Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hướng về tuổi “bách niên” của báo chí cách mạng giai đoạn chuyển đổi số
Thứ tư: 14:15 ngày 21/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đón mừng ngày 21.6.2023, “làng báo” nước ta rộn ràng chuẩn bị hướng về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025) với tinh thần “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, được xem như các tiêu chí của báo chí hiện nay.

Ngược dòng thời gian, chúng ta đều biết báo chí nước ta đã xuất hiện cách nay hơn một thế kỷ rưỡi. Cụ thể là từ ngày ra mắt tờ báo tiếng Việt đầu tiên - tờ Gia Định báo, ngày 15.4.1865, ở Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực chất, tờ báo này là tờ công báo lưu hành trong bộ máy chính quyền Pháp thuộc nên không thể tiêu biểu cho nền báo chí nước ta. Bước sang đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đã áp đặt hoàn toàn ách đô hộ lên cả dân tộc ta, ngày 21.6.1925, với sự kiện số báo Thanh Niên đầu tiên do lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, dòng báo chí cách mạng nước ta mới chính thức ra đời để định hướng cho phong trào cách mạng của dân tộc ta liên tục đấu tranh chống thực dân, phát-xít, đế quốc ngoại bang xâm lược suốt 50 năm (1925-1975), cho đến khi hoàn toàn giải phóng đất nước.

Sau đó, báo chí cách mạng nước ta tiếp tục làm nhiệm vụ chính trị động viên toàn dân khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến ngày nay.

Với ý nghĩa đó, ngày 5.2.1985, Đảng ta quyết định lấy ngày 21.6 hằng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam. Và đến kỷ niệm 75 năm, ngày 21.6.2000, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đồng ý ngày 21.6 là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong quá trình lịch sử 98 năm của báo chí cách mạng nước ta, có sự đóng góp của báo chí cách mạng tỉnh Tây Ninh kể từ khi Báo Dân Quyền, cơ quan tuyên truyền vận động kháng chiến của Tỉnh uỷ Tây Ninh ra đời năm 1946. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, đến ngày thắng lợi hoàn toàn, từ sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, tờ báo của Đảng bộ tỉnh tự hào được vinh dự mang tên quê hương mình: Báo Tây Ninh, với tôn chỉ mục đích là “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh.

Cũng từ sau ngày giải phóng 30.4.1975 đến nay, “làng báo” tỉnh nhà có thêm đơn vị mới thuộc “binh chủng” phát thanh - truyền hình là Đài PT-TH Tây Ninh. Trong những năm đầu “thời kỳ đổi mới”, kể từ năm 1989, những người làm báo thuộc hai cơ quan báo chí chính thống của tỉnh được sinh hoạt trong tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của mình là Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Tây Ninh.

Cùng với đội ngũ “chiến sĩ cách mạng trên mặt trận chính trị tư tưởng” trên cả nước, báo chí cách mạng tỉnh Tây Ninh đã có nhiều thế hệ làm báo cống hiến công sức, trí tuệ qua các thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước, quê hương.

Các thế hệ này đã tác nghiệp với các công nghệ làm báo từ báo in thô sơ, thủ công đến báo in chữ chì (in typo), in offset, báo điện tử phát thanh, truyền hình, rồi đến công nghệ hiện đại hơn là công nghệ thông tin - công nghệ mở màn của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, còn gọi là “thời 4.0” hay cập nhật hơn, bước sang thế kỷ XXI được gọi là “kỷ nguyên số”.

Quá trình phát triển cuộc cách mạng công nghệ này hiện nay đang tác động toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của từng nước trên thế giới, gọi là “chuyển đổi số quốc gia”.

Tất yếu, ngành truyền thông, báo chí không thể không chịu ảnh hưởng, không thể không đương đầu với thử thách của “chuyển đổi số”. Có thể nói báo chí truyền thống khó mà tồn tại được nếu không nhanh chóng, kịp thời “chuyển đổi số”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái (bìa trái) tham quan Hội báo Xuân tỉnh Tây Ninh năm 2023. 

Thật ra, các cơ quan truyền thông báo chí của tỉnh đã sớm vận dụng công nghệ thông tin- chặng đầu của “thời 4.0” từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay đã trên dưới 30 năm. Trong đó, Báo Tây Ninh bắt đầu “tin học hoá” nghề làm báo từ năm 1995, và đã trở thành khách hàng đầu tiên kết nối mạng internet với giao thức ADSL của Viễn thông Tây Ninh khi nước ta mới bắt đầu mở cổng internet năm 1997.

Lúc ấy có thể có được hạ tầng đồng bộ từ Toà soạn đến từng phóng viên, biên tập viên, trong khi tỉnh chỉ có thể đầu tư thiết bị để “tin học hoá” cho cơ quan Toà soạn báo, Ban Biên tập đã phải bảo lãnh cho biên tập viên, phóng viên vay vốn ngân hàng (trả góp bằng nguồn nhuận bút) để trang bị máy vi tính cá nhân (PC computer), rồi máy tính xách tay (laptop), máy ảnh, máy ghi âm kỹ thuật số.

Đồng thời cơ quan báo tích cực đưa cán bộ đi đào tạo ứng dụng tin học chuyên ngành biên tập, đồ hoạ, dàn trang, chế bản và mở lớp “xoá mù tin học” cho toàn thể cơ quan…

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công việc làm báo cũng chỉ mới ở mức độ thay thế công nghệ cũ bằng ứng dụng tin học trong các khâu công tác phóng viên như khai thác, xử lý thông tin, hình ảnh, viết tin bài, nộp bài bằng ứng dụng công nghệ thông tin; công tác toà soạn bằng phần mềm biên tập văn bản, xử lý hình ảnh, dàn trang, chế bản bằng máy vi tính, máy in kỹ thuật số và chuyển file thiết kế báo đến nhà in nhân bản qua đường truyền internet tốc độ cao.

Mãi cho đến những năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, Báo Tây Ninh mới có ấn bản báo điện tử Tây Ninh online trên mạng internet, cũng như có phần mềm ứng dụng toà soạn điện tử cho báo in.

Còn việc khai thác tài nguyên chuyển đổi số như các ứng dụng mạng xã hội trên internet thì đến mấy năm gần đây Báo Tây Ninh mới có việc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội, cho nên chưa có được sự tương tác mạnh mẽ từ đối tượng phục vụ của mình theo yêu cầu hoạt động báo chí hiện đại. Như vậy, có thể nói Báo Tây Ninh tuy có đi trước một bước trên đường tin học hoá, nhưng lại chậm chân hơn về chuyển đổi số trong tác nghiệp phục vụ bạn đọc. Vì sao thế?

Theo nhận định chủ quan của người viết bài này, với góc nhìn vừa là của một người làm báo, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn là cộng tác viên thường xuyên của “bổn báo”, vừa là một bạn đọc trung thành của Báo Tây Ninh, tôi xin tự lý giải cho vấn đề đặt ra ở trên.

Như chúng ta đã biết, truyền thông xã hội đã thâm nhập rất sâu vào đời sống xã hội của tỉnh nhà, cũng như của cả nước từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh, số thuê bao di động có kết nối internet ở Tây Ninh đến năm 2023 đạt 81% tổng dân số (975.000 thuê bao/1,2 triệu dân, chưa kể đến số thuê bao cố định có kết nối internet trên 265.000 thuê bao), cao hơn mức bình quân cả nước (đến giữa năm 2022 là 73%).

Như vậy, nếu muốn biết sức lan toả của báo tỉnh nhà trên mạng internet, sẽ không khó tìm câu trả lời bằng cách so sánh tỷ lệ số lượng người truy cập Báo Tây Ninh online với tổng số thuê bao di động có kết nối internet trong tỉnh.

Tương tự như thế, cũng không khó tìm hiểu về số lượng người theo dõi, chia sẻ các nội dung của báo tỉnh cũng như tương tác với báo online trên các nền tảng Facebook, Zalo, YouTube…

Có thể nói công tác chuyển đổi số của báo tỉnh nhà chưa nhanh lắm là do những nguyên nhân sau: Những năm gần đây, những người làm báo Tây Ninh tập trung cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả về nội dung thông tin, về phục vụ nhiệm vụ chính trị của Báo.

Điều đó thấy rõ qua việc cán bộ, phóng viên bổn báo liên tục đạt các giải báo chí của Trung ương, của tỉnh, kể cả các giải thưởng danh giá của Đảng, Nhà nước, của các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc.

Trong khi đó, việc đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số chưa ngang tầm, cơ sở hạ tầng cũng như đội ngũ nhân sự còn thiếu thốn nhiều, nên Báo Tây Ninh Online còn chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu nhiều mặt của bạn đọc. Điều đó thể hiện rõ nhất qua giao diện của báo chưa bắt mắt, và nội dung- cụ thể là những nội dung thông tin trong tỉnh có khi người đọc phải tìm đọc trên báo in, vì báo online chưa đưa hoặc không thấy đưa.

Đồng thời, Báo cũng chưa được nhạy bén với những tin tức, sự kiện mới phát sinh trong đời sống kinh tế xã hội của tỉnh. Có khi do tính cẩn trọng của người làm báo chăng? Điều đó cũng tốt, an toàn hơn, nhưng thẳng thắn mà nói là chưa thể hiện được tính chất của truyền thông số, truyền thông hiện đại, và tất nhiên khó mà bắt kịp để kiểm chứng, dẫn dắt, định hướng cho truyền thông xã hội, một điều mà lãnh đạo lẫn bạn đọc vẫn tin cậy, mong mỏi ở những người làm truyền thông, báo chí chính thống.

Một thực tế nữa mà người viết bài này nhận thấy, dù chưa dám khẳng định là đúng hay không, là có những bạn trẻ, hoặc không còn trẻ những vẫn chưa già, đang hoạt động báo chí trong tỉnh, có vẻ như không “mặn mà” lắm với chuyển đổi số trong tác nghiệp, thậm chí có người “dị ứng” với những nền tảng truyền thông xã hội, nên không thích, không muốn, không tích cực học tập nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng để ứng dụng vào công việc chuyên môn của mình. Lời thật dễ mất lòng, người viết bài này mong sao nhận định chủ quan của mình là chưa đúng.

Năm nay, năm 2023 chúng ta kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hai năm nữa, năm 2025, chúng ta chào mừng sự nghiệp báo chí cách mạng vẻ vang, nghề nghiệp cao quý của mình tròn 100 tuổi.

Mong sao ở thời điểm lịch sử ấy, chúng ta thực sự bắt kịp nhịp sống chuyển đổi số quốc gia, để cùng đồng nghiệp, đồng bào, đồng chí cả nước nêu cao tinh thần “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, xứng đáng là thế hệ đương đại của đội ngũ chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng văn hoá.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục