Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trả lời đơn khiếu nại của ông Huỳnh Ngọc Ẩn:
Huyện đang thanh tra, làm rõ nguồn gốc đất, giải quyết theo quy định
Thứ tư: 00:37 ngày 13/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, sinh năm 1970, ngụ ấp Bảo, xã Long Giang, huyện Bến Cầu gửi đơn đến Báo Tây Ninh khiếu nại về việc chính quyền địa phương buộc gia đình ông phải di dời ra khỏi khu vực quy hoạch di tích Thành Bảo Long Giang.

Khu di tích Thành Bảo Long Giang đang trong quá trình xây dựng (ảnh chụp tháng 2.2021).

Ông Ẩn trình bày, gia đình ông sử dụng 810,7m2 đất gồm các thửa 247, 248 tờ bản đồ số 24 xã Long Giang, toạ lạc tại ấp Bảo, xã Long Giang, huyện Bến Cầu. Nguồn gốc phần đất này là của ông ngoại tên Trần Văn Kiếm và bà ngoại tên Trịnh Thị Hia khai phá, trồng lúa từ trước năm 1975. Năm 1992, ông Ẩn đổ đất nâng cấp mặt ruộng và cất nhà cột kê tán, lợp thiếc, vách thiếc để ở, đồng thời, trồng thêm một số cây dừa, tràm vàng, xà cừ, bàng...

Năm 1993, bà Hia được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số 00292.QSDĐ/G2, ngày 15.12.1993, do Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu Phạm Văn Dẩn ký tên), loại đất sản xuất nông nghiệp (đất lúa), trong đó có phần đất ông Ẩn đang sinh sống. Ngày 16.12.1993, bà Hia làm giấy tay, bán phần đất nêu trên cho ông Ẩn. Đến năm 1994, ông Ẩn nâng cấp căn nhà lên thành nhà tường và cư ngụ ổn định, liên tục đến nay.

“Gia đình tôi được Nhà nước cấp số nhà, cấp sổ hộ khẩu, cho phép sử dụng điện lưới quốc gia. Từ năm 1997 đến năm 2011, tôi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đất cho chính quyền địa phương. Năm 1996, được những người cao tuổi trong xã biết rõ nguồn gốc đất ký tên vào giấy xác nhận phần đất gia đình tôi cư ngụ không phải là đất di tích Thành Bảo Long Giang. Đến năm 1998, UBND tỉnh mới ban hành quyết định quy hoạch Khu di tích lịch sử Thành Bảo Long Giang” - ông Ẩn cho biết thêm.

Những năm gần đây, UBND huyện Bến Cầu và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) có kế hoạch đầu tư xây dựng lại Khu di tích lịch sử Thành Bảo Long Giang. Từ tháng 11.2020 đến tháng 3.2021, chính quyền địa phương nhiều lần mời gia đình ông Ẩn đến trụ sở UBND xã, huyện để thông báo chủ trương trên, giải đáp thắc mắc liên quan đến di tích Thành Bảo Long Giang. UBND huyện cho rằng gia đình ông Ẩn chiếm dụng đất trong khu di tích lịch sử để ở và yêu cầu ông di dời nhà cửa. Ông Ẩn không đồng ý với nội dung này và đã gửi đơn khiếu nại UBND huyện Bến Cầu.

Ông Ẩn nói: “Tôi không phản đối chủ trương xây dựng lại Khu di tích lịch sử Thành Bảo Long Giang, tôi chỉ yêu cầu UBND huyện Bến Cầu thực hiện đúng theo Mục 4, Điều 1, Quyết định số 2001/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh, ngày 11.9.2020 về bồi thường nhà đất, hỗ trợ hoa màu, vật kiến trúc trên đất cho gia đình”.

Ngày 14.7.2021, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND xã Long Giang mời ông Ẩn đến trụ sở UBND xã làm việc, thông báo cho ông biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu tại Biên bản số 125/BB-UBND ngày 2.7.2021, trong thời hạn 15 ngày, ông Ẩn phải chấp hành di dời, bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng khu di tích.

Các cơ quan chuyên môn huyện sẽ kiểm đếm, thống kê tài sản, hoa màu trên đất, nếu sau này cơ quan có thẩm quyền kết luận đủ điều kiện hỗ trợ di dời thì thực hiện hỗ trợ theo quy định. Hết thời hạn nêu trên mà gia đình ông Ẩn vẫn không chấp hành, địa phương sẽ lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Sau khi nghe thông báo, ông Ẩn thống nhất về việc kiểm kê hiện trạng tài sản nhà ở trên đất mà ông đang sử dụng, nhưng không đồng ý di dời nhà cửa đi nơi khác trong thời gian 15 ngày, bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng di tích. Lý do, ông Ẩn đã nộp đơn khiếu nại gửi UBND huyện Bến Cầu nhưng chưa được giải quyết.

“Khi được UBND huyện Bến Cầu giải quyết và được Nhà nước bồi thường đất, vật kiến trúc, nhà ở trên đất theo quy định, tôi sẽ di dời, bàn giao mặt bằng”-  ông Ẩn khẳng định.

Trả lời vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Thành Thông- Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: “UBND huyện đã nhận đơn khiếu nại của ông Ẩn. Huyện đang thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra, xác minh làm rõ nguồn gốc đất, quá trình quản lý, sử dụng phần đất hiện nay của gia đình ông Ẩn đang cư ngụ”.

Liên quan đến khu đất trên, UBND huyện Bến Cầu có báo cáo cho biết, năm 1998, Thành Bảo Long Giang được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh và được khoanh vùng bảo vệ với diện tích 15.221m2. Hiện nay, trong khu vực đất di tích có 11 hộ gia đình, cá nhân làm ăn sinh sống. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Bến Cầu có ý kiến đề nghị Sở VH, TT&DL tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo 2 phương án.

Phương án 1, điều chỉnh diện tích khoanh vùng giảm còn 4.670,4m2 (phần đất công của UBND xã quản lý) và chỉ trùng tu phần di tích phía Tây bờ thành. Lý do là trong diện tích khoanh vùng di tích có tỉnh lộ 786 cắt ngang và chia cắt di tích Thành Bảo Long Giang làm 2 phần riêng biệt gây khó khăn trong việc phục dựng, trùng tu; đồng thời, gây mất an toàn giao thông khi người dân lưu thông qua khu vực di tích. Hiện tại, di tích phía bờ Đông còn nhiều hộ dân sinh sống với diện tích khá lớn, hơn 6.000m2 cần phải có kinh phí lớn để đền bù và di dời người dân đến khu vực tái định cư.

Diện tích phía bờ Tây Thành Bảo 4.670,4m2, trong đó có 2 hộ cất nhà ở là ông Huỳnh Ngọc Ẩn và ông Võ Thành Nhanh. Cả 2 hộ dân này đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuận lợi trong việc di dời người dân đến khu vực tái định cư hơn so với việc đền bù toàn bộ các hộ dân trong di tích.

Cổng Thành Bảo Long Giang đang trong quá trình xây dựng (ảnh chụp tháng 2.2021).

Phương án 2, bờ thành phía Đông có nhiều hộ dân sinh sống từ lâu (trước khi có quyết định xếp hạng di tích) nên tổ chức đền bù, di dời những hộ dân này ra khỏi di tích. Đồng thời lập hàng rào bảo vệ và trùng tu lại bờ thành bị thay đổi hiện trạng.

Tuy nhiên, huyện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện phương án này lý do: Kinh phí bảo đảm việc đền bù, di dời những hộ dân này ra khỏi đất di tích đến khu vực tái định cư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện khó thực hiện được nguồn kinh phí đền bù để di dời các hộ dân trong thời điểm hiện nay; chưa có đất công để di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân; kinh phí đền bù, trùng tu, phục dựng di tích quá lớn.

Ngày 22.10.2020, Sở VH, TT&DL có Tờ trình số 155 gửi UBND tỉnh về việc điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích Thành Bảo Long Giang. Theo đó, Sở này thống nhất theo đề nghị của UBND huyện Bến Cầu, trình UBND tỉnh điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích Thành Bảo Long Giang, từ 12.330m2 xuống còn 4.999,5m2 (phương án 1); giao UBND huyện Bến Cầu tổ chức việc cắm mốc giới tại di tích Thành Bảo Long Giang theo diện tích đã được điều chỉnh. Sớm tiến hành đền bù 2 hộ dân ở phía Tây bờ thành để tu bổ tôn tạo di tích Thành Bảo Long Giang và thông báo cho các hộ dân sống tại khu vực phía Đông bờ thành biết để họ ổn định cuộc sống.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục