Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Huyền thoại nhạc võ Tây Sơn
Chủ nhật: 22:38 ngày 18/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một trong các môn võ độc đáo thời Quang Trung - Nguyễn Huệ còn lưu lại đến ngày nay là “nhạc võ”, thường gọi là nhạc võ Tây Sơn do võ sư Nguyễn Thị Thuận biểu diễn. Tuy nhiên, dường như có một bài nhạc võ thi triển cùng lúc với 45 chiếc trống của quân đội Tây Sơn đã bị thất truyền…


Biểu diễn võ nhạc Tây Sơn. Ảnh: Sài Gòn giải phóng.

Một trong các môn võ độc đáo thời Quang Trung - Nguyễn Huệ còn lưu lại đến ngày nay là “nhạc võ”, thường gọi là nhạc võ Tây Sơn do võ sư Nguyễn Thị Thuận biểu diễn.

Tuy nhiên, dường như có một bài nhạc võ thi triển cùng lúc với 45 chiếc trống của quân đội Tây Sơn đã bị thất truyền…

Huyền thoại nhạc võ

Trong kho tàng võ cổ truyền Việt Nam, võ Bình Định được tách thành một hệ phái riêng và rất độc đáo. Người đời sau vẫn thường gọi môn phái này là võ Tây Sơn hoặc “võ Bình Định”.

Trong các môn võ cổ truyền dành cho chiến đấu chống giặc ngoại xâm của quân đội Tây Sơn có một tuyệt chiêu ít môn phái võ thuật nào trên thế giới có được, đó chính là “nhạc võ”.

Đây là phương pháp dùng âm thanh vào việc nâng cao khí thế quân đội, tăng cường ý chí chiến đấu của binh lính Tây Sơn khi xung trận. Hiện nay, ở Bảo tàng Quang Trung có võ sư Nguyễn Thị Thuận và một vài môn sinh ưu tú sử dụng bộ trống gồm 12 chiếc để đánh theo nội dung bài võ:

Mười hai trống xếp hàng hai;

Đôi tay gõ nhịp đường dài hành quân;

Mười hai trống xếp ba hàng;

Đôi tay gõ nhịp tiến quân công đồn...

Khi biểu diễn nhạc võ (chỉ một người), phải dùng tất cả các bộ phận tay chân để đánh vào 12 chiếc trống theo nhịp của bài võ như cổ tay, nắm tay cho đến cùi chỏ và đôi chân... Theo lý thuyết, 12 chiếc trống ứng với 12 con giáp, hoặc 12 tháng trong một năm.

Do vậy, những chiếc trống có độ lớn nhỏ khác nhau. Bốn chiếc trống lớn có đường kính mặt trống khoảng 40cm, 4 chiếc trống cỡ vừa có đường kính 30cm và 4 chiếc trống nhỏ có đường kính mặt trống 20cm.

Nhờ kỹ thuật bịt da điêu luyện độ căng của trống khác nhau nên tiếng trống trong bài nhạc võ Tây Sơn có âm thanh trầm bổng khác nhau. Khi đánh nhạc võ có các âm thanh của các nhạc khí khác phụ trợ thêm như đàn nhị, kèn, chủm chọc (não bạt hay xụp xỏa), tạo thành những âm điệu đặc thù cho từng bài võ.

Khi thì hùng dũng, chỉnh tề; khi thì khoan thai, êm đềm, vui tươi. Khi hành quân thì tiếng trống giục giã; khi tấn công thành lũy thì khẩn trương, gấp gáp. Hoặc khi chiến thắng thì tiếng trống như phấn chấn, náo nức, reo hò, cổ vũ...

Nhạc võ Tây Sơn trong khi hành quân thường có thêm chiếc trống đại (trống cái) và chiêng lớn. Khi đánh chiêng, trống lớn hòa âm với nhạc võ của 12 chiếc trống sẽ tạo nên bầu không khí hào hùng, nâng cao tinh thần cho binh sĩ xông trận quyết chiến.

Theo một nhà nghiên cứu võ học ở Bình Định, những bậc cao thủ giỏi về nhạc võ Tây Sơn có thể sử dụng thêm 5 chiếc trống khác nữa. Một cái đặt gần đầu để dùng đầu đánh. Hai chiếc trống đặt 2 bên hông để đánh bằng 2 cùi chỏ.

Hai chiếc trống còn lại đặt ở phía sau để đánh bằng 2 gót chân. Khi một “cao thủ” đánh nhuần nhuyễn cùng lúc 17 cái trống thì có thể gọi họ là bậc võ công thượng thừa về nhạc võ Tây Sơn.

Nhạc võ Tây Sơn có tất cả 72 bài múa võ đánh trống. Thế nhưng, đến nay, hầu như đã thất truyền gần hết, chỉ còn lại 4 bài trong số 72 bài lưu truyền đến tận ngày nay ở Bình Định. Đó là các bài “Xuất quân”; “Hành quân”; “Công thành” và “Khải hoàn” được nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận ở Trung tâm văn hóa huyện Tây Sơn biểu diễn khá thành công lâu nay.

