Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Huyện Gò Dầu: Rạch Nhọc bị bồi lắng cần được nạo vét, khơi thông
Thứ bảy: 09:23 ngày 26/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều năm qua, tuyến kênh tiêu Rạch Nhọc bị bồi lắng, lòng kênh cạn, cỏ mọc dày làm thu hẹp dòng chảy, cản trở việc tiêu thoát nước gây ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến việc sản xuất hơn 100 ha lúa của người dân hai ấp Rộc A và Rộc B của xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu.

Rạch Nhọc bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy gây ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.

Người dân địa phương nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền, đề nghị nạo vét, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm.

Thường xuyên ngập mỗi khi trời mưa.

Ông Nguyễn Văn Bền- ngụ ấp Rộc A hiện canh tác gần 1 ha lúa tại cánh đồng Rạch Nhọc cho biết, tuyến kênh này bị bồi lắng, khiến việc tiêu thoát nước cho cả cánh đồng gặp nhiều khó khăn. Điển hình như đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, xảy ra 2 cơn mưa lớn, gây ngập cục bộ cả cánh đồng, ông và nhiều hộ phải gieo sạ lại.

Theo ông Bền, lưu vực của tuyến kênh Rạch Nhọc rất lớn, bề rộng mặt kênh luôn bờ bao đến hơn 10m. Tuy nhiên, do bị đất cát bồi lắng nhiều năm nên lòng rạch chỉ còn khoảng hơn 1m, cộng thêm việc cỏ dại mọc rậm rạp cản trở dòng chảy nên không những gây ngập úng lúc mưa mà việc lấy nước canh tác các tháng mùa khô của nông dân cũng vô cùng vất vả.

Một hộ dân canh tác lúa tại ấp Rộc A cho biết, cánh đồng Rạch Nhọc là vùng thấp trũng nên trở thành “túi chứa nước” của khu vực này. Nước từ các kênh mương ở các ấp Đường Long, Bến Mương, Rộc A, Rộc B đổ dồn về đây, theo tuyến kênh này chảy qua cầu Đá Hàng ra sông Vàm Cỏ Đông. Rạch Nhọc vừa cạn, vừa nhỏ hẹp khiến việc tiêu thoát nước diễn ra rất chậm, làm cho cả cánh đồng ngập nước.

Ông Nguyễn Văn Ngon– Trưởng ấp Rộc A cho biết, vấn đề tuyến kênh Rạch Nhọc bị bồi lắng thu hẹp dòng chảy ảnh hưởng đến việc canh tác lúa đã được người dân nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, huyện.

Nhưng không hiểu vì sao đến nay các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp nạo vét khơi thông dòng chảy, để người dân an tâm sản xuất. Trong khi đó, cứ đến mùa mưa thì nước rút chậm, diện tích ngập có lúc lên đến gần 100 ha, người dân phải gieo sạ lại đến hai, ba lần.

Chính quyền địa phương đã kiến nghị nhiều lần với cơ quan cấp trên

Ông Võ Đông Sơ– Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức cho biết, tuyến kênh tiêu Rạch Nhọc có tổng chiều dài lên đến hơn 7km, trong đó, đoạn đi qua địa phận ấp Rộc A, Rộc B của xã Thạnh Đức chiếm hơn 1/2 chiều dài, nhiều đoạn kênh bị bồi lắng, khiến nước khó tiêu thoát, gây ngập úng cục bộ những khi mưa lớn.

Tuy nhiên, do kinh phí nạo vét quá lớn, nằm ngoài khả năng của địa phương nên UBND xã đã có tờ trình gửi UBND huyện Gò Dầu, đề nghị hỗ trợ địa phương phương án nạo vét tuyến kênh.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Lành– Phó Chủ tịch HĐND xã Thạnh Đức, ngoài tuyến kênh Rạch Nhọc bị bồi lắng, không bảo đảm tiêu thoát nước phục vụ sản suất nông nghiệp, cử tri còn kiến nghị khôi phục tuyến kênh Rạch Dứa (dọc quốc lộ 22B), đoạn từ đường đê bao đến cầu Đá Hàng để vừa cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất lúa của bà con vừa làm nhiệm vụ mương tiêu thoát nước của đường quốc lộ 22B. HĐND xã cũng đã tổng hợp ý kiến cử tri, gửi các cấp chính quyền.

Rạch Dứa cặp Quốc Lộ 22B được người dân kiến nghị khôi phục hiện trạng phục vụ sản suất.

Sẽ có phương án xử lý

Theo UBND huyện Gò Dầu, năm 2012, huyện đã nạo vét một đoạn của tuyến kênh Rạch Nhọc, có tổng chiều dài 1.566m, giúp tiêu thoát nước cho diện tích gần 300 ha. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, do tác động của tự nhiên, đến nay, tuyến kênh này tiếp tục bị bồi lắng, huyện đã giao cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá thực tế để tìm phương án xử lý.

Lòng kênh Rạch Nhọc bị đất cát bồi lắng đến mức người dân có thể đi lại được.

Ông Trần Quang Vinh– Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi cho biết, Rạch Nhọc thuộc địa bàn hai xã Thạnh Đức và Hiệp Thạnh của huyện Gò Dầu, có tổng chiều dài 7,59km, phục vụ tiêu thoát nước cho 2.285 ha của người dân. Công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh quản lý.

Thông qua, ý kiến kiến nghị của cử tri, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát, đánh giá và đề xuất phương án xử lý tình trạng bồi lắng, ách tắc dòng chảy, bảo đảm hiệu quả phục vụ nhu cầu canh tác nông nghiệp của người dân.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục