Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tham gia mô hình, ngoài việc được hỗ trợ 50% cây, con giống và vật tư, các hộ còn được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn ghi chép nhật ký…
![google news](/assets/images/gg-news-v2.png)
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp trên địa bàn để khảo sát nhu cầu, nội dung cần thiết và mời nông dân tham gia tập huấn, hội thảo, tham quan học tập. Qua đó đã giúp các chương trình khuyến nông đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích thiết thực.
Ông Đào Văn Xi chăm sóc rau.
Hiệu quả từ tổ hợp tác trồng rau theo hướng hữu cơ
Truông Mít là một trong những xã của huyện Dương Minh Châu có thế mạnh trồng cây nhãn. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình giá cả bấp bênh, cộng với bệnh chổi rồng phát triển mạnh khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau ăn lá theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Đào Văn Xi tại ấp Thuận An, xã Truông Mít hiện có hơn 2.000m2 chuyên trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày như rau dền, cải, rau tần ô và xà lách. Để nâng cao thu nhập, nhiều năm qua, gia đình ông áp dụng phương thức sản xuất rau hữu cơ theo hướng VietGAP. Ông chia sẻ, người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó, rau là một trong những loại thường xuyên có mặt trên bàn ăn của mỗi gia đình. Do vậy, khi được Hội Nông dân xã vận động, ông đã nhiệt tình tham gia. Sản phẩm làm ra đều bảo đảm chất lượng, an toàn, góp phần bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, đặc biệt hiệu quả kinh tế rau hữu cơ cũng tăng lên nhiều so với cách làm truyền thống trước đây.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Truông Mít cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 15 hộ trồng rau ăn lá với diện tích trên 20 ha. Nhờ vậy đầu ra ổn định. Uớc tính mỗi héc-ta trồng rau, bình quân cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, người nông dân còn lại 40 triệu đồng.
Theo ông Dũng, người tiêu dùng tất quan tâm sản phẩm an toàn. Đầu năm 2024, Hội Nông dân xã Truông Mít vận động các hộ trồng rau trên địa bàn tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ ấp Thuận An, đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Dương Minh Châu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ cho 5 hộ nông dân là thành viên Tổ hợp tác với diện tích 1 ha, tại ấp Thuận An. Sau gần 1 năm tổ chức thực nghiệm, mô hình đã thu hoạch được vụ thứ ba, năng suất bình quân 2,5 tấn, giá bán dao động từ 8.000 đồng đến 12.000 đồng/kg.
Ngoài ra, Hội Nông dân xã Truông Mít phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Dương Minh Châu và Công ty cổ phần khoa học công nghệ NATEK tổ chức hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ cho hộ trồng rau. Dự kiến trong quý I năm 2025, sau khi hoàn thành các tiêu chuẩn về quy trình thực hiện, 5 hội viên sẽ được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau hữu cơ.
Triển vọng mô hình nuôi cá chạch lấu trên ao nổi
Cá chạch lấu là loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với nhiều hộ nông dân triển khai xây dựng mô hình nuôi cá chạch lấu đã mang lại hiệu quả cao. Trạm Khuyến nông huyện Dương Minh Châu phối hợp với Hội Nông dân xã Phước Ninh triển khai mô hình này tại gia đình chị Hồ Thị Kim Nhật, ngụ ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh với diện tích 0,05 ha.
Chị Hồ Thị Kim Nhật chia sẻ, sau khi tham gia lớp tập huấn và tham quan các mô hình nuôi cá chạch lấu tại xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, gia đình chị bắt đầu nhận chuyển giao con giống từ tháng 9.2024. Sau 4 tháng nuôi, đàn cá phát triển khá tốt, tỷ lệ hao hụt thấp.
Theo chị Hồ Thị Kim Nhật, với kinh nghiệm nuôi cá hơn 7 năm nay, cùng với những kiến thức được Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao, gia đình chị chăm sóc, nuôi cá chạch lấu tốt hơn. Sau đợt này, nếu giá bán ổn định, chị sẽ tăng số lượng nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh Nguyễn Ngọc Loan cho biết, Phước Ninh rất gần với hồ Dầu Tiếng, có điều kiện thuận lợi phát triển nghề nuôi thuỷ sản với nhiều loại như: cá lóc bông, cá lóc đen, ba ba, cá rô phi… Nhận thấy giá trị kinh tế của con cá chạch lấu, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình nuôi trong ao lót bạt tại gia đình bà Hồ Thị Kim Nhật. Để thực hiện mô hình này, bà Nhật đi học tập kinh nghiệm một số nơi. Trên địa bàn xã có hai hộ được chuyển giao mô hình nuôi cá chạch lấu. Các hộ được Trạm Khuyến nông hỗ trợ 50% con giống và thức ăn, đồng thời được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi.
Ông Phan Thanh Quang- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Dương Minh Châu cho biết, trong năm 2024, Trạm phối hợp với nông dân triển khai thực hiện bốn mô hình, gồm: mô hình sản xuất rau hữu cơ, mô hình trồng thâm canh nhãn chuyển đổi từ giống nhãn tiêu da bò sang giống nhãn sùng cơm vàng, mô hình nuôi cá chạch lấu và mô hình trồng thâm canh chôm chôm.
Tham gia mô hình, ngoài việc được hỗ trợ 50% cây, con giống và vật tư, các hộ còn được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn ghi chép nhật ký…
Minh Dương