Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Do mưa cuối mùa muộn, nhiều diện tích ruộng trũng còn đọng nước nên vụ Đông Xuân 2016- 2017, nhiều nông dân ở Trảng Bàng phải xuống giống đậu phộng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Thu hoạch đậu phộng.
Dù vậy, nhờ có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và tích cực chăm sóc, nên đậu phộng phát triển tốt. Hiện nay, nhiều nông dân ở Trảng Bàng bắt đầu thu hoạch đậu phộng, nhìn chung năng suất đạt khá, bình quân 3,5 tấn/ha.
Ông Trần Văn Lâu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng, cũng là một trong những hộ gắn bó với cây đậu phộng nhiều năm qua, cho biết, vụ Đông Xuân năm nay mưa cuối mùa muộn, có một số hộ không xuống giống đậu phộng mà chuyển qua cây trồng khác, nên diện tích đậu phộng trên địa bàn xã giảm đi gần một nửa so với vụ Đông Xuân năm rồi.
Vụ này đậu phát triển tốt, ít bị chết cây, năng suất đạt khá. Nhiều hộ đã thu hoạch đạt từ 3 tấn đến 4 tấn/ha (đậu khô). Theo giá bán cho thương lái vào ngày 22.3.2017 từ 22.000 đồng đến 23.000 đồng/kg đậu khô, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, nông dân còn lời khoảng 30 triệu đồng/ha.
Tuy vậy, do hầu hết các khâu sản xuất đậu phộng chưa được cơ giới hoá, phải cần rất nhiều công lao động, nên người trồng đậu phộng hiện đang rất khó thuê lao động. Để xuống giống 1 ha đậu phộng, cần đến 4 người chày lỗ và 25 người bỏ hạt làm trong 1 buổi. Còn khâu thu hoạch, để nhổ xong 1 ha đậu phộng trong một buổi, phải cần đến 50 người. Để lặt đậu xong 1 ha đậu trong một ngày, phải cần từ 30 đến 40 người.
Ngoài ra, người trồng đậu phộng còn phải thuê vận chuyển đậu về nhà, thuê người phơi đậu… Trong khi đó, công lao động ở nông thôn ngày càng khan hiếm, do đa số lao động trẻ ở Trảng Bàng đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.
Thêm một khó khăn không nhỏ nữa là giá cả đậu phộng cũng luôn bấp bênh, thường vào đầu vụ giá cao, đến giữa vụ giá lại hạ xuống. Hiện chưa có doanh nghiệp nào đầu tư hay liên kết bao tiêu sản phẩm đậu phộng ở Trảng Bàng.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vụ Đông Xuân 2016- 2017, toàn huyện xuống giống được 1.234 ha đậu phộng- đạt 88,14% kế hoạch năm và tăng được 45,18% so với cùng kỳ.
Theo một số nông dân, sản xuất đậu phộng có lời nhiều hơn lúa và một số cây trồng khác. Nhưng diện tích đậu phộng ở Trảng Bàng còn quá thấp so với cây lúa (11.610 ha), thấp hơn cả cây rau các loại (1.995 ha), cây đậu các loại (1.450 ha). Nguyên nhân do vốn đầu tư cho cây đậu phộng lớn, khó thuê mướn công lao động và đầu ra bấp bênh.
Để cây đậu phộng được duy trì và phát triển mạnh hơn trên đất Trảng Bàng, rất cần nhà khoa học nghiên cứu chế tạo thiết bị cơ giới hoá phục vụ các khâu xuống giống, thu hoạch; đồng thời cần các doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư và bao tiêu sản phẩm đậu phộng.
N.H