Muốn thưởng thức những gì còn sót lại của môn “nhạc võ”, bạn hãy đến với Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) vào dịp kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mồng bốn và mồng năm tháng Giêng hằng năm để tận mắt chứng kiến các nghệ sĩ “đất võ” biểu diễn môn nhạc võ độc đáo có một không hai của Quang Trung.

Năm 1978, tỉnh Nghĩa Bình (gồm Quảng Ngãi và Bình Định) có tổ chức một hội nghị nghiên cứu về phong trào nông dân Tây Sơn và Anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ tại thị xã Quy Nhơn (nay là thành phố Quy Nhơn), võ sư Đinh Văn Tuấn là người đã tham gia và đóng góp công sức vào việc sưu tầm, cung cấp nhiều tài liệu về nhà Tây Sơn.

Ông cũng là người được cho là có bài nhạc võ Tây Sơn 45 trống. Võ sư Đinh Văn Tuấn (SN 1942) ở thôn An Vinh, xã Bình An, huyện Tây Sơn, nơi nổi tiếng có những lò võ cổ truyền lừng danh đất Bình Định xưa.

Khoảng những năm 1990 và 1992 của thế kỷ XX, Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp có mời võ sư Kim Dũng và võ sư Đinh Văn Tuấn sang truyền dạy và trao đổi kinh nghiệm cho các học trò từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ đang theo học võ cổ truyền Việt Nam.

45 trống thất truyền

Đánh nhạc võ 12 trống, 16 trống đã là rất khó, đánh nhạc võ 45 trống thì gần như chỉ nghe lời đồn. Theo võ sư Tuấn, dàn trống 45 chiếc gồm 5 trống chầu, 24 trống chiến và 16 trống lỡ.

Phương pháp đánh theo trận pháp bát quái, ngũ hành, sử dụng bộ pháp tứ hành thủ âm. Sử dụng cả hai bàn tay sấp ngửa, nắm đấm, cổ tay, cùi chỏ, chân, đầu gối và đầu... để đánh, đòi hỏi người đánh phải có võ công thâm hậu, nội lực dồi dào, sự khéo léo, nhanh và chính xác cả về thủ pháp và bộ pháp.

Người đánh được 45 trống cùng lúc theo một bài bản đòi hỏi sự khổ luyện công phu, đồng thời có tài năng bẩm sinh và sự khéo léo của kỹ thuật.

Võ sư Tuấn là hậu duệ của ông Đinh Văn Nhưng (còn gọi là ông Chảng - thầy dạy võ của 3 anh em nhà Tây Sơn). Ông Chảng người làng rèn Bằng Châu - nay thuộc phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Là người có võ nghệ cao cường, khí phách hiên ngang, cương trực. Tương truyền, khi nhà Tây Sơn lên ngôi Hoàng đế, có cho mời ông đến để phong tước nhưng ông không nhận. Môn luyện võ bằng trống cũng bắt nguồn từ võ sư Chảng. Võ sư Tuấn là truyền nhân đời thứ tám của dòng họ Đinh.

Thời ấy, môn luyện võ bằng trống (nhạc võ) không được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, chỉ tồn tại qua những bậc tiền bối trong làng võ ở Bình Định mà hiện nay đa số đã qua đời.

Võ sư Đinh Văn Tuấn được truyền thụ môn luyện võ bằng trống chủ yếu từ hai võ sư thời ấy là Hương kiểm Mỹ và Hồ Ngạnh. Thầy Hương kiểm Mỹ chuyên luyện bộ chân, thầy Hồ Ngạnh chuyên luyện tay roi.

Khi kết hợp thuần thục chân ngựa, tay roi thì rất dễ thực hành trên dàn trống. Người luyện nhạc võ Tây Sơn thường bắt đầu với 3 chiếc trống, sau khi nhuần nhuyễn, bài tập được tăng lên 6 trống, rồi 9 trống, 12 trống.., số trống cứ tăng cho đến khi nào vòng trống xung quanh rộng ra hết tầm di chuyển của võ sĩ thì thôi. Võ sư Tuấn có thể luyện võ với 45 chiếc trống được xếp thành hai tầng xung quanh.

Võ sư Tuấn từng xuất bản một số sách võ thuật và y thuật, trong đó có biên soạn về cách đánh nhạc võ Tây Sơn 45 trống.

Ông cũng từng đề xuất với ngành thể thao tỉnh mở lớp võ Cổ truyền để truyền dạy tuyệt chiêu võ nhạc Tây Sơn, nhưng không được các quan chức thời ấy nhiệt tình ủng hộ. Từ đó đến nay, chưa thấy có người đánh được nhạc võ Tây Sơn 45 trống.

Bài nhạc võ độc đáo này dường như đã bị thất truyền, chưa biết khi nào khôi phục được tuyệt chiêu võ nhạc có một không hai ở đất võ Tây Sơn - Bình Định.

Nguồn Công an TP. Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục