động thông tin tích cực, phát huy vai trò báo chí xuất bản trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng, chính trị, đạo đức, giá trị sống tốt đẹp và là lực lượng sắc bén trong đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Để làm được điều này, phải đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ vững vàng, đạo đức trong sáng, ý thức trách nhiệm công dân cao.
Ông cũng lưu ý việc phải theo dõi, xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động của các trang thông tin điện tử; ngành Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật Báo chí một cách căn cơ hơn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tuyên giáo - Thông tin và Truyền Thông - Hội Nhà báo để chỉ đạo, định hướng báo chí một cách cụ thể.
Ngành Tuyên giáo chủ động nắm tình hình, nâng cao chất lượng tham mưu công tác khoa giáo; nắm chắc diễn biến dịch Covid-19 để tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, có các giải pháp ổn định tình hình tư tưởng nhân dân, giữ vững an ninh chính trị để phục hồi KT-XH. Đồng thời, đấu tranh hiệu quả ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, nhất là trước những sự kiện, vấn đề tác động lớn đến đời sống KT-XH, phục vụ hoạt động lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Thường trực Ban Bí thư đặc biệt lưu ý ngành Tuyên giáo thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ Tuyên giáo các cấp. Cán bộ Tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, hiểu biết rộng, lý giải thuyết phục các vấn đề thực tiễn đặt ra để thuyết phục, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tin và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
“Người làm công tác tuyên giáo luôn đối mặt với những vấn đề mới, không có ngày nào là nhàm chán, ngày nào cũng vất vả, ngày nào cũng có điều thú vị, ngày nào cũng có cơ hội để bồi dưỡng bổ sung thêm kiến thức”.
Đồng chí Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
Phương Thuý