Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hy vọng từ giống mía mới
Thứ tư: 06:28 ngày 31/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bước đầu khảo nghiệm cho thấy các giống mía nhập nội có khả năng sinh trưởng tốt; cho năng suất, chất lượng cao; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất và chế biến; góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với các loại cây trồng khác.

Giống mía nhập nội được trồng khảo nghiệm tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Tây Ninh có diện tích sản xuất mía nguyên liệu lớn với hơn 18.000 ha. Tuy nhiên, trong thời gian qua, năng suất, chất lượng mía và thu nhập của người trồng mía trên địa bàn tỉnh chưa đạt được như mong muốn.

Giống mía cũ còn nhiều hạn chế

Theo Công ty CP Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công (trực thuộc Tập  đoàn Thành Thành Công), Tây Ninh là một trong những vùng mía trọng điểm lớn của cả nước, có truyền thống trồng mía lâu đời. Hiện có 3 doanh nghiệp với 3 nhà máy đường hoạt động trên địa bàn, với tổng công suất thiết kế 15.800 tấn mía cây/ngày. Từ lâu, cây mía được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, lợi thế cạnh tranh của cây mía so với một số cây trồng khác trong tỉnh chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều người trồng mía chuyển sang trồng cây khác, khiến việc mở rộng và duy trì vùng nguyên liệu gặp khó khăn. Hiện nay, ngành mía đường cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng đang đứng trước rất nhiều khó khăn thử thách, phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh gay gắt về giá thành sản phẩm. Một yêu cầu bức thiết đặt ra là phải nâng cao được năng suất mía cây và chữ đường, hạ giá thành sản xuất để ngành mía có thể tồn tại và phát triển bền vững

Do đó, yếu tố đầu tiên là phải tạo đột phá về giống, chấn chỉnh về năng suất, chất lượng mía nguyên liệu. Kế đến là thay đổi thâm canh, áp dụng cơ giới hoá và tổ chức lại sản xuất. Phải gấp rút xây dựng bộ giống mới cho nông dân, các nhà máy phải tập trung vào xây dựng vùng giống. Từ đó có thể giảm giá thu mua nguyên liệu nhưng vẫn bảo đảm tăng thu nhập cho người trồng mía.

Vẫn theo Công ty CP Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công, từ năm 2013 đến nay, đã có 54 giống mía mới được cho sản xuất thử. Ðặc biệt, trong đó có 36 giống được công nhận chính thức và cho phép phổ biến rộng rãi vào sản xuất. Trong số 54 giống mía mới được cho sản xuất thử trong giai đoạn này, có tới 47 giống nhập từ nước ngoài, chỉ có 7 giống Việt Nam (chiếm 12,96% số giống), do Việt Nam tự lai tạo. Một số giống mía có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với điều kiện canh tác ở Tây Ninh như: My55-14, F156, ROC10, ROC16, VÐ86-368, QÐ11, R570, K84-200, K88-92… đã được công nhận và cho phép phổ biến sản xuất rộng rãi.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu giống và quản lý giống mía sau nhập khẩu trong thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Việc kiểm dịch, kiểm soát sâu bệnh tại cửa khẩu và sau nhập khẩu rất khó thực hiện. Mía giống được đưa đi trồng ở nhiều nơi, thậm chí ở ngay trong các vùng mía nguyên liệu tập trung có diện tích lớn mà không hề được cách ly chặt chẽ. Do đó, dịch bệnh mới phát sinh như bệnh chồi cỏ mía ở Nghệ An, bệnh trắng lá mía nghiêm trọng tại Ninh Hoà, Gia Lai, Tây Ninh, rất khó kiểm soát.

 Ðến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 10 giống mía đang sản xuất, nhưng việc sử dụng các giống mía này trong thời gian dài dẫn đến giống bị lão hoá, cho năng suất và chất lượng thấp, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Hơn nữa, hiện giống mía phục vụ cho việc ép rải vụ, đặc biệt là giống mía hàm lượng đường cao phục vụ cho ép đầu vụ còn rất ít. Do đó, nhu cầu có giống mía tốt, có năng suất, chất lượng cao, chịu được điều kiện bất lợi của tự nhiên, chín rải vụ là yêu cầu cấp thiết.

Hiện nay, các nhà máy đường đều cần có nguồn nguyên liệu chất lượng tốt, ổn định cho các nhà máy hoạt động có hiệu quả trong suốt thời gian chế biến, đặc biệt là giai đoạn đầu vụ ép, các nhà máy đường nhất thiết phải đưa các giống mía mới có khả năng rải vụ vào sản xuất để thay thế dần các giống mía cũ vốn có năng suất, chất lượng giảm, đa phần là giống chín trung bình - muộn.

Sẽ thay thế các giống mía cũ

Ðể đáp ứng nhu cầu này, Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công phối hợp Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh thực hiện đề tài nghiên cứu “Khảo nghiệm giống mía nhập nội nhằm cải thiện bộ giống mía cho vùng nguyên liệu Tây Ninh”.

 Kỹ sư Ðỗ Cao Trí, Tổ trưởng Tổ giống Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công, chủ nhiệm đề tài cho biết, bắt đầu từ tháng 12.2017, Công ty đã khảo nghiệm 9 giống mía nhập nội gồm: giống FG07-188 năng suất mía đạt 148,4 tấn/ha, CCS đạt 9,31, kháng bệnh thối đỏ, than; giống MPT97-130, năng suất 130 tấn/ha, CCS đạt 10,64, kháng bệnh than; giống VMC87-599, năng suất đạt 123 tấn/ha, CCS đạt 9,67, kháng bệnh than; giống FG05-414, năng suất đạt 119 tấn/ha, CCS đạt 8,33, kháng bệnh than; giống PSR01-136, năng suất đạt 116 tấn/ha, CCS đạt 10,34, kháng bệnh than; giống PSR97-45, năng suất đạt 91,7 tấn/ha; CCS đạt 9,78, kháng bệnh than; giống FG06-639, năng suất đạt 91 tấn/ha, CCS đạt 10,21, kháng bệnh than; giống COV94-101, năng suất đạt 120 tấn/ha, CCS đạt 12,3, kháng bệnh thối đỏ, than; giống CO86-032, năng suất đạt 120 tấn/ha, CCS đạt 12,1, kháng bệnh thối đỏ, than.   

Những giống mới trên được áp dụng khảo nghiệm tại 4 điểm trên địa bàn các huyện Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, với diện tích 4.000m2/điểm. Các giống mía sẽ được khảo nghiệm trong 36 tháng trên hai loại đất trồng mía phổ biến là đất xám phù sa cổ và đất xám loang lổ, với 3 vùng đất thấp và một vùng đất cao.

Ðồng thời, những giống mía trên sẽ được đối chứng với 2 giống mía đang được sản xuất trên địa bàn tỉnh gồm: giống K95-156, năng suất đạt 130 tấn/ha, CCS đạt 11, kháng bệnh than; giống VN84-4137, năng suất đạt 80 tấn/ha, CCS đạt 12, kháng bệnh than. Từ đó, Công ty sẽ chọn ra được những giống mía đạt chất lượng để đưa vào sản xuất.

Theo ông Trí, hiện nay, các bệnh hại nghiêm trọng trên cây mía như bệnh thối đỏ, bệnh than, nhất là bệnh trắng lá đang lây lan trên diện rộng ở hầu hết các vùng trồng mía tại Việt Nam với tốc độ nhanh, trong đó có vùng mía của tỉnh Tây Ninh. Do đó, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà kiểm dịch để kiểm soát dịch hại, khảo nghiệm các giống mía theo đúng quy trình kỹ thuật khoa học, qua đó, tìm ra giống mía cho năng suất mía cây và chữ đường cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Thu hoạch mía bằng cơ giới hoá.

Ông Trí cho biết thêm, bước đầu khảo nghiệm cho thấy các giống mía nhập nội có khả năng sinh trưởng tốt; cho năng suất, chất lượng cao; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất và chế biến; góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Ðặc biệt, những giống này có năng suất đường cao hơn giống phổ biến ít nhất 10%, có khả năng kháng bệnh tốt hơn so với các giống mía chủ lực hiện có trong sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Sau khi kết thúc thời gian khảo nghiệm, việc thay thế các giống mía cũ bằng các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao hơn sẽ góp phần tăng năng suất, thúc đẩy phát triển sản xuất mía trong tỉnh. Người trồng mía sẽ từng bước kéo giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả và lợi nhuận.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục